Nấm tán trắng độc như thế nào? Không phải chỉ nấm sặc sỡ mới có độc

Nấm tán trắng dù không có màu sắc sặc sỡ nhưng rất độc, tỷ lệ gây tử vong cao. Người dân vẫn có những quan điểm sai lầm nhận biết nấm độc bằng cách dựa vào màu sắc, hình dạng bên ngoài hay dùng bạc thử...
13:18 | 28/06/2019

Nấm tán trắng độc như thế nào?

 
Mới đây một gia đình 3 người tại Sơn La bị ngộ độc do ăn nấm độc tán trắng đang điều trị tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Trong số đó thì người chồng đã tử vong còn lại bà mẹ và cô con dâu đang trong cơn nguy kịch.

Trước đây từng ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc do ăn phải nấm tán trắng. Nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna. Đúng như tên gọi loại nấm này có màu trắng từ thân đến mũ, bên ngoài phần mũ nhẵn bóng.
 
Nấm tán trắng độc như thế nào? Không phải chỉ nấm sặc sỡ mới có độc
Một trong số 3 người của gia đình bị ngộ độc nấm tán trắng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Loại nấm này thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất, trong rừng hay nhiều bề mặt khác. Lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành, mũ nấm phẳng và có đường kính khoảng 5-10 cm, khi già mép mũ có thể cụp xuống.

Phiến nấm và cuống nấm có màu trắng, phần cuống có dạng màng ở trên gần sát với mũ, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng và mùi thơm dịu. Chỉ bằng mắt thường quan sát rất khó để nhận biết đây là loại nấm độc.

Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể bị tử vong. Chính bởi độc tố mạnh nên nấm tán trắng còn được gọi là "nấm thần chết". Chất độc amatoxin không thể bị loại bỏ ngay cả khi nấu chín, sấy khô hay làm lạnh.

Khi ăn phải nấm độc tán trắng, người bệnh có biểu hiện chậm. Biểu hiện ban đầu là đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy toàn nước nhiều lần xuất hiện sau khoảng 6-12 tiếng. Sau đó biểu hiện nặng hơn là suy gan, suy thận (vàng da, tiểu nhiều, tiểu ít), hôn mê rồi tử vong.

Một nghiên cứu trên Slate.com từng chỉ ra, khi ăn phải loại nấm này, 60% chất độc amatoxin trong nấm sẽ đi thằng tới gan hủy hoại các tế bào gan, rồi mật. Chất amatoxin không chỉ gây độc trực tiếp mà còn tích lũy ở túi mật, trong quá trình tiêu hóa hàng ngày, chất độc được tiết ra từ túi mật rồi hấp thụ trở lại gan tạo thành chu kỳ ngộ độc.

Khoảng 40% chất độc amatoxin còn lại sẽ đi tới thận. Nếu một người có thận khỏe thì chất độc sẽ được bài tiết thải ra ngoài qua đường nước tiểu.

Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ. Các khu vực nấm tán trắng mọc nhiều như ven rừng vầu, tre, trúc, cọ hay rừng mọc cây thưa. Những nơi đã từng có nấm tán trắng mọc thì các bào tử nấm sẽ phát tán ra và nấm mọc lại tại đúng vị trí đó năm này qua năm khác.

Không phải chỉ nấm sặc sỡ mới là nấm độc


Thực tế ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc do ăn nấm độc hầu hết đều xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Nơi đây người dân vẫn có thói quen tự ý hái nấm hoang về ăn và chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian để phân biệt nấm độc.
 
Nấm tán trắng độc như thế nào? Không phải chỉ nấm sặc sỡ mới có độc
Không phải chỉ nấm có màu sắc sặc sỡ mới là nấm độc

Đại đa số người dân vẫn quan niệm nấm có màu sắc càng sặc sỡ thì càng độc. Đây là quan điểm đúng nhưng chưa đủ bởi trong thực tế có nhiều loại nấm màu trắng, không sặc sỡ nhưng vẫn cực độc như nấm tán trắng, nấm trắng hình nón,...

Các loại nấm này không thể dùng mắt thường để nhận biết có độc hay không. Thậm chí nhiều loại nấm độc được nấu chín ăn rất ngon, ngọt, mềm khiến nạn nhân lầm tưởng. Nhiều người thử nấm độc bằng cách thìa, đũa, dây chuyền bạc... là cách làm vô dụng. Bởi lẽ độc tố trong nấm không phản ứng với chất bạc nên không làm chúng đổi màu.

Một quan điểm sai lầm khác rất phổ biến đó là "nấm nào côn trùng ăn được thì người cũng ăn được". Các chuyên gia cảnh báo tùy loại độc tố trong nấm mà có tác dụng nhanh hay chậm. Có loại nấm độc ăn vào tác dụng chậm, sau nửa ngày tới một ngày mới có biểu hiện đầu tiên. Động vật có thể chết sau khi ăn nấm độc từ 4-5 ngày mà con người không hay biết.

Việc nhận biết nấm độc không hề đơn giản, các kinh nghiệm dân gian không thể phân biệt chính xác nấm có độc hay không. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân không tự ý hái nấm hoang về ăn để tránh hậu quả đáng tiếc.

Một số đặc điểm nhận dạng nấm độc


Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, bằng mắt thường có thể dựa vào một số đặc điểm để nhận biết nấm độc:

Các loại nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc. Độc tố có trong tất cả các bộ phận và có thể thay đổi theo mùa và quá trình sinh trưởng của nấm, tùy thuộc vào điều kiện môi trường.

Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vảy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

Ngay cả nấm ăn được nếu để quá lâu, dập nát, thối rữa cũng thể sinh ra độc tố.

Sơ cứu người bị ngộ độc nấm


Theo các chuyên gia, nấm thường phát triển vào mùa xuân, mùa hè do đó đây cũng là thời điểm gia tăng các ca ngộ độc nấm. Ngộ độc nấm dù số lượng ca ít nhưng tỷ lệ tử vong rất cao.
 
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện người có biểu hiện ngộ độc nghi do nấm thì cần gây nôn bằng biện pháp cơ học. Đối với bệnh nhân trên 2 tuổi, còn tỉnh táo thì cần móc họng cho nôn, uống nhiều nước để gây nôn.
 
Nấm tán trắng độc như thế nào? Không phải chỉ nấm sặc sỡ mới có độc
Người bị ngộ độc nếu còn tỉnh táo thì cần được gây nôn

Có thể cho uống than hoạt với liều 1g/ kg cân nặng người bệnh. Uống nhiều nước hoặc tốt nhất là uống oresol rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế.

Theo dõi thời gian kể từ lúc ăn tới khi có biểu hiện đầu tiên nếu dưới 6 tiếng thì có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 tiếng mới có biểu hiện thì cần nhanh chóng nhập viện, các bệnh viện lớn để có điều kiện lọc máu.

Khi nạn nhân có biểu hiện nặng: hôn mê, co giật thì đặt nạn nhân nằm nghiêng. Kiểm tra hô hấp của nạn nhân rồi tiến hành sơ cứu bằng hà hơi thổi ngạt. Khi bệnh nhân đã thở lại cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế. Người bị ngộ độc nấm tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi các biểu hiện ban đầu đã hết. Bởi trong chính thời gian này các nội tạng đặc biệt là gan và thận đang bị hoại tử nghiêm trọng, cần phải được theo dõi điều trị.

Khi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nên mang theo mẫu vật loại nấm mà nạn nhân đã ăn để cơ quan chuyên môn xét nghiệm, xác định độc tố.

[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/06/28/7 loại nấm độc phổ biến ở việt nam_28062019102814.mp4[/presscloud]
7 loại nấm độc phổ biến ở Việt Nam
 
 
Hà Ly (T/h)
comment Bình luận