Một doanh nghiệp bán thiết bị y tế giá cao cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Tuy cùng chủng loại, xuất xứ nhưng mỗi thiết bị mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình mua của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thiết bị y tế có giá cao hơn nơi khác hàng tỷ đồng...
7:06 | 20/11/2021

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi ông Nguyễn Hoàng Diệu được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện từ tháng 11/2020.

Ngày 22/09/2021, ông Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có Quyết định số 1089/QĐ-BVĐKT phê duyệt gói thầu “Mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa tự động và máy miễn dịch tự động thuộc dự toán và kế hoạch nhà thầu gói thầu: Mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình” có tổng giá trị lên đến 9.764.000.000 đồng.

Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thiết bị y tế (mã số thuế: 0105411818, địa chỉ: số nhà 27, ngõ 217 phố Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) trúng thầu mua sắm 02 hệ thống y tế gồm: Máy xét nghiệm sinh hóa tự động (Atellica CH 930, Siemens Healthcare Diagnostics Inc, Mỹ) có giá 5.234.000.000 đồng; Máy xét nghiệm miễn dịch tự động (Atellica IM 1300, Siemens Healthcare Diagnostics Inc, Mỹ) có giá 4.530.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, máy xét nghiệm sinh hóa tự động (Atellica CH 930) – có cấu hình, xuất xứ như Hòa Bình nhưng Ban Quản lý dự án ở Kiên Giang mua vào tháng 9/2020 (cũng bằng hình thức đấu thầu) chỉ có giá 4.370.000.000 đồng (thấp hơn Hòa Bình mua tới 864 triệu đồng);

Đối với máy xét nghiệm miễn dịch tự động (Atellica IM 1300), Ban Quản lý dự án ở Kiên Giang cũng mua với giá 3.000.000.000 đồng (thấp hơn Hòa Bình tới  1 tỷ 530 triệu đồng);

Như vậy, với 02 thiết bị y tế mà Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vừa mua của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thiết bị y tế đã phải mua với giá cao hơn Kiên Giang tới gần 2,4 tỷ đồng.

Quyết định phê duyệt do chính ông Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện ký.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thiết bị y tế được thành lập từ tháng 07/2011. Người chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp hiện nay là bà NGUYỄN THỊ MINH HẠNH (sinh năm 1978 - Hà Nội).

Giá thiết bị y tế cao hay thấp còn phụ thuộc vào khâu vận chuyển, linh kiện, phụ trợ, bảo hành, bảo trì, xây lắp, đào tạo, truyền thông... Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh là phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu cố tình lợi dụng mối “quan hệ, sân sau” hoặc thông đồng để “đẩy, thổi” giá thiết bị y tế lên hòng trục lợi, chia chác là việc làm cần lên án và xử lý nghiêm.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

 

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực y tế

Ngày 18/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo.

Trong đó, Tổng bí thư đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế; các vụ án, vụ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM, vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ; Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả…" xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng...

 

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Có việc thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, ăn chia nhau, có trích phần trăm

Chiều 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn của một số đại biểu liên quan đến các sai phạm của cán bộ trong ngành Y tế.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là vụ án xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư “phát hiện một vụ cảnh tỉnh cả vùng”, trong đó công an các đơn vị địa phương chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.

Một số vụ án điển hình được lãnh đạo Bộ Công an viện dẫn như: vụ CDC Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La… Đến nay, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố.

“Qua các vụ việc có dư luận cho rằng, các vi phạm do cơ chế, lỗi hệ thống, nhưng chúng tôi khẳng định, không phải do các lỗi này mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm. Những vi phạm về hình sự rất đáng xử lý. Trước khi xử lý hình sự, cơ quan điều tra đều có yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, trục lợi thì mới xử lý. Ví dụ như mua máy thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, ăn chia nhau, có trích phần trăm… Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện tham ô, tham nhũng...”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Cũng tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các tỉnh, thành tiếp tục thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.

 

 

Vạch trần 'sân sau' trong đấu thầu thiết bị y tế, giáo dục

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Những sai phạm này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Cụ thể, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng; xử lý một người để cứu muôn người.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm trong cả lĩnh vực, điển hình như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Điều đáng nói, sai phạm không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông...mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân, cụ thể:

Thứ nhất, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thứ hai, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.

theo Tiền Phong

comment Bình luận