Mang 6 tỷ đồng đem trả, khổ chủ bị vu vạ thành giang hồ

Huy động người theo bảo vệ vì mang hơn 6 tỷ đồng đi trả nợ để tất toán khoản vay, lấy lại tài sản thế chấp, thế nhưng, “con nợ” không những không trả được nợ mà còn bị vu vạ là giang hồ đến quấy rối.
14:21 | 29/06/2019

“Con nợ” mang tiền đi trả bị vu vạ thành giang hồ

Liên tiếp trong 2 ngày 5 và 6/6/2019, một số trang mạng đồng loạt đăng tải tấm ảnh chụp từ camera an ninh gồm 5 người đàn ông mang theo hai túi nhựa màu xanh tới trước cơ sở kinh doanh của bà Ph. Các trang này miêu tả rằng đây là một nhóm giang hồ mang theo hung khí đến để uy hiếp, đe dọa gia đình, người thân bà Ph.

Hình ảnh một số trang mạng đăng tải và khẳng định đây là nhóm giang hồ

Trong số 5 người đàn ông đó, các trang mạng cho rằng “có sự xuất hiện của ông L. và 1 trong số các lần ấy, camera an ninh tại hiện trường có ghi nhận lại hình ảnh ông L.”.

Ông L. “được” vu vạ cho cái mác là giang hồ ở đây tên đầy đủ là Phan Gia Luật, sinh năm 1968, ngụ Q.10, TP.HCM. Và “tên giang hồ” này thực chất là một “con nợ” đang khốn khổ nhờ anh em bạn bè hộ tống (bởi mang theo một số tiền lớn) đến nhà “chủ nợ” để trả tiền, chuộc lại tài sản.

Hai túi màu xanh được các trang mạng loan tin là hung khí chính là gần 6 tỷ đồng mà khổ chủ mang đi trả nợ.

Hai túi màu xanh được cho là chứa hung khí nhưng thực chất là ông Luật đựng tiền mang đến với mong muốn tìm được chủ nợ để trả

Ông Luật cho biết: “Đi 4-5 người để hộ tống một số tiền mặt lớn như thế ở thành phố thì đâu có gì là lạ. Tôi thật bất ngờ trước sự vu oan của một số tờ điện tử được xem là lớn, là nổi tiếng, uy tín. Thật không biết họ nhìn thế nào mà bảo tôi là giang hồ?”

Ông Luật cũng cho biết rằng, ông đã nhiều lần đến cơ sở kinh doanh của bà Th và bà H (mẹ bà Th) để tìm gặp và trả nợ. Thế nhưng, dù rất nhiều lần tìm đến, liên lạc qua điện thoại nhưng hai người này vẫn trốn tránh không gặp.

“Sau nhiều lần mang tiền đến trả nhưng không trả được, tôi tìm hiểu thì tá hỏa rằng bà H đã bán hai tài sản tôi thế chấp cho người khác. Họ cố tình không gặp, kéo dài thời gian để hoàn tất thủ tục công chứng, sang tên tài sản của tôi”, không Luật chia sẽ.

Hợp đồng công chứng giả cách?

Do cần tiền để làm ăn, ông Phan Gia Luật thế chấp 2 bất động sản cho ông Lê Trung Tính để vay tiền (tiền gốc và lãi tính đến tháng 10/2018 là 5.350.000.000đ). Thời điểm đầu tháng 10/2018 là thời điểm ông Luật phải hoàn trả số tiền trên cho ông Tính nhưng không có tiền đủ để trả. Vì vậy, ông Luật có nhờ ông Nguyễn Bảo Hoàng và ông Trần Thái Nguyên (là 02 người quen biết từ trước) giúp tìm người cho vay.

Sau đó, ông Trần Thái Nguyên giới thiệu có bà N.T.B.H ở quận 12 làm nghề cầm đồ có nhận thế chấp tài sản, có thể cho ông Luật vay tiền. Ngày 06/10/2018, từ số điện thoại của bà H do ông Nguyên cho, ông Luật đã gọi và hỏi vay số tiền 6 tỷ đồng trong thời hạn 03 tháng. Nếu bà H đồng ý cho vay thì ông Luật sẽ thế chấp lại 02 bất động sản này cho bà H để làm tin. Sau đó, ông Luật có gửi hình chụp 02 Giấy chứng nhận của 02 bất động sản này qua Zalo cho bà H xem.

Ông Luật mang sổ đỏ đến cơ sở cầm đồ của bà H để cầm cố

Bà H đồng ý cho vay nhưng với điều kiện là ông Luật phải ký công chứng chuyển nhượng 2 bất động sản này cho bà H (dạng hợp đồng giả cách), đến khi ông Luật hoàn trả nợ gốc và lãi thì bà H sẽ ký hủy chuyển nhượng 2 bất động sản này, trả lại tài sản cho ông Luật. Do đang cần tiền nên ông Luật đồng ý với điều kiện cho vay của bà H.

Sau khi xem đất xong, bà H hẹn ông Luật ngày hôm sau đến Phòng Công chứng số 4, quận Tân Bình ký hợp đồng chuyển nhượng để hoàn tất việc vay mượn tiền.

Ngày 8/10/2018, sau khi ký hủy các giao dịch liên quan giữa ông Luật với ông Lê Trung Tính đối với 2 bất động sản, ông Luật cùng chủ nợ cũ là ông Lê Trung Tính và 1 người khác đến Phòng Công chứng số 4 để gặp bà H.

Tại Phòng Công chứng số 4, mọi thủ tục về biểu mẫu hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng ủy quyền... đã do Công chứng viên soạn sẵn sẵn sàng. Vì bản chất ông Luật tin tưởng đây chỉ là hợp đồng giả cách nên chỉ có xem qua nhưng không xem kỹ từng điều khoản nên đã ký và yêu cầu ông Phan Nhật Cường ký tên để hoàn tất công việc.

Sau khi hoàn tất việc ký kết hợp đồng, bà H gọi điện thoại cho con gái thực hiện việc chuyển số tiền 5.350.000.000đ vào tài khoản của ông Lê Trung Tính theo đúng thỏa thuận (nhằm trả nợ cho ông Luật như đã nêu trên). Số còn lại 350.000.000đ thì bà H đưa tiền mặt cho ông Luật tại Phòng Công chứng số 4. Việc giao nhận số tiền này không được lập biên nhận. Sau đó mọi người đều ra về.

Ngày 08/11/2018, đây là ngày phải đóng tiếp tiền lãi 300.000.000đ nhưng ông Luật chưa xoay sở được tiền. Lúc này, bà H có nhắn tin yêu cầu đóng tiền lãi nhưng ông Luật xin khất nợ đến ngày 12/11/2018.

Đến ngày 12/11/2018, ông Luật gọi điện cho bà H để thông báo muốn trả hết số tiền vay và chuộc tài sản thì bà H cho biết đang ở Huế chăm sóc mẹ bệnh. Bà H hẹn vài ngày sau sẽ vào TP.HCM rồi sẽ gặp ông Luật giải quyết.

“Khoảng 10 ngày sau, tôi lại chủ động gọi điện cho bà H để tiếp tục đề nghị tất toán khoản vay, chuộc lại tài sản. Lúc này, bà H thông báo nếu muốn chuộc tài sản thì tôi phải trả đủ số tiền 6,6 tỷ đồng (gồm tiền gốc 6 tỷ và tiền lãi 600 triệu đồng). Tôi không đồng ý vì đã trã tiền lãi vay từ đầu tháng và chỉ vay có 01 tháng. Hai bên cự cãi và kể từ thời điểm này mâu thuẫn giữa tôi và bà H xảy ra. Bà H cắt liên lạc và né tránh tôi cũng từ thời điểm này”, ông Luật thông tin.

Xuyên suốt thời điểm đó cho đến nay, dù ông Luật đã rất nhiều lần mang tiền đến cơ sở kinh doanh của bà H để trả nhưng bà H luôn né tránh. Duy nhất có 1 lần bà H có nghe điện thoại của ông Luật (tháng 4/2019). Khi đó, bà H tiếp tục thông báo nếu ông muốn chuộc lại tài sản thế chấp thì phải đưa số tiền 11 tỷ cho bà H, nhưng ông Luật không đồng ý, bởi đây là đòi hỏi phi lý.

“Đến nay, bà H đã lợi dụng 2 hợp đồng chuyển nhượng giả cách để hợp thức hóa chủ quyền đối với 2 tài sản của tôi. Sau đó tiếp tục thực hiện việc cầm cố và chuyển nhượng cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi”, ông Luật phản ánh.

Cơ sở nào để xác định đó là hợp đồng giả cách? Mời quý độc giả đón đọc trong những số tiếp theo.

Xem thêm: Bệnh viện Pháp Việt - FV bị “thượng đế” tố vô trách nhiệm

 Thế Mỹ

comment Bình luận