Lý giải loại virus \'lạ\' gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ đang lây lan rộng tại TP.HCM

Mạng xã hội lan truyền thông tin TP.HCM xuất hiện một loại virus "lạ" gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ với các triệu chứng y hệt cảm sốt khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
19:58 | 29/11/2019
Các bác sĩ khẳng định loại virus "lạ" được lan truyền trên mạng xã hội gây bệnh viêm tiểu phế quản với các triệu chứng giống như cảm sốt thông thường nhưng chưa có thuốc điều trị hay vắc xin phòng bệnh là virus hợp bào hô hấp tên khoa học là Respiratory syncytial virus (hay còn gọi virus RSV). Thời gian gần đây tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM ghi nhận số ca viêm tiểu phế quản nặng do virus hợp bào hô hấp tăng đột biến.
 

Dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường


Theo Báo Tuổi trẻ, hiện Khoa hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đang điều trị khoảng 100 bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp. Trong đó, có hơn 20 bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) trong tình trạng nặng, phải điều trị nội trú phải thở oxy, thở NCPAP, thậm chí thở máy. So với những tháng trước, số ca trẻ mắc bệnh lý này đã giảm nhưng lại xuất hiện nhiều ca bệnh rất nặng.

Hơn 2 tháng qua, bé T.A. (12 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ đường thở vì viêm tiểu phế quản biến chứng viêm phổi nặng.
 
Lý giải loại virus
Một ca viêm tiểu phế quản nặng do nhiễm virút hợp bào hô hấp. Ảnh: Xuân Mai

Chị M.H. (23 tuổi) mẹ bé T.A. kể ban đầu cón có biểu hiện sốt cao, ho liên tục, thở khò khè nên gia đình chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường. Tuy nhiên, các dấu hiệu ngày một nặng hơn nên gia đình đưa bé tới Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Dù nằm viện 1 tháng trời nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên vợ chồng chị H. xin chuyển con lên Bệnh viện Nhi đồng TP. Tại đây, bé tiếp tục điều trị hơn 1 tháng qua, ngày ngày "làm bạn" với ống thở và kim truyền, may mắn tình trạng bé ổn định hơn.

Kém may mắn hơn là trường hợp của bé T. mắc virus hợp bào hô hấp từ khi mới sinh. Đến nay, bé T. phải nằm viện gần một tháng vì bị viêm tiểu phế quản nhưng tình trạng vẫn còn nặng, phải thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), theo dõi sát sao.

Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, từ trước đến nay, người dân gọi là virus gây bệnh viêm tiểu phế quản mà không biết tên gọi của nó là virus hợp bào hô hấp. Gần đây, khi biết thông tin nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp thì người dân mới mặc định gọi là virus lạ.
 
Lý giải loại virus

BS Nhiên cho biết, virus hợp bào hô hấp gây bệnh quanh năm nhưng bùng phát mạnh từ tháng 8 đến tháng 11. Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp có các triệu chứng ban đầu rất giống cảm cúm thông thường như: hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè, sốt nhẹ tới cao... Nhiều trường hợp trẻ bị nhẹ vẫn sinh hoạt, vui chơi bình thường, thậm chí trẻ tự khỏi sau 3-5 ngày phát bệnh.

Tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân, tim bẩm sinh, khiếm khuyết miễn dịch hay mắc các bệnh lý thần kinh cơ... có nguy cơ nhiễm virus hợp bào hô hấp cao hơn. Một khi mắc bệnh rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện nước, viêm phổi, viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, tràn khí màng phổi...
 

Nhận biết trẻ mắc virus hợp bào hô hấp với cảm cúm


Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp có các triệu chứng ban đầu rất giống cảm cúm. Ở mức độ nhẹ, cha mẹ chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước, giữ ấm, luôn giữ mũi, họng thông thoáng... trẻ có thể tự khỏi sau 3-5 ngày nên không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, sau vài ngày cần theo dõi trẻ sát sao để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh chuyển nặng. Nếu trẻ có biểu hiện bỏ bú, nôn ói nhiều, thở rút lõm lồng ngực, thở khó, kém linh hoạt... cần nhập viện ngay lập tức.

Lý giải loại virus
Sau vài ngày ốm sốt, nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, nôn ói... rất có thể là do virus RSV

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên cho biết, virus hợp bào hô hấp là tác nhân hàng đầu gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em, chiếm 60-70% trường hợp mắc các bệnh hô hấp. Trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch non yếu thì virus RSV gây biến chứng khôn lường.
 
Cụ thể, khi virus RSV di chuyển từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới có thể gây ra bệnh viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Khi virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ có thể gây ra viêm tai giữa. Người mắc RSV dễ bị hen suyễn sau này...
 
Đáng nói, virus lây lan rất nhanh trong cộng đồng, gây bệnh cả người lớn và trẻ em thông qua tiếp xúc trực tiếp, chạm phải chất dịch hay hít phải virus có trong không khí.

Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này nên việc điều trị chỉ tập trung làm giảm các triệu chứng và cách ly người bệnh, hạn chế mức độ ảnh hưởng của virus đối với hệ hô hấp.

Người lớn cần biết, virus hợp bào hô hấp không tạo được kháng thể bền vững nên một khi trẻ đã mắc bệnh vẫn có thể tái nhiễm trong cùng một mùa hay trong các năm tiếp theo.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên tránh đưa con tới những nơi tập trung đông người, tránh tiếp xúc với người ho, sốt, sổ mũi; dùng khuỷu tay che miệng khi ho. Người lớn tránh thói quen hôn, nựng trẻ sơ sinh. Phụ huynh thường xuyên lau dọn nhà cửa, lau chùi các bề mặt đồ vật, tránh virus lây lân gây bệnh.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/29/virus-hop-bao-rsv-khong-nguy-hiem-nhu-loi-don_29112019164124.mp4[/presscloud]
Virus hợp bào RSV có nguy hiểm như lời đồn? Video: HanoiTV
 
 
Hà Ly (t/h)
 
 
comment Bình luận