Làm sao để không còn những vụ trẻ đuối nước thương tâm?

 Chưa đầy 3 tháng đầu năm, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh, trẻ nhỏ đuối nước tập thể khiến dư luận không khỏi xót xa, lo lắng.
9:43 | 25/03/2019

Mới đây nhất là vụ 8 em học sinh đuối nước thương tâm trên sông Đà. Chiều 21/3, nhóm 10 cháu bé là học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 được nghỉ học nên cùng nhau ra bãi sông Đà đoạn qua phường Thịnh Lang (TP. Hòa Bình) đá bóng, chơi đùa sau đó xuống sông tắm. Trong số 10 học sinh nói trên, chỉ có 2 em còn sống gồm 1 em bơi được vào bờ, 1 em không biết bơi nên từ chối xuống sông cùng các bạn. Vậy làm thế nào để không còn những vụ trẻ em đuối nước thương tâm?

Phải thường xuyên nhắc nhở

Tình trạng trẻ em đuối nước không phải là chuyện mới, rất nhiều vụ việc đau lòng và nhiều giải pháp ngăn chặn đã được đưa ra... Nhiều năm qua, tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn tồn tại, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Số vụ trẻ em chết do đuối nước còn tăng cao hơn cả số trẻ em chết vì tai nạn giao thông.

Ông Đào Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đồng tình với nhận định đó và cho biết: “Chúng ta có hẳn một đề án về phòng chống đuối nước, rồi địa phương có cả 1 tháng hành động vì trẻ em nhưng vì những hoạt động đó còn tổ chức một cách hình thức nên hiệu quả chưa cao”.

\"\"
Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết về bơi lội và xử lý tình huống dưới nưới.

Thêm vào đó, dù một số địa phương đã ưu tiên dành nguồn lực, các trường học đã dạy bơi cho học sinh nhưng việc này chưa thường xuyên, liên tục nên chỉ như “nước đổ lá khoai”. “Các em còn nhỏ, rất ham chơi, đâu vui thì đến, đâu thích thì đi, vì thế, chúng ta có thể cảnh báo nhắc nhở 1 lần nhưng lúc ham chơi thì các em có thể quên ngay lời ta nhắc. Vì thế, quan trọng là các thầy cô, bố mẹ cần giám sát và thường xuyên nhắc nhở để ghi nhớ cho trẻ”, ông An nói.

Sẽ thật không công bằng nếu đổ hết trách nhiệm liên đới cho ngành giáo dục nhưng rõ ràng trẻ em đang bị nhồi nhét quá nhiều chữ nghĩa vào đầu bởi thành tích của chúng được đánh giá bằng điểm số. Nhưng những thứ thiết thân như kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn hữu dụng trong cuộc sống thì học trò chưa được trang bị nhiều. Tụi nhỏ có thể làm nhoay nhoáy những bài toán khó, dễ dàng đạt điểm 10 môn tiếng Anh nhưng chúng không biết bảo vệ mình trước những nguy hiểm trong cuộc sống mà chúng phải đối mặt. Cần bớt lý thuyết, bớt bớt thành tích... Hãy dạy cho trẻ những kỹ năng thiết thực để tồn tại trong cuộc sống...

Tăng cường quan hệ nhà trường - gia đình

Từ vụ tai nạn đuối nước trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào. Các gia đình cũng hoàn toàn không thể đổ lỗi cho nhà trường mà chính tại các gia đình cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết, trong đó có đuối nước.

Theo ông Hà Anh Quyết - Phó Giám đốc Trường năng khiếu Thể dục thể thao Thanh thiếu nhi quận Hoàng Mai cho rằng, môn giáo dục thể chất từ lâu vẫn là vấn đề bất cập trong chương trình giáo dục Việt Nam. Tình trạng luôn bị coi là môn phụ diễn ra không hiếm. Do đó, phải giải quyết được 3 nhân tố chính là tâm lý của phụ huynh, chương trình học và cơ sở vật chất thì tình hình đào tạo kỹ năng sống, giáo dục thể chất mới cải thiện được”.

Riêng về tai nạn đuối nước thương tâm ở Hòa Bình, theo ông Quyết, để ngăn chặn thì bên cạnh việc bố trí cho con được học bơi bài bản, các phụ huynh cũng cần trang bị cho con các kỹ năng cần thiết để phòng nguy cơ đuối nước. Bên cạnh dạy kỹ năng bơicũng tập trung trang bị hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cần thiết về xử lý tình huống dưới nước,

Ngay sau vụ việc ở Hòa Bình, ngày 21/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước... Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm tránh những vụ việc đuối nước đáng tiếc tương tự có thể xảy ra.

Liên quan đến vụ 8 học sinh bị đuối nước ở Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công an cùng các Bộ: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, VH-TT&DL... Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Văn bản chỉ đạo số 1123/UBQGTE ngày 21/3/2019 về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em của Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp khiến 8 cháu bé ở Hòa Bình bị đuối nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3.

comment Bình luận