Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 10]: Mô hình nuôi chồn hương \'một vốn bốn lời\'

Mô hình nuôi chồn hương thương phẩm của gia đình ông Võ Văn Tiến ở ấp Xóm Đình (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đem đến nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
9:16 | 18/10/2019

Phát tài nhờ nuôi chồn hương


Mô hình nuôi chồn hương thương phẩm của ông Võ Văn Tiến là một mô hình mới, độc đáo và đầy triển vọng của người dân vùng ven biển Gò Công. Trong khi tỉnh Tiền Giang đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình của ông Tiến như là điểm sáng về việc nông dân từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 10]: Mô hình nuôi chồn hương '1 vốn 4 lời'
Ông Võ Văn Tiến làm giàu nhờ nuôi chồn hương. Ảnh: VOV

Chồn hương vốn là loài động vật hoang dã, thường sinh sống trên mặt đất, trong các khu vực rậm rạp cỏ, cây bụi thấp như nương rẫy ven suối. Kể về cơ duyên đến với nghề chăn nuôi loài động vật này, ông Tiến cho hay tình cờ biết đến mô hình nuôi chồn từ năm 2013. Thời điểm đó, ông Tiến đã đầu tư mua 4 con chồn giống từ một mô hình ở huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh để nuôi "thử nghiệm". Nói là "thử nghiệm" nhưng ông Tiến hết sức chăm chút cho 4 con chồn của mình. Không chỉ đầu tư tiền bạc, ông Tiến còn bỏ ra không ít thời gian, công sức để mày mò học hỏi kỹ thuật chăm sóc chồn hương. Kết quả là đàn chồn hương của gia đình ông Tiến ngày càng sinh sôi, phát triển. Đến nay, từ 4 con chồn hương ban đầu, ông Tiến đang nuôi khoảng 120 con chồn. Trong đó chủ yếu là chồn sinh sản phục vụ bán giống.

Ông Vũ Văn Tiến cho biết, thịt chồn hương là nguyên liệu chế biến món ăn được nhiều người yêu thích nên đầu ra của loài động vật này tương đối ổn định, thậm chí ông còn không có đủ để bán. Kể từ khi bắt tay vào nuôi, mô hình nuôi chồn của gia đình ông Tiến đã bán ra gần 100 con chồn hương giống và hàng chục con chồn thịt, đem về số tiền hàng trăm triệu đồng. So với các vật nuôi khác thì chồn hương có giá trị kinh tế cao, giá bán trên thị thường hiện này là khoảng 7 triệu đồng/cặp chồn giống và 1,5 triệu đồng/kg chồn thịt. Bà con nông dân khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang tìm hiểu về loài động vật này nên nhu cầu mua con giống là rất lớn.
 
Anh Phan Thanh Long (xã Ninh Giang, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) cũng là một người rất thành công với mô hình nuôi chồn hương. Mô hình trang trại nuôi chồn hương của anh Phan Thanh Long đã từng được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa trao giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi lần thứ VII, năm 2016-2017.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 10]: Mô hình nuôi chồn hương '1 vốn 4 lời'
Mô hình nuôi chồn hương, sản xuất cà phê chồn hứa hẹn đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Internet

Không chỉ cung cấp chồn thịt và chồn giống, anh Long còn tiến tới kết hợp với mô hình sản xuất cà phê chồn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để thực hiện được mô hình này, anh Long đã dày công đi học hỏi kinh nghiệm ở một số trang trại làm cà phê chồn tại Lâm Đồng, Đắk Lắk. 2 năm nay, anh cũng đã thử nghiệm cho đàn chồn ăn cà phê tươi tại trang trại của gia đình và thấy rất hiệu quả. Theo anh Long, 10 kg quả cà phê chín thu được 3 kg cà phê nhân. Hiện nay, giá cà phê quả khoảng 7.000 đồng/kg trong khi cà phê chồn là 20 triệu đồng/kg. Đặt mua trái cà phê trồng đảm bảo sạch, không thuốc trừ sâu và phân hóa học sẽ cho cà phê chất lượng tốt, chồn hương cũng chống được nhiều bệnh tật.

"Từ lúc nuôi chồn hương đến giờ tôi chưa hề gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Các thương lái tìm đến nhà mua chứ tôi không phải tìm đầu ra. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của loại vật này, tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng nuôi, phát triển đàn. Bên cạnh đó, trên cơ sở đàn chồn hương có được, tôi đang tính đến việc kinh doanh sản phẩm cà phê phân chồn. Năm ngoái tôi đã thử làm vài kg, đủ để biếu cho người thân chứ chưa bán ra ngoài", anh Long chia sẻ với Báo Nông Nghiệp.
 

Kỹ thuật nuôi chồn hương


Không như lo ngại của nhiều người, theo ông Võ Văn Tiến, kỹ thuật nuôi chồn hương không hề khó. Đặc biệt, thổ nhưỡng vùng đất như Gò Công rất phù hợp để nuôi loài động vật này. Không cần bỏ quá nhiều công sức, bà con nông dân cũng có thể "đổi đời" từ loài động vật này.
 
Về thức ăn, chồn hương là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, thức ăn có giá thành rẻ. Theo ông Tiến, tính ra chi phí thức ăn cho mỗi con chồn chỉ rơi vào khoảng từ 3.000-4.000 đồng/ngày. Thức ăn của chồn là các loại hoa quả và cháo gạo nấu với các loại cá rẻ tiền. Ngoài ra, hiện nay một số mô hình còn kết hợp cho chồn ăn hạt cà phê, để thu về sản phẩm cà phê chồn. Đây cũng là một hướng phát triển rất đáng để bà con nông dân xem xét.

Về mô hình chuồng trại, nuôi chồn hương không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Có thể nuôi chồn trong lồng, theo kiểu công nghiệp, mỗi con một chuồng riêng. Hàng ngày chỉ cần dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ để vệ sinh chuồng trại, cho chồn hương ăn uống đầy đủ là con vật này có thể sinh trưởng phát triển tốt.

Không những vậy, chồn hương cũng là loài có sức đề kháng tốt nên bà con nông dân không cần quá lo lắng về chi phí cho thuốc men. Theo lời một người có kinh nghiệm nuôi loài động vật này nhiều năm, anh nhận ra bệnh thường gặp chủ yếu của chồn hương là bệnh đường ruột. Khi thấy chồn có dấu hiệu tiêu chảy thì chỉ cần mua thuốc thú y về cho chồn uống hoặc tiêm. Nếu chữa trị kịp thời thì tỉ lệ khỏi sẽ rất cao.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 10]: Mô hình nuôi chồn hương '1 vốn 4 lời'
Thịt cầy hương là đặc sản được nhiều nhà hàng lùng mua để chế biến phục vụ thực khách.

Chồn cũng là loài động sinh sản rất "năng suất". Mỗi năm, một con chồn thuần dưỡng cái có thể sinh sản 2-3 lần, mỗi lần từ 1-6 chồn con. Thời gian đầu nuôi, bà con nông dân có thể sẽ gặp khó khăn trong việc cho chồn sinh sản để nhân đàn như chồn con lọt xuống sàn, chồn mẹ cắn chết chồn con... Để khắc phục vấn đề này, anh Phan Thanh Long - một người nuôi chồn kinh nghiệm ở Khánh Hòa chia sẻ: "Chồn hương phải nuôi mỗi con một chuồng nếu không chúng sẽ cắn nhau. Con cái đến thời kỳ động dục mới thả con đực vào giao phối. Thời kỳ động dục của con cái cũng chỉ kéo dài từ 2-3 ngày nên phải theo dõi kỹ...". Thời gian mang thai của chồn hương cái thường kéo dài từ 60-65 ngày. Chồn con sinh ra sẽ bú mẹ hoàn toàn, được 1,5 tháng tuổi là chồn con bỏ bú, lúc này chỉ cần tách chồn con ra khỏi chuồng mẹ là có thể tránh việc chồn mẹ cắn con.

Chồn con nuôi 3-4 tháng là có thể xuất bán giống, nuôi đến 10 tháng là có thể đạt trọng lượng từ 3-5 kg/con và bán chồn hương thịt, nuôi 12 tháng là có thể bán chồn hương sinh sản. So với mô hình chăn nuôi các loài động vật khác như lợn, gia cầm, dê… thì con chồn hương cho thu nhập cao hơn nhiều. Đặc biệt, trong thời điểm gia súc, gia cầm đang bị dịch bệnh tấn công như hiện nay thì mô hình nuôi loài động vật hoang dã thuộc nhóm 2 này hoàn toàn có thể nhân rộng.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/10/17/Mô hình nuôi chồn hương để sản xuất cà phê chồn đầu tiên ở Bình Phước_17102019172820.mp4[/presscloud]
Mô hình nuôi chồn hương để sản xuất cà phê ở Bình Phước. Video: Truyền hình Nhân Dân
 
 
Kiều Đỗ (t/h)
 
 
comment Bình luận