Khách hàng cân nhắc khi mua sản phẩm Nexken Vicmen của Công ty Eupharma

Quảng cáo “vống” về công dụng của của thực phẩm Nexken Vicmen, khách hàng có nguy cơ bị lừa dối dẫn đến việc “tiền mất, tật mang”.
15:32 | 08/07/2020

Quảng cáo sai phạm trên trang rao vặt Vật Giá.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nexken Vicmen trên website https://vatgia.com.

Tuy chỉ là thực phẩm chức năng, có tác dụng hỗ trợ trong điều trị bệnh nhưng trên trang Vatgia có nội dung quảng cáo thực phẩm Nexken Vicmen như là thuốc chữa bệnh: "Giúp bổ thận, tráng dương, tăng cường chức năng sinh lý nam giới, tăng sức khỏe tình dục, rối loạn cương dương, tăng năng lượng hoạt động và sức bền của cơ thể. Phòng và hỗ trợ điều trị mãn dục nam, xuất tinh sớm, sinh tinh, mạnh gân cốt, tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh trùng. Dùng tốt cho người yếu sinh lý do stress, mỡ máu hay tiểu dường. Tăng cường miễn dịch.Bệnh tim mạch hay cao huyết áp cũng có thể dùng. Tuy nhiên tham khảo ý kiến bác sĩ".

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên nhiều website đang quảng cáo và bán sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nexken Vicmen có nội dung  quảng cáo vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Thương mại Eupharma (địa chỉ: Số nhà 472, đại lộ Lê Thanh Nghị, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Được biết, Công ty thành lập từ tháng 05/2012 do thương nhân Nguyễn Đình Hiệp làm đại diện pháp luật.

Sản phẩm có dấu hiệu quảng cáo lừa dối khách hàng.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Trong quá trình xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... là rất phổ biến.

Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm như trên.

Trước những vấn đề còn tồn tại này, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

comment Bình luận