Hướng dẫn sử dụng thiết bị đo SpO2, lưu ý khi chăm sóc F0 tại nhà

Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.
21:19 | 20/08/2021

Máy đo SpO2 là thiết bị đo độ bão hòa ô-xy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay. Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân COVID-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu ô-xy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường. Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 khá đơn giản nhưng cũng cần lưu ý vì có thể xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.

Nếu sử dụng thiết bị đo SpO2, bạn nhất định phải biết điều này - Ảnh 2.

Dưới đây là hướng dẫn của ThS. BS Đặng Thanh Tuấn, Tổ Đặc nhiệm Hồi sức hô hấp về cách sử dụng thiết bị này. ·

Chỉ số SpO2:

- Độ bão hòa ô-xy trong máu bình thường là 98-100%

- Người bệnh mắc COVID-19 khi có chỉ số SpO2 <94% sẽ được chỉ định thở ô-xy

Cách bước sử dụng thiết bị đo SpO2:

- Xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2

- Để cố định bàn tay lên trên mặt bàn

- Khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn

Yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2:

- Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp

- Người bệnh cử động nhiều.

- Đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp

- Người được đo SpO2 có sơn móng tay

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam chia sẻ: "Khi mắc Covid-19, một số bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng thiếu oxy thầm lặng, tức độ bão hòa oxy trong máu giảm nhưng bệnh nhân vẫn hoàn toàn thấy khỏe mạnh và không hề khó thở. Do đó việc đo nồng độ oxy trong máu sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện được tình trạng này và can thiệp y tế kịp thời"

Người bình thường có SpO2 dao động từ 95-99%. Tuy nhiên một số người đo lần đầu sẽ có tâm lý hồi hộp, vô tình nín thở nên kết quả có thể thấp hơn thực tế có thể nghỉ ngơi rồi đo lại. Nếu kết quả vẫn thấp hơn 95% cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Thu Anh hướng dẫn 6 bước để kiểm tra độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) tại nhà:

Bước 1: Làm sạch móng tay, không để móng tay dài, móng giả, sơn móng tay

Bước 2: Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.

Bước 3: Xoa 2 bàn tay để làm ấm tay.

Bước 4: Bật máy, đưa ngón tay giữa hoặc ngón trỏ vào miệng của máy để ngón tay được kẹp chặt.

Bước 5: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây.

Bước 6: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt, ghi lại kết quả đo.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thêm: "Các kết quả đo có thể không chính xác đối với những người đã từng sử dụng thuốc cản quang, những người có nồng độ hemoglobin bất thường, đặc biệt đối với các trường hợp ngộ độc carbon monoxide và ngộ độc các chất gây methemoglobin, những người bị hạ huyết áp, co thắt mạch máu nghiêm trọng, thiếu máu hoặc hạ thân nhiệt"

Theo bác sĩ Anh Minh trên máy đo nồng độ oxy máu còn có chỉ số nhịp mạch. F0 cần liên hệ nhân viên y tế khi nhịp mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút khi người được đo đang nghỉ ngơi. Ngưỡng giá trị này không áp dụng cho trẻ em, các vận động viên và những người có tiền căn bệnh lý tim mạch, rối loạn nhịp tim.

comment Bình luận