Hơn 10 năm để ‘treo’ dự án chế biến nông sản, Vinamit lại xin làm khu dân cư thương mại

Dự án Nhà máy chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Công ty CP Vinamit (dự án Vinamit) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2007.
12:32 | 07/05/2020

Từ đất trồng lúa "bờ xôi ruộng mật", dự án của Vinamit để hoang phí hơn 10 năm. Ảnh Báo Hải Dương.

Dự án bỏ hoang cả thập kỷ

Khu đất của dự án Vinamit thuộc xã Nam Đồng và phường Ái Quốc (TP. Hải Dương) được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2007. Theo kế hoạch, ở đây sẽ xây dựng nhà máy sản xuất nước ép đóng chai quy mô 500 lít/giờ; chế biến nông sản; kho cấp đông, trữ đông quy mô từ 3.000 - 4.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp.

Ngày 15/7/2011, tại xã Nam Đồng, thành phố Hải Dương, Công ty cổ phần VINAMIT tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến, tổng kho và mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp lại xin làm dự án khu dân cư - thương mại. Ảnh Thethaovanhoa

Dự án sử dụng 349.616 m2 đất (gần 35ha), chủ yếu thuộc phường Ái Quốc, được thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2009 với tổng vốn đầu tư trên 284,4 tỷ đồng.

Ngày 15/7/2011, tại xã Nam Đồng, thành phố Hải Dương, Công ty cổ phần VINAMIT tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến, tổng kho và mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Về dự lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu: Công ty cổ phần VINAMIT cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để Nhà máy sớm đi vào hoạt động, tích cực giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho lao động địa phương. Phó Thủ tướng tin tưởng, khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty sẽ sát cánh cùng nông dân trong việc xây dựng vùng trồng nguyên liệu nông sản và phát triển công nghệ sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm nông sản.

TP Hải Dương phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để ưu ái cho Vinamit chuyển đổi mục đích dự án. Ảnh: Quy hoạch đất khu vực dự án Vinamit

Tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ lễ khởi công, dự án của Vinamit vẫn để “treo”. Mặc dù đã được tỉnh gia hạn nhiều lần nhưng sau 10 năm, dự án Vinamit mới chỉ xây dựng tường bao và 2 nhà kho rộng khoảng 4.000 m2. Diện tích còn lại để hoang, cỏ mọc lút đầu người.

Theo một số người dân ở gần dự án, hơn chục năm trước, nơi đây là đất bãi dùng để cấy lúa 2 vụ mỗi năm. Gần 50% diện tích bị thu hồi là đất đồng cao. Trên diện tích ấy, người dân vừa trồng lúa vừa trồng hoa màu rất hiệu quả. Vì vậy, chứng kiến cảnh hàng nghìn m2 đất “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang lãng phí họ không khỏi xót xa.

Là người có gần 6 sào ruộng bị thu hồi để lấy đất thực hiện dự án, ông Đào Văn Ngọ (69 tuổi) ở khu Vũ Xá, phường Ái Quốc bức xúc: “Tôi không nghĩ ruộng đất đẹp như thế sau khi bị thu hồi lại để cỏ mọc. Lúc bàn giao ruộng, chúng tôi nghĩ khu đất này sẽ được đầu tư xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Vì thế, chúng tôi mới đồng thuận nhận tiền bồi thường dù giá thấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án". Gia đình ông Ngọ hiện chỉ còn hơn 1sào ruộng trồng rau. Hằng ngày, ông vẫn ra khu dự án bỏ hoang để lấy mùn về bón cho rau.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2013, UBND tỉnh Hải Dương đã cho phép nhà đầu tư 2 lần gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công ty vẫn không triển khai thực hiện. Đầu năm 2016, Công ty CP Vinamit có văn bản xin tỉnh chấp thuận chủ trương thay đổi mục đích sử dụng đất dự án đầu tư, đề nghị chuyển đổi từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất dân cư đô thị.

Vì nông dân hay vì lợi ích doanh nghiệp?

Theo Báo Hải Dương, Công ty CP Vinamit báo cáo UBND tỉnh nội dung: do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Giai đoạn năm 2009 - 2013, thương hiệu của công ty bị đối thủ cạnh tranh lấy mất, phải mất nhiều thời gian và tiền của để theo đuổi vụ kiện tụng. Công ty đã phải giải quyết tranh chấp thương mại với một doanh nghiệp của Trung Quốc trong khi đây là thị trường chính của công ty. Ngoài ra, nhà đầu tư phải điều chỉnh lại quy hoạch dự án để phù hợp với sự thay đổi của hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương...

Người nông dân lúc này mới vỡ lẽ: doanh nghiệp không phải vì lợi ích nông dân mà vì lợi ích kinh tế, vì “túi tiền” của doanh nghiệp…

Có thể nói, mục đích ban đầu của dự án Nhà máy chế biến nông sản ở Hải Dương của Vinamit là rất tốt đẹp, vì lợi ích lâu dài, bền vững của bà con nông dân. Cũng bởi lý do tốt đẹp này mà UBND tỉnh mới chấp nhận chủ trương đầu tư dự án, người dân mới chấp nhận để cho doanh nghiệp “thâu tóm” gần 35ha đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” để vì lợi ích lâu dài. Nhưng rồi, hơn 10 năm dự án vẫn bỏ hoang, đất “bờ xôi ruộng mật” để hoang phí cho cây cỏ dại mọc um tùm, người nông dân nào chẳng xót?

Thế nhưng, sau thời gian bỏ hoang phí dự án thì Công ty Vinamit, từ năm 2016, bất ngờ xin chủ trương chuyển đổi từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất dân cư đô thị. Vậy là mục đích “phân lô, bán nền” đã hiện rõ. Người nông dân lúc này mới vỡ lẽ: doanh nghiệp không phải vì lợi ích nông dân mà vì lợi ích kinh tế, vì “túi tiền” của doanh nghiệp…

Đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit hiện nay là doanh nhân Nguyễn Lâm Viên. Ảnh Zingnew

Mới đây, vào tháng 7/2019, UBND tỉnh Hải Dương đã văn bản thông báo và giao từng địa phương lên kế hoạch khảo sát, lập quy hoạch chi tiết đồng thời kêu gọi đầu tư cho 11 dự án (8 khu dân cư và dịch vụ thương mại). Trong đó, có nội dung đề xuất của Công ty CP Vinamit, UBND tỉnh giao UBND TP. Hải Dương tổ chức lập quy hoạch tại khu đất tại phường Ái Quốc và xã Nam Hồng.

Ngay sau đó, trên internet rầm rộ thông tin “rao bán đất nền”, trong đó có thông tin dự án của Vinamit với giá từ 500 đến 800 triệu đồng/nền.

Nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh đã quá “dễ dãi”, ưu ái cho Công ty Vinamit để treo dự án hơn 10 năm không thu hồi theo quy định của Luật Đầu tư. Hiện nay, còn dễ dàng chấp nhận cho doanh nghiệp chuyển đổi từ đất sản xuất, chế biến nông sản sang khu dân cư thương mại “phân lô, bán nền”.

 

Công ty CP Vinamit, giấy phép kinh doanh số 3700247713, địa chỉ tại 84 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM, hoạt động từ 23/09/1998. Sản phẩm của Vinamit nổi tiếng với trái cây sấy đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị và xuất khẩu. Đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit hiện nay là doanh nhân Nguyễn Lâm Viên.
comment Bình luận