Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam với “Chương trình Sức khoẻ Việt Nam”

Chính phủ đã ban hành “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Đây là nhiệm vụ quan trong cần sự tham gia của mỗi người dân, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và xã hội.
9:13 | 20/03/2019
\"hoi
NGND.PGS.TS.BS Nguyễn Võ Kỳ Anh.

Mục tiêu chương trình

Xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Mục tiêu cụ thể, mục tiêu 1: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Mục tiêu 3: Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Phạm vi, đối tượng thụ hưởng: Phạm vi, đối tượng thụ hưởng và lĩnh vực được ưu tiên. “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” là một chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong những lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện được các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện của Chương trình đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của “Chương trình Sức khỏe Việt Nam”. Đối tượng thụ hưởng: Toàn dân, trong đó có nhóm đối tượng được ưu tiên xác định theo từng lĩnh vực cụ thể.

Các lĩnh vực ưu tiên: Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 03 nhóm, cụ thể như sau: Thứ nhất, nâng cao sức khỏe: (1) bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, (2) tăng cường vận động thể lực; Thứ hai, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: (3) chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh,(4) phòng chống tác hại của thuốc lá, (5) phòng chống tác hại của rượu, bia, (6) vệ sinh môi trường, (7) an toàn thực phẩm; Thứ ba, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: (8) phát hiện sớm và quản lý một số

bệnh không lây nhiễm, (9) chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, (10) chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, (11) chăm sóc sức khỏe người lao động. Đối với những nội dung khác không đề cập trong 11 lĩnh vực ưu tiên của “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” thì các bộ ngành, địa phương vẫn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch để ưu tiên triển khai theo ngành, lĩnh vực.

Hội chủ động tham gia

Với khẩu hiệu hoạt động “đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”, 10 năm qua, Hội đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng chi phí về việc khám chữa và điều trị bệnh tật cho xã hội cũng như giảm tải cho các bệnh viện của ngành y tế, được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, các ban ngành, đoàn thể và xã hội ghi nhận. Để hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân thực hiện “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên của Hội từ Trung ương đến Cơ sở cần làm tốt các hoạt động sau:

Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động Hội viên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về sức khỏe, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường; vận động thể lực, rèn luyện thể dục, thể thao; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, ma túy, phòng chống tại nạn thương tích, bạo lực và xâm hại tình dục, đề phòng và phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ đến sức khỏe...

Khuyến khích các đơn vị và cá nhân là thành viên của Hội tham gia xây dựng và phát triển các mô hình giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các địa phương. Phối hợp lồng ghép các hoạt động của đơn vị mình với hoạt động y tế cơ sở. Đặc biệt quan tâm đến sức khỏe trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Từng bước nâng cao chất lượng nội dung, hình thức và biện pháp hoạt động các đơn vị thành viên của Hội nhằm đảm bảo thực hiện thành công “Chương trình Sức khỏe Việt Nam”.

Tăng cường vận động và kết nạp các đơn vị dịch vụ chăm sóc sức khỏe tham gia tổ chức Hội để khai thác nguồn lực của họ đóng góp cho các hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo định hướng của Hội và ngành Y tế. Chủ động đề xuất với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành, các đoàn thể tạo điều kiện để Hội được phối kết hợp tham gia một số các Chương trình, Đề án, Dự án liên quan đến “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” mà các tổ chức đó trực tiếp quản lý điều hành.

Tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổ chức Quốc tế, phi chính phủ trong và ngoài nước để có nguồn lực tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học của Hội trong các lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển tiềm năng con người.

comment Bình luận