Hóc xương cá 3 tháng không hay biết, người đàn ông nhiễm trùng phế quản nặng

Hóc xương 3 tháng, người đàn ông chủ quan trong chữa dứt điểm, dẫn đến nhiễm trùng phế quản nặng. Thế nhưng những trường hợp như vậy lại không phải là hi hữu, đặc biệt là ở người trung và cao tuổi.
16:11 | 09/06/2019
Ho dữ dội trong thời gian dài, tức ngực, khó thở, bệnh nhân B.C.T. (56 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) đi khám tại bệnh viện tuyến trung ương nhưng không phát hiện dị vật. Các bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày trào ngược, kê đơn thuốc uống tại nhà. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc bệnh không hề thuyên giảm.
 
Ông T. được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục điều trị. Nam bệnh nhân cho biết 3 tháng trước bị hóc xương cá, ho khạc nhiều lần nhưng mảnh xương không ra. Ông nội soi tai, mũi, họng nhưng không thấy, cho rằng chúng đã tự trôi xuống dạ dày.
 
hoc-xuong-3-thang-nguoi-dan-ong-nhiem-trung-phe-quan-nang-mieng-xuong-ca-mac-trong-phe-quan-benh-nhan-suot-3-thang
Miếng xương mắc kẹt tới 3 tháng trong phế quản bệnh nhân
 
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính, nội soi phế quản bằng ống mềm và gây mê. Các bác sĩ sau đó phát hiện mảnh xương cá cứng, kích thước lớn nằm sâu dưới phế quản gốc phải, gây viêm mủ, sưng tấy xung quanh, đã bít tắc khu vực này. Ê-kíp nội soi đã lập tức dùng kẹp gắp thành công dị vật ra ngoài. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục được sử dụng thuốc điều trị.
 
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Định, Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp, cho biết trường hợp ông T. không được phát hiện kịp thời nên mảnh xương gây ra nhiều biến chứng phức tạp, khiến việc tìm nguyên nhân và chẩn đoán gặp khó khăn. Nhờ quá trình khai thác bệnh sử và khám lâm sàng kỹ lưỡng, các bác sĩ mới phát hiện dị vật trong phế quản và gắp ra nhanh chóng.
Theo bác sĩ Định, nếu dị vật tiếp tục ở đó sẽ làm tình trạng sức khoẻ người bệnh ngày càng xấu đi, gây nhiễm trùng đường hô hấp, cản trở sự thông khí, nặng hơn xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ, giãn phế quản. Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp một cách triệt để và ngăn ngừa tái phát.
 
Một trường hợp khác là anh T. (30 tuổi, ở Hà Tĩnh) bị đau bụng âm ỉ suốt một tuần, có khi đau từng cơn, nhưng không nôn. Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh thăm khám, được các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày tá tràng. Kết quả cho thấy một mảnh xương cá khá dài đã mắc kẹt tại hành tá tràng. Các bác sĩ đã tiến hành kỹ thuật để gắp xương, bệnh nhân sau đó đã hết đau bụng.
 
hoc-xuong-3-thang-nguoi-dan-ong-nhiem-trung-phe-quan-nang-mieng-xuong-ca-mac-trong-ta-trang-benh-nhan-30-tuoi
Chiếc xương mắc kẹt trong tá tràng bệnh nhân 30 tuổi
 
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Vũ - người trực tiếp nội soi và phát hiện mảnh xương bị kẹt - cho biết dị vật xương cá là một trong những nguyên nhân hàng đầu đâm thủng đường tiêu hóa, nếu ăn uống không cẩn thận. Xương cá là loại dị vật sắc, nhọn có thể di chuyển và gây thủng bất cứ vị trí nào trong hệ tiêu hóa, trong đó có phần dễ tổn thương nhất là ruột non.
 
Ruột non bị mỏng, hẹp, nhu động nhiều hơn dẫn đến nguy cơ thủng cao gấp nhiều lần so với vị trí khác trong hệ tiêu hóa. Nếu không được tiến hành phẫu thuật kịp thời, ổ áp xe sẽ vỡ ra rồi tràn vào ổ bụng và gây viêm phúc mạc toàn thể dễ khiến bệnh nhân tử vong sau sốc nhiễm trùng.
 
Bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân khi nghi ngờ dị vật tiêu hóa, tuyệt đối không được ăn, uống thêm để đẩy dị vật xuống dạ dày. Bên cạnh đó, bạn cũng không được dùng tay hay bất cứ vật gì để tự lấy dị vật vì làm tổn thương ống tiêu hóa và có thể đẩy dị vật xuống sâu hơn. Bệnh nhân phải đến ngay những bệnh viện có phương tiện nội soi để được xử lý.
 
Trước đó bà Vũ Thị Q. (SN 1947, ở Hà Nội) cho biết trước đó có ăn cơm với canh cá. Sau ăn, bà cảm thấy nuốt đau ở vùng cổ, đã đi khám nội soi tai mũi họng nhưng không phát hiện ra hóc xương.
 
Sau đó tình trạng bệnh nhân ngày càng chuyển nặng, thấy đau vùng cổ và xương ức, cứ ăn vào nôn ra ngay. Bệnh nhân đã đi khám tại phòng Nội soi tiêu hóa can thiệp ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và phát hiện bị hóc xương cá.
 
hoc-xuong-3-thang-nguoi-dan-ong-nhiem-trung-phe-quan-nang-mieng-xuong-hinh-luoi-cau-gay-nguy-hiem
Chiếc xương cá hình lưỡi câu mắc kẹt nguy hiểm và rất khó lấy ra
 
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thị Cương, đây là một trong những trường hợp hóc xương cá cực nguy hiểm. Bệnh nhân đã lớn tuổi, lại bị hóc xương mang cá có cấu tạo như một chiếc móc câu, mỏng, to bản, kích thước lên đến 2x1,7 cm ở thực quản.
 
"Nếu các bác sĩ gắp xương cá từ thực quản ra ngoài luôn sẽ gây xé rách thực quản, dẫn tới chảy máu nhiều sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Bởi vậy, kíp phẫu thuật đã phải lựa chọn giải pháp đưa dị vật xuống dạ dày, sau đó gắp dị vật bằng dụng cụ chuyên biệt.
 
Với phương pháp tối ưu này đã giúp bệnh nhân tránh được việc bị chảy máu thực quản và gắp được dị vật thành công mà không gây tai biến cho bệnh nhân. Sau khi gắp dị vật thành công, bệnh nhân được hướng dẫn theo dõi tại nhà không phải nằm viện", bác sĩ Cương cho hay.
 
Kíp kỹ thuật gồm có ThS.BS Đỗ Anh Giang - Bệnh viện Bạch Mai và ThS. BSCKII Nguyễn Thị Cương - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện thành công ca gắp dị vật phức tạp này.
 
Khi bị hóc dị vật, mọi người thường cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to khác hoặc chữa mẹo dân gian để lấy ra. Tuy nhiên, những cách này thường sẽ làm tình trạng xấu đi, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào vị trí nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần chú ý, cung cấp đầy đủ thông tin để bác sĩ nắm bắt các khả năng có thể xảy ra và đưa hướng chẩn đoán, điều trị kịp thời.
 
Để phòng ngừa hóc dị vật, bác sĩ Định khuyến cáo khi ăn uống, mọi người không nên vội vàng, nói hay cười đùa, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Bạn cần tập trung ăn, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường thở.
 
Khi không may hóc dị vật, kèm những biểu hiện bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, ho nhiều, viêm đường hô hấp tái phát không đỡ, phải đến cơ sở chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/06/09/Tìm cách gỡ xương cá, tuột tay nuốt luôn thìa vào tá tràng_09062019154900.mp4[/presscloud]
Nữ bệnh nhân nuốt cả chiếc thìa vào bụng khi cố gắng gỡ xương cá
 
 
Thế Hưng (t/h)
comment Bình luận