Học cách `thắt cổ vẫn thở được` trên Youtube, trẻ 7 tuổi suýt phải trả giá bằng tính mạng

Người nhà bàng hoàng phát hiện cậu con trai 7 tuổi treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ khi toàn thân đã tím tái, hôn mê. Nguyên nhân do cháu học theo một trò "ảo thuật" có tên "thắt cổ vẫn thở được" trên Youtube.
17:57 | 29/11/2019
Đây là trường hợp của cháu Đ.T.K., (7 tuổi) ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Chị M - dì của bé K kể lại, khi đang ở nhà bỗng phát hiện cháu mình treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ.
 
Thời điểm được phát hiện, cháu bé được treo cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê. Ngay lập tức gia đình đưa bé đến phòng khám gần nhà để sơ cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt.

Tại đây, cháu được đặt nội khí quản rồi được chuyển tiếp đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhi thở máy, xử trí cấp cứu. Đến sáng hôm sau cháu K. đã tỉnh lại, được rút nội khí quản, tri giác ổn định.
 
Học cách
Bé K. được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Lúc này, gia đình mới hỏi nguyên nhân vì sao cháu có hành động dại dột như vậy. Bé K. hồn nhiên trả lời là do hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách "thắt cổ nhưng vẫn thở được", vẫn sống được nên cháu làm theo.

Chị M. cũng chia sẻ cháu K. rất thích xem điện thoại, có thể xem điện thoại hàng giờ liền. Mẹ cháu vì không muốn cháy quấy rầy nên thường cho cháu xem điện thoại để chơi ngoan.

Người nhà thừa nhận không kiểm soát được cháu hay xem những gì trên mạng xã hội, đặc biệt là Youtube. Thỉnh thoảng mẹ cháu có phát hiện cháu xem một số chương trình không phù hợp nhưng cũng chỉ nhắc nhỏ rồi thôi.

Người nhà không thể lường được rằng cháu lại dại dột học theo những trò vô bổ trên mạng mà tự gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Nếu không có người kịp thời phát hiện, chắc chắn cháu bé đã không qua khỏi.
 
Học cách

Bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé có hành vi đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu ở cổ tay. Khi hỏi ra mới biết bắt chước hành động của siêu nhân nhện trong phim hoạt hình.

Theo Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ nhỏ thường bị cuốn theo những thứ kỳ ảo trên Youtube mà không phân biệt được đâu là thật đâu là giả, đâu chỉ là phóng đại. Không ít trẻ vẫn còn tin vào những truyền thuyết có thật ngoài đời thực.

Bác sĩ lưu ý trẻ từ 10 tuổi trở lên bắt đầu có sự suy luận logic như người trưởng thành, mới phân biệt được sự việc thật hay chỉ là ảo tưởng. Theo khuyến cáo của Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ từ 6 đến 10 tuổi chỉ nên xem các thiết bị điện tử khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Phụ huynh phải dành thời gian để tương tác với con bằng cách nói chuyện đồng thời tìm hiểu và kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp với lứa tuổi.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/29/trao-luu-bi-tay-chay_29112019175022.mp4[/presscloud]
Cá voi xanh và những trào lưu trên mạng xã hội đáng bị tẩy chay. Video: Zing.vn
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận