Hòa Bình Corporation ngập trong nợ, cổ phiếu tuột dốc và năng lực của CEO Lê Viết Hải

Do gánh nặng về vay nợ, trong 3 tháng đầu năm 2020, HBC phải trả tới hơn 65 tỷ đồng tiền lãi, tức mỗi ngày HBC phải trả tới hơn 700 triệu đồng tiền lãi vay.
14:21 | 03/06/2020

Trước nhiều “bê bối” của Hòa Bình Corporation trong thời gian vừa qua, liệu cổ đông có còn đặt niềm tin lên “người thuyền trưởng” Lê Viết Hải?

Tài sản “hụt” 2.000 tỷ, mỗi ngày trả lãi 700 triệu đồng

Báo cáo tài chính mới nhất của HBC, tổng tài sản của doanh nghiệp này đã mất khoảng 2.000 tỷ đồng trong vòng 3 tháng quý I/2020. Nếu như, 16.721 tỷ đồng là số tài sản đầu năm 2020 thì đến ngày 31/3/2020 chỉ còn 14.755 tỷ đồng. Tài sản bị “hụt” hơn 2.000 tỷ đồng chủ yếu nằm ở ngắn hạn, như: tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 574 tỷ đồng (đầu năm 2020) xuống còn 106 tỷ đồng (31/3); các khoản phải thu ngắn hạn “hụt” khoản gần 1.700 tỷ đồng, từ 11.788 tỷ đồng (đầu năm) xuống 10.102 tỷ đồng (cuối quý I/2020).

Một dự án "tai tiếng" treo nhiều năm trời của HBC.

Về phần nợ phải trả, HBC ghi nhận giảm 2.000 tỷ đồng, từ 12.761 tỷ đồng xuống còn 10.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số nợ phải trả vẫn ở mức gần 10.792 tỷ đồng so với con số vốn chủ sở hữu 3,9 ngàn tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu 2,3 ngàn tỷ đồng) khiến nhiều người lo lắng về mức độ rủi ro tài chính của HBC.

Chuyên gia tài chính cho rằng, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là HBC đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho HBC vay nữa hay không.

Trong số 10.792 tỷ đồng nợ phải trả thì có tới 4.840 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính. Từ gánh nặng về vay nợ, trong 3 tháng đầu năm 2020, HBC phải trả tới hơn 65 tỷ đồng tiền lãi, tức mỗi ngày HBC phải trả tới hơn 700 triệu đồng tiền lãi vay.

HBC đang là “con nợ” của những ngân hàng thương mại nào?

Theo báo cáo tài chính mới nhất của HBC, doanh nghiệp này đang vay và thuê tài chính 4.840 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng ngắn hạn là 4.666 tỷ đồng, vay dài hạn là 130 tỷ đồng.

Cụ thể, HBC đang vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với số tiền 1.728 tỷ đồng ngắn hạn và 24 tỷ đồng dài hạn;

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) số tiền gần 1.400 tỷ đồng (tăng 296 tỷ đồng so với đầu năm) ngắn hạn và 130 tỷ đồng dài hạn;

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) số tiền 311 tỷ đồng (tăng 163 tỷ đồng so với đầu năm) và 4,7 tỷ đồng dài hạn;

Vay của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) số tiền 248,6 tỷ đồng ngắn hạn và 13 tỷ đồng dài hạn;

Vay của Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM số tiền 55 tỷ đồng ngắn hạn và 13 tỷ đồng dài hạn;

Vay của Ngân hàng TMCP HSBC số tiền 234,5 tỷ đồng ngắn hạn;

Vay của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) số tiền 592 tỷ đồng ngắn hạn;

Vay các ngân hàng khác và cá nhân (ngắn hạn) là hơn 100 tỷ đồng ngắn hạn.

Bê bối trong thực hiện các dự án

Hệ sinh thái của HBC hiện nay vào loại “khủng” khi có tới 21 công ty con, 6 công ty liên doanh liên kết và 5 công ty đầu tư dài hạn. Trong đó, một số dự án của công ty con HBC đang gặp nhiều vấn đề về tiến độ, pháp lý, huy động vốn trái phép… đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của HBC.

Công ty Tiến Phát đã huy động tiền của khách hàng theo kiểu "bán lúa non" từ năm 2018 nhưng không hiểu lý do vì sao dự án đang bị ngưng trệ, "đắp chiếu" cả năm nay.

Điển hình, Dự án Ascent Plaza số 75-377 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh (TP.HCM) của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Tiến Phát (HBC chiếm 99,45% sở hữu). Đây là công ty con của Tập đoàn Hòa Bình, do Phó Tổng giám đốc HBC Lê Quốc Duy, sinh năm 1981 làm Chủ tịch HĐQT.

Dự án Ascent Plaza có diện tích là 4.660m2; quy mô: gồm 01 Block cao 24 tầng (2 tầng hầm) với 348 căn hộ cao cấp. Diện tích căn hộ: từ 55,91m2 đến 165,30m2 (thiết kế từ 1-3 Phòng ngủ). dự kiến bàn giao: quý IV/2020, giá bán từ 37 triệu/m2...

Theo thông tin công bố trên thị trường, dự án Ascent Plaza đã chính thức ra mắt thị trường ngày 24/11/2018 tại The Adora Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp (TP.HCM). Điều đáng nói. vào thời điểm mở bán, ký hợp đồng đặt cọc, dự án vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cọc móng nhưng chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Tiến Phát đã nhận cọc tới 15% giá trị của căn hộ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Công ty Tiến Phát đã huy động nhiều tỷ đồng từ tiền đặt cọc của khách hàng và dự án đã được đặt cọc bán hết. Dự án đang được giao dịch trên thị trường (đầu tư thứ cấp) với giá trên chênh lệch từ 100 -200 triệu đồng/căn hộ mặc dù pháp lý chưa hoàn thiện.

Công ty Tiến Phát đã huy động tiền của khách hàng theo kiểu "bán lúa non" từ năm 2018 nhưng không hiểu lý do vì sao dự án đang bị ngưng trệ, "đắp chiếu" cả năm nay. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, dự án đang được đóng kín, quây tôn và không có dấu hiệu cho việc xây dựng, thi công.

Nhiều khách hàng đã tin tưởng "uy tín" của Tiến Phát và thương hiệu Hòa Bình nên "xuống tiền" đầu tư  khi pháp lý chưa rõ ràng. Để đến bây giờ, nhiều khách hàng mới "ôm hận" và chỉ biết "khóc ròng", đợi chờ ngày bàn giao căn hộ của doanh nghiệp.

Dự án Ascent Cityview của Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát và Công ty TNHH Sài Gòn Ngày Mới (đều là công ty con của HBC và chiếm 99,45 vốn chủ sở hữu). Dự án được UBND TP.HCM giao đất từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn quây tôn làm bãi giữ xe…

Tháng 5/2020, phóng viên có mặt ghi nhận tại khu đất mà Công ty TNHH Sài Gòn Ngày Mới được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án vẫn đang “bất động”.

Xung quanh được quây tôn với các pano quảng cáo dự án căn hộ Ascent Cityview của Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát, nhưng bên trong chỉ là một bãi giữ xe đang hoạt động, theo phản ánh, bãi giữ xe này hoạt động không phép từ mấy năm nay.

Tuy nhiên, hiện một số trang web trên mạng internet đang quảng cáo rầm rộ dự án này với nhiều thông tin như: Khu căn hộ Ascent Cityview được phát triển bởi liên doanh gồm Sanyo Homes (Nhật Bản) và Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Phát. Ascent Cityview gồm 340 căn hộ có diện tích từ 58- 111m2, từ 1- 3 phòng ngủ, 100% căn hộ có logia và hầm đậu xe rộng rãi, hồ bơi bốn mùa, trung tâm thương mại, nhà hàng, phòng gym, cafe, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng…

Đáng chú ý, theo chấp thuận của thành phố, đây là dự án chung cư cao tầng phục vụ tái định cư cho các dự án trên địa bàn quận 4. Như vậy, đây không phải dự án nhà ở thương mại.

Cần nhìn lại năng lực của CEO Lê Viết Hải

Lãnh đạo Hòa Bình Corporation hiện nay là ông Lê Viết Hải Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Hải sinh ngày 12/11/1958 tại Phú Xuân, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Về tiểu sử, từ năm 1985 – 1987, ông Hải công tác tại Công ty Quản lý Nhà Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1987 – 2000, ông Hải sáng lập và Giám đốc điều hành Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Từ năm 2000 – 2017, ông Hải Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hòa Bình Corporation.

Về cổ phiếu, tính đến ngày 26/5, ông Hải nắm giữ 15,8% giá trị cổ phiếu của HBC, tức hơn 36 triệu cổ phiếu, tương đương với 317,3 tỷ đồng. Các thành viên trong gia đình ông Hải cũng nắm số lượng lớn cổ phiếu HBC, như: anh trai Lê Viết Hưng nắm 3,4 triệu cổ phiếu, vợ Bùi Ngọc Mai nắm 4,2 triệu cổ phiếu, em gái Lê Thị Anh thư nắm gần 1,6 triệu cổ phiếu, cha Lê Xuân Thắng nắm 1,1 triệu cổ phiếu…

HBC từng được xem là mã cổ phiếu “hot” đối nhiều đầu tư. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, góc nhìn của giới đầu bắt đầu dè chừng đối với HBC ở các khoản phải thu lớn gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận suy giảm, dòng tiền lưu động âm.

Những khó khăn này cũng đã phản ánh vào giá cổ phiếu HBC. HBC liên tục giảm giá từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh mức 8.700 đồng/cổ phiếu.

HBC từng được xem là mã cổ phiếu “hot” đối nhiều đầu tư. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, góc nhìn của giới đầu bắt đầu dè chừng đối với HBC ở các khoản phải thu lớn gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận suy giảm, dòng tiền lưu động âm.

Đầu năm 2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE – Mã chứng khoán: HBC) cùng 5 người liên quan của ông Hải gồm bà Lê Thị Cát Tường (chị gái), ông Lê Viết Hà (em trai), bà Lê Thị Anh Thư (em gái), ông Lê Viết Hưng (anh trai), bà Lê Thị Kim Thoa (chị gái).

Cụ thể, ông Hải và các cá nhân liên quan bị phạt tiền 27,5 triệu đồng mỗi người vì đã có hành vi báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch. Tổng mức phạt đối với 6 cá nhân trên là 165 triệu đồng.

Trước đó, ngày 7/8 đến 5/9/2018, ông Lê Viết Hải và 5 anh chị em ruột của ông nhận thừa kế 270.000 cổ phiếu HBC mỗi người nhưng chậm báo cáo kết quả giao dịch đến Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Sau giao dịch, ông Lê Viết Hải sở hữu hơn 34 triệu cp, tương đương 17,6% vốn điều lệ của Xây dựng Hoà Bình. Hiện, ông Hải là cổ đông lớn nhất của công ty.

Quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hải và các thành viên trong gia đình có hiệu lực kể từ ngày 18/1/2019.

Trước nhiều “bê bối” của Hòa Bình Corporation trong thời gian vừa qua, liệu cổ đông có còn đặt niềm tin lên “người thuyền trưởng” Lê Viết Hải?

 

Tiền thân của Hòa Bình là văn phòng xây dựng Hòa Bình thuộc Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp thành lập từ năm 1987. Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Corporation - HBC) được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận ĐKKD số 4103000229 năm 2000. Đến tháng 11/2006, Hòa Bình Corporation niêm yết tại Sở Giáo dịch chứng khoán TP.CM (mã cổ phiếu là HBC).
comment Bình luận