Hãy bắt đầu bằng phương pháp nội khoa khi điều trị cường giáp

Cường giáp, dân gian còn gọi là bướu cổ. Đây là một hội chứng ảnh hưởng nhiều đến thể trạng người bệnh. Việc điều trị bệnh này không khó, chỉ cần phát hiện sớm và bao giờ cũng nên bắt đầu bằng phương pháp nội khoa.
10:04 | 22/03/2019

Cường giáp, nhiễm độc giáp tố, bệnh Basedow, bệnh Grave...
có khác nhau không?

Có thể hiểu đơn giản: Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động tổng hợp và sản xuất hormone. Khi các hormone này lưu thông trong máu gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức và chuyển hóa của cơ thể. Chúng ta gọi tình trạng nhiễm độc hormone giáp để chỉ toàn bộ các tổn hại này. Basedow, Grave... tên khác nhau là do mỗi quốc gia gọi khác nhau để nói về bệnh lý tuyến giáp có cường giáp, có bướu giáp lan tỏa, có lồi mắt hay gặp nhiều nhất trong bệnh lý tuyến giáp có cường giáp.

\"\"
Nếu chọn phương pháp điều trị nội khoa thì cần chú ý đến tác dụng phụ của thuốc.

Bệnh Basedow gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới (tỉ lệ 8:1), trong gia đình có nhiều người có biểu hiện bệnh lý tuyến giáp như bướu giáp đơn thuần, viêm tuyến giáp hoặc bệnh Basedow. Nếu có hội chứng cường giáp, có lồi mắt, có bướu giáp mạch, khả năng đã bị bệnh Basedow.

Làm sao biết mình bị cường giáp?

Cường giáp có rất nhiều thể bệnh, người bệnh đôi khi được chẩn đoán do thực hiện một số xét nghiệm có hormone tuyến giáp FT4 và hormone tuyến yên TSH, hay do khám lâm sàng thấy có rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh, không đều.

Phần lớn người bệnh có than phiền các triệu chứng sau: Sợ nóng, khát nhiều, tiểu nhiều. Sụt cân. Hồi hộp, đánh trống ngực. Thay đổi tính khí, dễ nóng giận, cáu gắt. Run ở đầu ngón tay. Tiêu chảy. Bác sĩ khám bệnh có thể ghi nhận được: Da người bệnh nóng, ẩm. Nhịp tim nhanh thường là trên 100 lần/phút. Mạch rộng nẩy mạnh. Nghe đôi khi thấy tiếng tim T1 kéo dài, T2 tách đôi hay có âm thổi tâm thu ở đáy.

Trong trường hợp người bệnh bị Basedow thường có thêm những biểu hiện lâm sàng Lồi mắt, người bệnh có thể khai những dấu hiệu như chói mắt, chảy nước mắt, cảm giác cộm ở mắt, mắt người bệnh nhắm không kín, hay có viền sậm màu quanh mi mắt. Thêm vào đó, người bệnh sẽ có bướu cổ. Bướu giáp trong bệnh Basedow thường là bướu lan tỏa, có tính chất bướu mạch, cảm giác rung khi sờ. Còn bướu giáp nhân gây cường giáp, chúng ta có thể khám được một khối hình tròn, chắc, nằm ở một hay hai bên cổ, di động khi người bệnh thực hiện động tác nuốt. Một số ít có hình ảnh mảng xẫm màu vàng cam hay tím đen vùng cẳng chân, gọi là phù niêm trước xương chày. Khi người bệnh khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ đánh giá chung và cho làm thêm những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho chính xác.

Chế độ điều trị như thế nào?

Có ba phương pháp điều trị Cường giáp, đầu tiên là điều trị nội khoa, kế đến là phẫu thuật và thứ ba là xạ trị. Tùy mỗi trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ cùng người bệnh thảo luận để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Nhưng dù chọn phương pháp điều trị nào, người bệnh vẫn phải điều trị nội khoa trước, đưa cường giáp về bình giáp nếu có thể.

Điều trị nội khoa thường chia làm hai phần lớn. Phần đầu tiên quan trọng là chống lại sự tổng hợp hormone giáp bằng thuốc. Hiện chúng ta có iod vô cơ, đây là thuốc kháng giáp xưa nhất, và thường dùng dưới dạng dịch lỏng, hay được chỉ định trong trường hợp bệnh không nặng, cơn bão giáp vì tác dụng chống lại sự phóng thích hormone, chuẩn bị phẫu thuật tuyến giáp, có bệnh lý nặng ở gan và tim. Kế đến là thuốc kháng giáp tổng hợp, đây là thuốc chính trong điều trị. Thuốc kháng giáp tổng hợp có hai nhóm chính đó là PTU (PropylThioUracil), và nhóm Methimazol (Imidazole). Thời gian điều trị trung bình hai nhóm thuốc này cho người bệnh cường giáp là từ 12 - 18 tháng, ba tháng đầu bác sĩ thường dùng liều tấn công, có nghĩa là liều cao, sau đó là dung liều duy trì. Tùy mức độ đáp ứng của người bệnh và tác dụng phụ có thể có của thuốc mà bác sĩ chỉ định liều lượng hay phương pháp điều trị thích hợp. Nhìn chung, người bệnh đáp ứng khá tốt với thuốc kháng giáp tổng hợp.

Bên cạnh việc chống lại sự tổng hợp hormone giáp, bác sĩ còn phải điều trị giảm triệu chứng giao cảm cho người bệnh. Thường dùng thuốc chẹn beta giao cảm để giảm triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi... Ngoài ra, nếu người bệnh có biểu hiện nặng ở mắt như phù kết mạc, xung huyết giác mạc, lé mắt, nhìn đôi... nếu cần phải dung liệu pháp corticoid, xạ trị hốc mắt hay phẫu thuật giảm áp sau hốc mắt.

Khi điều trị bệnh Basedow, cần phải theo dõi điều gì?

Khi điều trị cho người bệnh, tùy từng người bệnh cụ thể, sự mong muốn và cơ địa của người bệnh mà bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu có thể. Nếu chọn phương pháp điều trị nội khoa thì cần chú ý đến tác dụng phụ của thuốc, thời gian dùng thuốc và mức độ đáp ứng và diễn tiến của bệnh. Nếu chọn phương pháp điều trị bằng phóng xạ, người bệnh phải được cách ly 4 - 7 ngày, và có thể bị suy giáp hoàn toàn vĩnh viễn ở tương lai, nên theo dõi và điều trị kịp thời tình trạng suy giáp.

Nếu chọn phương pháp phẫu thuật thì cũng có những biến chứng có thể xảy ra như bị khàn tiếng kéo dài, suy giáp hoàn toàn hay một phần tùy vào mức độ cắt toàn bộ tuyến giáp. Nói chung, đây là một bệnh nội tiết khá phức tạp, người bệnh nên theo dõi và điều trị với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để đạt được điều tốt nhất.

comment Bình luận