Hattrick của Fedora quảng cáo lừa dối, khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo người dân cẩn trọng với thông tin quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe HATTRICK trên một số website.
15:44 | 08/07/2020

Trong thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang website/trang thương mại điện tử: hattrickchinhhang.com; shopee.vn; sendo.vn; hattrick.chinhhang.info đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HATTRICK vi phạm: Gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm; Đăng tải, dẫn trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

HATTRICK có thông tin quảng cáo sai sự thật trên một số website.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty Cổ phần Fedora (địa chỉ trụ sở chính: Số nhà 4, Tập thể xây lắp 4, Ngõ 9, Đường Lê Đức Thọ, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Được biết, Công ty Fedora mới thành lập tháng 07/2019 do thương nhân Ngô Việt Nhật làm đại diện pháp luật.

Quá trình hậu kiểm,Công ty Cổ phần Fedora không thừa nhận website nêu trên của Công ty Cổ phần Fedora, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HATTRICK trên trang Website/thương mại điện tử nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HATTRICK đang được quảng cáo vi phạm trên Website/thương mại điện tử nêu trên không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụngsản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HATTRICK quảng cáo trên trang website/thương mại điện tử nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm cung cấp thông tin về nội dung quảng cáo sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận tại đường link dưới đây để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn.

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... là rất phổ biến.

Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm như trên.

Trước những vấn đề còn tồn tại này, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

 

comment Bình luận