Hải Dương chi gần 78 tỷ đồng để sắm máy chụp X quang, có lãng phí?

Chưa bàn đến việc "thổi giá" nhưng có ý kiến cho rằng, việc Sở Y tế tỉnh Hải Dương chi tới gần 78 tỷ đồng để sắm máy chụp X quang là “chơi sang”, gây lãng phí cho ngân sách.
9:00 | 25/11/2020

Năm 2019, Sở Y tế Hải Dương chi tới gần 78 tỷ đồng để mua sắm máy chụp X-quang.

Vào ngày 18/4/2019, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Cường ký thông báo số 555/TB-SYT với nội dung lựa chọn Công TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Bách Thảo (số 23, ngách 460/30 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là doanh nghiệp trúng gói thầu số 04 “Mua máy chụp Xquang (gồm 05 hạng mục thiết bị) có giá trúng thầu là 77.880.035.000 đồng (giá gói thầu là 77.957.000.000 đồng).

Trước đó, Giám đốc Sở Y tế đã ban hành Quyết định số 254/QĐ-SYT ngày 18/4/2019 để phê duyệt Công TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Bách Thảo trúng thầu.

Có ý kiến cho rằng, việc Sở Y tế tỉnh Hải Dương chi tới gần 78 tỷ đồng để sắm máy chụp Xquang là “chơi sang”.

Thông báo do ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương ký.

Phóng viên khảo sát giá thành máy chụp Xquang mới nhất trên cổng thông tin của Bộ Y tế cho thấy, nhiều máy chụp X-quang có giá thành “rẻ” đến bất ngờ. Hệ thống máy chụp X-quang có giá cao nhất (gồm VAT) cũng chỉ đến 6-7 tỷ đồng/hệ thống. Cụ thể:

Hãng Del Medical, Inc (Mỹ) bán Hệ thống thu nhận ảnh kỹ thuật số cho máy X- quang có giá cao nhất là 6,9 tỷ đồng (gồm VAT);

Hãng Control-X Medical, Inc (Mỹ) đang bán Máy X quang cố định, model MS550HF LC (Thiết bị sử dụng tia X dùng chẩn đoán hoặc điều trị sử dụng cho Mục đích y học, phẫu thuật) có giá cao nhất 6 tỷ đồng (bao gồm VAT);

Máy X quang C-arm, Model: Ziehm Vision Vario của hãng Ziehm Imaging GmbH (Đức) đang bán với giá 4 tỷ đồng (gồm VAT);

Máy X quang C-Arm (Model: Veradius Unity) của hãng Philips Medical Systems Nederland B.V. (Hà Lan) cũng đang được chào bán 7,3 tỷ đồng (gồm VAT);

Hệ thống Máy X-quang Di động KTS (1 tấm FP, 300mA), Model: Optima XR240amx, GE hãng sản xuất: Medical Systems, LLC (Mỹ) đang chào bán với giá 4.550.000.000 đồng (gồm VAT);

Hệ thống X-quang chẩn đoán, Model XR5, Hãng sản xuất: OSKO, Inc (Mỹ) đang có giá bán 6 tỷ đồng (gồm VAT).

Có thể nói rằng, việc giá thành thiết bị y tế cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào: số lượng, cấu hình, model, hãng sản xuất, vận chuyển, đào tạo, truyền thông, lắp đặt, phòng máy… Khi chưa có số liệu đầy đủ thì mọi so sánh đều là khập khiễng và chưa thể khẳng định có hay không việc “nâng giá” thiết bị y tế ở Sở Y tế Hải Dương.

Công TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Bách Thảo được thành lập tháng 10/2010 do người có tên là bà Vũ Thị Thanh Nhã làm đại diện pháp luật. Về nhân sự Công ty có các kỹ sư: Nguyễn Quang Tạo, Nguyễn Duy Hùng.

Trước đó, như Sức khỏe 24H đã phản ánh, trong khi nhiều bệnh viện, địa phương mua máy chụp cộng hưởng từ MRI 1.5T có giá từ 22-25 tỷ đồng thì mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương phải thuê máy (xã hội hoá) có giá gần 51 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 28/8/2020, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương có Quyết định số 1099/QĐ-BV về việc phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty TNHH Thiết bị và Dụng cụ Y khoa 3P là nhà thầu Cung ứng dịch vụ cho thuê hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI (1.5 Tesla) trong thời gian 8 năm (96 tháng) để phục vụ hoạt động chuyên môn.

Giá trúng thầu là 50.975.664.400 đồng (giảm 29 triệu đồng so với giá dự toán, giá gói thầu).

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương hiện nay là ông Nguyễn Hữu Thắng, còn Công ty Y khoa 3P là có địa chỉ tại số 27 Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Vương Đình Hùng làm đại diện pháp luật.

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, vào tháng 12/2018, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chỉ phải mua Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla với giá 22,4 tỷ đồng (thấp hơn Bệnh viện Hải Dương tới 29 tỷ đồng). Thiết bị này do Công ty TNHH TBYT miền Tây và Công ty CP Giải pháp đo lường và Thiết bị công nghệ cao Mico Hitech cung cấp.

Vào ngày 25/10/2019, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng phê duyệt mua sắm Hệ thống chụp Cộng hưởng xuất xứ từ Đức có giá 24,480 tỷ đồng (thấp hơn Hải Dương tới 26,5 tỷ đồng).

Ngày 17/12/2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) cũng phê duyệt Hệ thống chụp Cộng hưởng từ (MRI) 1,5 Tesla nhập khẩu từ Đức có giá 25,8 tỷ đồng.

Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ mua 22,6 tỷ đồng…

Mới đây nhất, vào ngày 14/10/2020, Bệnh viện Quận 11 (Sở Y tế TP.HCM) cũng thông báo mua hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla  (do hãng Siemens Healthcare GmbH, CHLB Đức sản xuất) cũng có giá gần 23,5 tỷ đồng.

 

Thiết bị y tế tiền tỉ ở Hải Dương ‘đắp chiếu’
Phản ánh mới đây trên Báo Thanh Niên cho thấy, nhiều đơn vị y tế công lập ở Hải Dương đã mua sắm thiết bị y tế nhưng chưa có thiết bị và nhân lực đủ điều kiện vận hành khiến nhiều máy móc hiện đại trị giá tiền tỉ nằm “đắp chiếu”.
Theo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bảo hiểm y tế tỉnh, Sở Y tế, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2014 - 2019, đoàn công tác đã kiểm tra 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở công lập thuộc Sở Y tế Hải Dương (tổng trị giá hơn 277 tỉ đồng).
Theo đó, năm 2018, có 2 gói thầu trị giá hơn 99,6 tỉ đồng mua thiết bị cấp cứu sản khoa, thiết bị nội soi và thiết bị cơ bản khác. Năm 2019 có 3 gói thầu trị giá 178 tỉ đồng mua sắm máy chụp X - quang, máy xét nghiệm và thiết bị y tế khác.
Kiểm tra tại trung tâm y tế các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Thanh tra tỉnh Hải Dương ghi nhận phản ánh về hàng loạt thiết bị đắt tiền mua về nhưng chưa sử dụng.
Theo kết luận thanh tra, có 26 thiết bị với tổng trị giá trên 37,4 tỉ đồng đã tiếp nhận bàn giao nhưng chưa đưa vào sử dụng tại trung tâm y tế các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà và Kinh Môn.
Đó là máy hô hấp nhiệt độ công nghệ Plasma 50L, máy xét nghiệm huyết học 28 thông số, máy phân tích sinh hóa tự động 200 test/giờ, máy xét nghiệm đông máu tự động 52 test/giờ, máy xét nghiệm miễn dịch tự động 50 test/giờ, máy đo điện giải 3 thông số...
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Hải Dương cũng kết luận, gói thầu cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2016 - 2017; gói thầu cung ứng thuốc theo tên biệt dược gốc năm 2018 - 2019 và gói thầu cung ứng thuốc theo tên Generic nhóm 1 năm 2019 - 2020 đã xây dựng danh mục thuốc đấu thầu chưa sát với thực tế sử dụng.
Một số loại thuốc đăng ký mua số lượng lớn nhưng thực tế lại mua số lượng nhỏ. Một số loại thuốc được các cơ sở y tế công lập trong tỉnh mua vượt khối lượng quy định. Nhiều loại thuốc năm trước trúng thầu, sử dụng đạt tỷ lệ thấp, năm sau lại xây dựng kế hoạch với số lượng lớn nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn thấp.
Một số loại thuốc năm trước không lập kế hoạch đấu thầu nhưng năm sau xây dựng kế hoạch với số lượng lớn và sử dụng đạt tỷ lệ thấp. Đặc biệt, nhiều loại thuốc chữa bệnh chỉ có một nhà thầu tham dự và trúng thầu.
Tại kết luận, Thanh tra tỉnh Hải Dương cho rằng Sở Y tế Hải Dương chưa thường xuyên kiểm tra các đơn vị trúng thầu thực hiện hợp đồng cung ứng với các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến không phát hiện và chưa kịp thời chỉ đạo.
comment Bình luận