Gói thầu test nhanh gần 90 tỷ 'về tay' Vạn Xuân ở HCDC và thế ‘độc quyền’ giá của doanh nghiệp

Hầu hết các gói thầu cung cấp test nhanh Espline SARS CoV-2 đều về tay của Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Y tế Vạn Xuân. Vấn đề đặt ra là cơ quan nào sẽ kiểm soát giá test nhanh của doanh nghiệp khi họ độc quyền phân phối với Việt Nam?
8:00 | 12/11/2021

Công ty Vạn Xuân được Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng "chỉ định" trúng gói thầu 89 tỷ đồng cung cấp test nhanh COVID-19.

Gói thầu lớn nhất mới đây, vào ngày 09/7/2021, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ký Quyết định số 3001/QĐ-TTKSBT “chỉ định” cho Công ty Vạn Xuân trúng gói thầu cung cấp 500.000 test nhanh Espline SARS CoV-2/Fujirebio Inc/Nhật Bản với giá 178.000 đồng/test, tổng trị giá gói thầu lên đến 89 tỷ đồng.

Việc lựa chọn loại test Espline là căn cứ vào tờ trình phê duyệt chủ trương của khoa Dược – vật tư y tế (HCDC) ngày 07/7/2021 và Quyết định số 2954 ngày 08/7/2021 của HCDC.

Điều khó hiểu là việc bán test nhanh Espline của Vạn Xuân có giá không thống nhất – kiểu “mỗi nơi một giá”.

Vào thời điểm ngày 30/6/2021, Vạn Xuân bán cho Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai test nhanh Espline với giá lên đến 210.000 đồng/test.

Vào ngày 02/06/2021, Vạn Xuân bán cho Bệnh viện huyện Bình Chánh cũng với mức giá 210.000 đồng/test.

Mặc dù thời gian gần đây, giá test nhanh của các hãng khác đều giảm giá bán, nhưng Công ty Vạn Xuân hầu như không giảm mà còn tăng. Cụ thể, mới nhất gần đây, Công ty Vạn Xuân Trúng 03 gói thầu cung cấp test nhanh Espline SARS CoV-2/Fujirebio Inc/Nhật Bản ở Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ (ngày 20/10/2021), Trung tâm Y tế huyện Phong Điền – Cần Thơ (ngày 21/10/2021), Trung tâm Y tế quận Cái Răng – Cần Thơ (ngày 07/10/2021)... đều với giá bán là 188.000 đồng/test.

Hầu hết các gói thầu cung cấp test nhanh Espline SARS CoV-2 đều về tay của Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Y tế Vạn Xuân và có mức giá bán khác nhau.

Điều khá bất ngờ là, test nhanh Espline “bán lẻ” trên thị trường lại thấp hơn nhiều so với giá đấu thầu mà Vạn Xuân đang bán cho các cơ sở y tế công lập.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, trên website của Didongviet.vn (Công Ty TNHH Công Nghệ và Truyền Thông VMG) đang bán test nhanh loại Espline với giá 1.400.000 đồng/10 bộ (tức giá 1 test là 140.000 đồng); trên website dienmayhaianh.vn (Công ty CP TM Công nghệ Hải Anh) đang bán lẻ test Espline với 165.000 đồng/bộ...

Trên thị trường đang bán lẻ test nhanh Espline SARS CoV-2 có giá chỉ 140.000 đồng/test.

Chưa hiểu vì sao, Công ty Vạn Xuân lại bán giá test nhanh Espline số lượng lớn cho các cơ sở y tế công lập lại có mức giá cao như vậy? Phải chăng do được “chỉ định thầu” và ở thế “độc quyền phân phối tại Việt Nam” nên mức giá test nhanh hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp?

Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Y tế Vạn Xuân thành lập từ năm 2001, có địa chỉ đăng ký tại 319-C13 Khu thương mại Thuận Việt Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11 (TP.HCM). Hiện người có tên Phó Trí Phương (sinh năm 1969 - tại Cần Thơ) đang chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp.

Rõ ràng, doanh nghiệp kinh doanh là phải có lợi nhuận và tùy từng thời điểm, nhu cầu thị trường tăng đột biến sẽ có mức giá bán khác nhau. Tuy nhiên, nếu “nước sôi, lửa bỏng”, cả nước đang gồng mình chống dịch mà doanh nghiệp “lợi dụng” để đẩy giá thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... lên quá cao là hành vi không thể chấp nhận được cả về mặt pháp luật, đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Cũng cần khẳng định rằng, việc Bộ Y tế công khai giá thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm... trên website cũng là do doanh nghiệp tự thực hiện và chịu trách nhiệm. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn từng khẳng định: "Đơn vị sản xuất/nhập khẩu, thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm". Do đó, địa phương không nên chỉ căn cứ vào mỗi báo giá của doanh nghiệp đăng trên website của Bộ Y tế để chỉ định thầu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan để tìm hiểu thông tin về “giá gốc” nhập khẩu của doanh nghiệp (thời điểm trúng đấu thầu) từ đó có cái nhìn khách quan về việc mua sắm test xét nghiệm nhanh COVID-19.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

 

Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm

Mới đây, Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra vào ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập đến giá kít xét nghiệm, đây là vấn đề được dư luận quan tâm thời gia quan. Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức tới dư luận.

Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân.

Ngày 04/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản gửi các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh, thành giao thanh tra thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thanh, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu kit test nhanh Covid-19, mua sắm các loại kit test nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào giá xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty, doanh nghiệp, bao gồm cả kit test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR.

 

 

Vạch trần 'sân sau' trong đấu thầu thiết bị y tế, giáo dục

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sai phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Những sai phạm này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng; xử lý một người để cứu muôn người.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm trong cả lĩnh vực, điển hình như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Điều đáng nói, sai phạm không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông...mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân, cụ thể:

Thứ nhất, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thứ hai, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.

(Theo Tiền Phong)

 

 

Kiểm soát 'loạn' giá thiết bị y tế: Đơn vị phân phối phải kê khai giá gốc

Ngày 8/11 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định 98/2021). Nghị định 98/2021 có hiệu lực từ 1/1/2022.

Trước thực tế tồn tại, bất cập trong quản lý giá giai đoạn vừa qua như: cùng một trang thiết bị y tế nhưng có nhiều mức giá, giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế có sự khác biệt đáng kể, không có mức giá tham khảo để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Nghị định 98/2021 quy định các biện pháp quản lý giá, theo đó, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá.

Nội dung kê khai giá gồm: giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.

Quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc đơn vị phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá và các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hưu số lưu hành đã công khai; đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán.

Cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.

Việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường và chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà đơn vị kinh doanh; đồng thời công khai các thông tin về giá bán của chủ sở hữu, giá bán của từng nhà phân phối, đại lý, giá trúng thầu của trang thiết bị đó tại các cơ sở y tế của nhà nước để tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận, tham khảo.

Theo quy định hiện hành, giá trang thiết bị và sinh phẩm y tế do các doanh nghiệp tự công bố.

comment Bình luận