Bắc Giang: Giữ thành công tử cung cho sản phụ mang nhau thai xuyên thủng vết mổ đẻ cũ

Mới đây các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang đã cấp cứu kịp thời cho một sản phụ mang thai trên vết mổ đẻ cũ, nhau thai ăn sâu xuyên qua vết mổ tử cung.
7:52 | 30/05/2019
Theo Báo Infonet, đó là trường hợp của sản phụ Vi Thị Hiệp quê Bắc Giang. Chị Hiệp tới khám tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang sau khi bị ra huyết bất thường kéo dài nhiều ngày. Nhận thấy bản thân đau bụng âm ỉ, ra huyết âm đạo kèm sốt cao chị Hiệp lại cho rằng đó là những bất thường của kỳ kinh nguyệt. Phải tới khi các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần chị mới quyết định đi khám.
 
Qua kết quả thăm khám và siêu âm, Bác sỹ Chuyên khoa II (CKII) Lê Công Tước – Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang phát hiện chị Vi đang mang thai được 7 tuần. Đáng nói là thai nhi bám trên vết sẹo mổ cũ, nhau thai đã ăn thủng vết mổ tử cung ra ngoài rất phức tạp. Ổ bụng bệnh nhân chảy máu nhiều gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và đưa ra quyết định phẫu thuật cắt khối chửa vết mổ đồng thời làm sao để bảo toàn tử cung tối đa cho bệnh nhân.
 
Các bác sĩ cấp cứu cho chị Hiệp. Ảnh: Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang.
 
Do nhau thai đã ăn thủng vết mổ tử cung ra ngoài nên các bác sĩ đã thực hiện cắt lọc, khâu bảo tồn tử cung kết hợp thắt động mạch cổ tử cung âm đạo. Sau đó, các bác sĩ thực hiện một Sonde dẫn lưu từ buồng tử cung ra ngoài, rồi khâu phục hồi lại cơ tử cung.
 
May mắn cho chị Hiệp là vẫn có thể có thể bảo toàn tử cung. Thực tế nhiều trường hợp thai nhi làm tổ trên vết sẹo mổ cũ có thể buộc phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung mới giữ lại tính mạng cho bệnh nhân.

Theo Bác sỹ CKII Lê Công Tước, đây là ca thứ 4 Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang thực hiện phẫu thuật cắt khối chửa mà vẫn bảo tồn tử cung, nhằm đảm bảo tâm, sinh lý cho người bệnh.
 
Thai bám trên vết sẹo mổ cũ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa
 
Cách đây không lâu hôm 20/5, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã cứu sống thai phụ 29 tuổi mang thai lần thứ 6 bị xuất huyết nghiêm trọng. Nguyên nhân khiến thai phụ xuất huyết không thể cầm là do thai nhi khoảng 6 tuần tuổi bám vào vết mổ cũ. Trước đó bệnh nhân này từng 5 lần sinh nở trong đó có một lần sinh đôi phải mổ đẻ.

Các biến chứng nguy hiểm khi thai nhi làm tổ ở vết sẹo cũ
 
Trong sản khoa, thai bám sẹo mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung đặc biệt. Có hai dạng thai bám sẹo mổ cũ thường gặp: một là thai làm tổ ở vết mổ cũ, nhưng phát triển chủ yếu trong buồng tử cung; dạng thứ hai là thai hoàn toàn làm tổ và phát triển thành túi thai ngay vị trí vết mổ cũ cấy sâu vào trong lớp cơ và phần mô sợi của tử cung ở vị trí vết sẹo mổ lấy thai cũ, lấn sâu vào bàng quang.

Thai bám sẹo mổ cũ không có biểu hiện cụ thể tương tự như thai ngoài tử cung là: trễ kinh, ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng lâm râm… Ngoài ra thai phụ vẫn có thể có một số biểu hiện khác như người mangt hai bình thường: ốm nghén, mệt mỏi…

Thực tế ghi nhận có những trường hợp thai bám sẹo mổ cũ nhưng vẫn phát triển cho đến tháng thứ 6, 7 hoặc thậm chí gần đủ 9 tháng 10 ngày. Thế nhưng thai bám sẹo mổ cũ càng lớn nguy hiểm cho thai phụ càng cao. 

Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với bà bầu mang thai bám sẹo mổ cũ như:

Nứt sẹo mổ cũ: Tai biến này có thể xảy ra trên thai phụ mang thai lần thứ hai sau sinh mổ sớm (thường trong khoảng 6-9 tháng kể từ lúc sinh mổ lần trước). Người càng sinh mổ nhiều lần thì nguy cơ nứt sẹo mổ cũ càng cao.

Vỡ tử cung: Đây là tai biến rất nguy hiểm trong trường hợp thai bám sẹo mổ cũ. Nguy cơ vỡ tử cung có thể xảy ra khi thai mới 19-20 tuần. Khi thai phụ bị vỡ tử cung mà không phát hiện và cầm máu kịp thời, thai phụ có thể bị sốc, mất máu và tử vong.

Nhau cài răng lược: Đây là biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của cả thai phụ và em bé dù là trong trường hợp đình chỉ thai kỳ hay sinh mổ. Người bị biến chứng nhau cài răng lược khả năng cao sẽ bị mất máu nặng và cắt tử cung. Ngoài ra, nhau cài răng lược còn có thể gây tổn thương những cơ quan lân cận như bàng quang, ruột… do bánh nhau xâm lấn.

Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, đối với những người từng có tiền sử mổ đẻ cần đặc biệt lưu ý:
- Không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó vết mổ dễ bị nứt, gây mất máu và tử vong thai.
- Nên khám thai đều đặn, đúng hẹn và trình bày tiền sử lần mổ đẻ trước thật chi tiết cho bác sĩ
- Cần chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào thì đau nhói lên. Khi có bất cứ dấu hiệu bị đau nào thì cần nhanh chóng nhập viện.


Hà Ly (Th)
comment Bình luận