Giám đốc BV Da liễu Trung ương: Bệnh phong có thể chữa khỏi, không nên kỳ thị

Quan niệm từ xa xưa coi bệnh phong là một trong tứ chứng nan y (phong, lao, cổ, lại), người mắc bệnh này bị kỳ thị, xa lánh bởi những dị hình tàn tật nặng nề ở tay, chân. Tuy nhiên hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc BV Da liễu Trung ương, y học hiện đại đã có thuốc đa hóa trị liệu có thể chữa khỏi cho bệnh nhân phong nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy cộng đồng nên có cái nhìn đúng đắn, thông cảm và không nên kỳ thị với những người bệnh phong.
 
7:35 | 21/01/2019
\"\"
PGS.TS Nguyễn Văn Thường trao quà cho bệnh nhân phong ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường cho biết, hiện nước ta có khoảng 3.000 bệnh nhân trong các khu điều trị phong. Căn bệnh này do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh. Trước đây, người bệnh thường chịu thành kiến sai lầm, chịu sự hắt hủi, xa lánh của cộng đồng, thậm chí chết một cách âm thầm tủi nhục với những cái dị hình tàn tật ghê gớm.

Tuy nhiên, từ khi có Chương trình chống phong Quốc gia cũng như trước đó ngành y tế rất quan tâm đến bệnh nhân phong, đưa những tiến bộ y học (trong đó có thuốc đa hóa trị liệu) vào điều trị giúp cứu chữa cho hàng chục nghìn bệnh nhân phong thoát khỏi dị hình tàn tật và những biến chứng của căn bệnh này.

“Chương trình chống phong Quốc gia kéo dài từ những năm 1995 đến nay vẫn tiếp tục được triển khai. Các cán bộ của ngành y tế, đặc biệt là cán bộ ngành da liễu làm công tác chống phong đã đi khắp 63 tỉnh thành cả nước với mục tiêu chung là giúp nhiều người thoát khỏi bệnh phong, phát hiện bệnh nhân phong sớm và chữa trị kịp thời, không để lại di chứng”- PGS.TS Nguyễn Văn Thường nói.

Theo lãnh đạo BV Da liễu Trung ương, cái được lớn nhất trong công tác chống phong đó là về mặt tuyên truyền, người dân đã không còn sợ sệt và kỳ thị bệnh nhân phong nữa. Quan niệm sai lầm về bệnh phong coi đây là bệnh cùi, bệnh hủi… không còn trầm trọng như trước đây. Đặc biệt, người dân khi nghi ngờ mắc bệnh phong đã tự tìm đến cơ sở y tế để điều trị thay vì bỏ điều trị, giấu bệnh như xưa.

Hiện nay, bệnh phong đã giảm đến 90%, tuy nhiên, hàng năm vẫn còn sót lại vài trăm bệnh nhân phong mới. Các bác sĩ nhận định, đây chính là nguồn lây nếu chúng ta không tiếp tục chống phong thì bệnh phong sẽ quay trở lại. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh phong rất lâu, trung bình 3-5 năm hoặc có trường hợp có thể 5 năm, 10 năm mới phát bệnh.

Cho đến nay y học vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, vì vậy các biện pháp dự phòng được ngành y tế khuyến cáo bao gồm: Tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị. Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi người ngờ có triệu chứng của bệnh (như thương tổn da kèm theo mất cảm giác nóng, lạnh, đau…), cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.

“Tất cả các bệnh nhân phong được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định. Điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện sớm thì chỉ sau 6 tháng đến một năm điều trị là có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng”- PGS. TS Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh.

Được biết, Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng nêu gương Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực Thái Bình Dương về phòng chống bệnh phong.

Trong nhiều năm qua, Chương trình chống phong ở nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh. Dự kiến đến năm 2020 sẽ loại trừ bệnh phong ở tất cả các huyện trong toàn quốc.

comment Bình luận