Giá thiết bị y tế: Bán một đằng, công khai một nẻo?

Việc Bộ Y tế cho ra đời Cổng công khai giá trang thiết bị y tế tưởng chừng là việc làm giúp minh bạch giá cả, thế nhưng trên thực tế việc công khai này do doanh nghiệp tự thực hiện.
11:51 | 01/10/2021

Lãnh đạo Bộ Y tế khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế hồi tháng 9/2020. (Ảnh: TTXVN).

Tháng 9/2020, cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế (https://congkhaigiadmec.moh.gov.vn) được Bộ Y tế chính thức cho ra mắt trong sự ủng hộ của dư luận trước bối cảnh một loạt scandal về mua sắm thiết bị tại một số bệnh viện, cơ sở y tế công lập xảy ra.

Như vụ việc nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra ở CDC Hà Nội khiến cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng bộ sậu lĩnh án tù; Hay vụ án thổi giá máy móc tại Bệnh viện Bạch Mai; Vụ án đấu thầu trang thiết bị tại Sơn La; Vụ án Sở Y tế Cần Thơ; Vụ án Sở Y tế Đắk Lắk…và gần đây là vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, hay vụ án đấu giá thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt TP HCM.

Việc cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế ra đời mang đến người dân cùng dư luận kỳ vọng vào việc minh bạch, tiết kiệm trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế nói chung và quan trọng hơn là người dân cộng đồng được chăm sóc sức khỏe với giá cả và chất lượng tốt nhất.

Thế nhưng qua tìm hiểu của PV, trên thực tế Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế được xây dựng theo hướng giao cho các doanh nghiệp tự công bố mức giá (tức là doanh nghiệp tự niêm yết giá bán - PV).

Điều này cũng có nghĩa giá cả máy móc, thiết bị y tế được doanh nghiệp tự do công bố giá dẫn đến việc cùng loại máy móc nhưng công ty này bán giá này, công ty kia bán giá kia không đồng nhất và có hiện tượng không sát thực tế.

Qua khảo sát của PV, trên Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế có một số thiết bị, máy móc giá niêm yết rất cao so với giá mà một số bệnh viện tư nhân mua cùng loại. Điều này gây ra lo ngại sẽ có tình trạng thổi giá để ăn chia.

Tức là mua máy của đơn vị kia giá cao nhưng thực tế giá máy đó thấp. Có thể có tình trạng công ty công khai giá cao nhưng vẫn trúng thầu còn công ty công khai giá thấp thì vẫn bị loại do khi đấu thầu các đơn vị thường cài cắm các điều kiện như năng lực, kinh nghiệm, bằng cấp…”, một chuyên gia về thiết bị y tế lo ngại.

Việc công khai giá trang thiết bị y tế được doanh nghiệp tự công khai.

Cũng liên quan đến việc công khai giá trang thiết bị y tế, tháng 8/2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế An Sinh cũng gây xôn xao với việc công khai giá máy thở.

Theo đó, máy thở model MV2000 EVO5 do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế An Sinh nhập khẩu chào giá công khai 455 triệu/chiếc, giá bán thực tế (đã có lãi) của nhà phân phối chỉ 425 triệu, nhưng giá trên Cổng công khai y tế của Bộ Y tế - nơi để các đơn vị có nhu cầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế tham khảo giá - thì lên tới 960 triệu đồng.

Ngay sau đó, tối 11/8, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu Công ty An Sinh rà soát và có báo cáo giải trình.

Trong bản giải trình này, ông Nguyễn Tăng Hòa - Tổng giám đốc Công ty An Sinh cho biết: Đây là một hiểu lầm đáng tiếc và công ty này đã có bản giải trình lên Bộ Y tế.

Theo lý giải của công ty, dù cùng một model (dòng hoặc loại) máy thở MV2000 EVO5 nhưng cấu hình (phần mềm, phần cứng) rất khác nhau.

Kết cấu chi tiết máy thở.

Cụ thể, máy thở MV2000 EVO5 mà đơn vị công khai giá là loại máy có cấu hình hiện đại nhất hiện nay, đủ hết chức năng của một loại máy cao cấp với model thở cao tần HF0V, bộ đo khí mê EtCO2, cảm biến Sp02, máy nén khí rời...  (tức loại công bố đời cao hơn loại bán nên giá cao hơn dù cùng 1 model - PV).

Vấn đề đặt ra là tại sao đơn vị không khai báo giá của cấu hình tiêu chuẩn? Ông Hòa cho hay nếu khai cấu hình tiêu chuẩn chắc chắn khi bán cấu hình cao đơn vị sẽ trượt thầu. Tuy nhiên, sau vụ việc, đơn vị đã cập nhật lại giá theo cấu hình tiêu chuẩn để tránh gây hiểu nhầm.

Sự việc trên khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về những bất cập trong việc niêm yết, công khai giá trang thiết bị y tế, đồng thời cho rằng Bộ Y tế và cơ quan chức năng cần thiết có cơ chế hậu kiểm, kiểm tra việc công khai từng mặt hàng, máy móc, trang thiết bị y tế hơn nữa.

Thử hỏi vụ việc Công ty An sinh công khai giá máy thở mà không được xử lý, phát hiện sớm thì sẽ thế nào? Nếu là 1 doanh nghiệp, 1 đơn vị có ý định tiêu cực thì việc công khai giá như thế có nghĩa lý gì không?”, một chuyên gia thiết bị y tế băn khoăn trong cuộc trao đổi với PV mới đây.

Danh mục cấu hình tiêu chuẩn và cấu hình nâng cao của máy thở EV05 mà Công ty An Sinh lý giải trong văn bản gửi Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế).

Được biết, sau khi có thông tin về loại máy thở bị đẩy giá quá cao trên cổng công khai giá, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn đã có văn bản yêu cầu các nhà cung cấp, kinh doanh trang thiết bị y tế nghiêm túc rà soát, công khai minh bạch về giá thiết bị y tế trên cổng công khai thiết bị, chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác của các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định.

"Trường hợp có biến động về giá do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị chủ động cập nhật và chịu trách nhiệm" - văn bản cho biết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cơ chế hậu kiểm về giá công bố của cơ quan quản lý nhà nước.

Chúng tôi tiếp tục thông tin phản ánh về việc công khai giá cả trang thiết bị y tế và những vấn đề liên quan.

comment Bình luận