FLC xin 2.000 ha đất tại Hà Nội xây 'siêu' sân vận động, đường đua F1

FLC đề xuất với Hà Nội cấp 1.000-2.000 ha đất để xây dựng một tổ hợp vui chơi, giải trí, du lịch, trong đó có sân vận động sức chứa 100.000 chỗ ngồi.
8:48 | 20/01/2019

Tập đoàn FLCFLC-0.05% đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp sân vận động, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn. Doanh nghiệp này muốn có thể được giao đất tại huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn.

Trong văn bản gửi Hà Nội, FLC mô tả khu phức hợp có hạng mục chính là cụm công trình liên hợp thể thao, với điểm nhấn trung tâm là một sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, được thiết kế có mái che để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.

\"\"
FLC xin 2.000 ha đất tại Hà Nội xây \'siêu\' sân vận động, đường đua F1

Đơn vị này nhấn mạnh dự án đăt mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng. Nếu trở thành hiện thực, đây có thể trở thành một trong những \"siêu\" sân vận động có sức chứa lớn nhất châu Á.

Trong khi đó, FLC có tổng vốn hiện là 6.827 tỷ đồng, gấp 9 lần sau 6 năm, và vốn chủ sở hữu là 8.651 tỷ đồng.

Ngoài sân vận động còn có các hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1. Tuy nhiên đường đua được xây dựng phục vụ giải đấu nào cũng chưa được đưa ra.

FLC đề xuất xây cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; tổ hợp các khu chăm sóc sức khoẻ kết hợp nghỉ dưỡng (bệnh viện nghỉ dưỡng).

Doanh nghiệp này cũng mong muốn xây dựng khu trại hè quốc tế tập trung kết hợp các hoạt động giáo dục, vui chơi khoa học dành cho trẻ em; trường đua ngựa và vườn thú; công viên chủ đề và quảng trường trung tâm; khu mua sắm tập trung... Tổng diện tích dự án khoảng từ 1.000 đến 2.000 ha.

Nếu được Hà Nội chấp thuận, FLC cho biết sẽ trực tiếp đầu tư các hạng mục, sau đó tổ chức vận hành, khai thác. Thời gian hoàn thành dự án nếu được chấp thuận không được doanh nghiệp này đề cập, mà chỉ nhấn mạnh sẽ “quyết tâm đầu tư và hoàn thành dự án trong thời gian nhanh nhất”.

FLC khởi nghiệp từ một công ty luật, sau đó lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và du lịch. Hai ngành nghề mới nhất mà doanh nghiệp này đặt chân vào là nông nghiệp và hàng không. Người đứng đầu doanh nghiệp là ông Trịnh Văn Quyết, từng đứng vị trí giàu nhất Việt Nam về danh nghĩa trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tại ông Quyết chỉ đứng thứ 4 với tài sản khoảng 13.000 tỷ đồng.

Trước FLC, Vingroup cho biết đã quyết định đầu tư đường đua F1 tại Mỹ Đình và đưa giải đấu này về Việt Nam vào năm 2020. Trong khi đó, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển cũng xin xây mới sân vận động Hàng Đẫy (quận Ba Đình), trong đó xây dựng cả một khu phức hợp vui chơi giải trí.

Tại khu vực phía bắc Hà Nội gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản. Các đại gia bất động sản đều có các dự án lớn, trong khi FLC chưa có dự án nào tại đây.

BRG công bố dự án khu đô thị thông minh 4 tỷ USD, Sun Group xây dựng công viên Kim Quy (190 ha) với số vốn 4.900 tỷ đồng; Vingroup có dự án Trung tâm triển lãm quốc gia (90 ha). Gần đây nhất Hà Nội cũng mới đồng ý cho một tập đoàn Hàn Quốc xây dựng trường đua ngựa với số vốn 420 ha tại Sóc Sơn.

comment Bình luận