F0 tại nhà nên giặt quần áo, lau dọn phòng thế nào?

Đồ vải như quần áo, chăn đắp, khăn tắm... nên giặt ở 60ºC hoặc hơn, từ 30 phút trở lên; nên bỏ đồ trực tiếp vào máy giặt, không giũ.
21:15 | 20/08/2021

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Minh Thành, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, khuyến cáo ngoài giặt đồ vải, cần giặt khăn trải bàn ăn, chén bát của F0 với chất rửa chén rồi lau khô. Nếu dùng máy rửa chén nên chọn nhiệt độ 60 độ C.

"Tránh gây phát tán bụi như miếng xốp, bông vải...; không sử dụng máy hút bụi", bác sĩ Thành nhấn mạnh. Sau khi dọn dẹp, nên rửa tay với nước có xà phòng và lau tay khô với khăn tay hoặc khăn giấy.

Lau chùi thường xuyên các phòng trong nhà, mở các cửa sổ ít nhất 10 phút, nhiều lần trong ngày. Lau chùi và khử khuẩn các bề mặt F0 đã chạm đến như tay nắm cửa, vật dụng trong phòng tắm, phòng vệ sinh, nền nhà... bằng các chất tẩy rửa thường dùng hàng ngày. Sau đó, rửa với sản phẩm có chứa nước Javel rồi rửa sạch lại bằng nước.

Lau chùi phòng tắm và phòng vệ sinh sau khi sử dụng với nước tẩy Javel hay những sản phẩm tẩy trùng khác. Không dùng chung các vật dụng hàng ngày như khăn, vật dụng tắm rửa, xà phòng, chén bát, điện thoại...

Sử dụng túi đựng rác, thùng rác riêng, không để trộn lẫn với các vật dụng khác. Đóng gói bịch rác, đặt vào một túi chất dẻo, F0 không nên chạm đến trong vòng 24 giờ, sau đó loại bỏ túi rác.

Bác sĩ Thành lưu ý F0 cần đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày, có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo liều lượng khuyến cáo. Không dùng thuốc kháng viêm như ibuprofen khi không có lời khuyên của bác sĩ. Liên lạc y tế địa phương ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ trở nặng.

Theo bác sĩ Thành, F0 cần tránh tiếp xúc người khác, giữ khoảng cách hai mét với những người xung quanh và giới hạn trao đổi dưới 15 phút. Không đón tiếp người ngoài tại chỗ ở, ngoại trừ người chăm sóc và giúp đỡ. Thường xuyên rửa tay, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng và mặt. Sử dụng khăn tay rồi vứt bỏ ngay nếu như ho hay chảy mũi.

Nếu ở một mình, nên nhờ những người thân (gia đình, bạn bè, hàng xóm) giao thuốc men, mua thực phẩm hay bữa ăn. Đề nghị đặt gói hàng, thức ăn trên bậc thềm để hạn chế tiếp xúc.

Hiện, TP HCM áp dụng cách ly tại nhà với F0 mới phát hiện tại cộng đồng, đủ các điều kiện theo quy định. Đây là những người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không suy hô hấp, chỉ số SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút, dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì.

Với quy định mới nhất của Sở Y tế TP HCM, F0 cách ly tại nhà phải đáp ứng điều kiện như có phòng riêng, có cửa sổ thông thoáng, nhà vệ sinh riêng, số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế và Tổ phản ứng nhanh (quận, huyện) để liên hệ khi cần thiết. Trước cửa phòng cách ly có bàn hoặc ghế để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết, có thùng rác cá nhân với nắp và túi rác đi kèm. F0 có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế.

Để kịp thời hỗ trợ cho những F0 tự cách ly tại nhà trong các tình huống khẩn cấp, thời gian qua UBND TPHCM đã giao các quận, huyện, TP Thủ Đức thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, lực lượng công an, đoàn thanh niên... Mỗi khi có F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng, cần cấp cứu, các đội phản ứng nhanh sẽ kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc, chuyển viện nếu cần thiết.

Ngoài ra, đội y tế lưu động thuộc trạm y tế sẽ đến thăm khám tại nhà các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn như người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần... để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

F0 có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở, được hướng dẫn liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài 1022, bấm số 3 để được tư vấn từ Hội Y học TP HCM, hoặc số 4 để được tư vấn từ Thầy thuốc đồng hành.

Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở (biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần một phút), li bì, lừ đừ, tím tái môi, đau chi, SpO2 < 95%, liên hệ ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

F0 được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc PCR) vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.

Tình nguyện viên tiếp tế nhu yếu phẩm cho gia đình trong khu phong toả trên đường Vườn Chuối (quận 3), ngày 30/7. Ảnh: Quỳnh Trần.
comment Bình luận