Đừng dại mà hít khói nhang

Bạn ở trong môi trường lúc nào cũng “khói tỏa” mù mịt thì hãy dè chừng. Nhất là khi công nghệ ướp tẩm, se nhang không còn “nguyên sơ” như lúc trước mà đã trở thành công nghệ với nhiều hóa chất tạo mùi.
10:03 | 19/02/2019

\"Họ hàng\" nhà nhang

Nhang là một thứ không thể thiếu trong đời sống của chúng ta. Một nén nhang thắp lên bàn thờ tổ tiên, ông bà để tỏ lòng biết ơn vào mỗi dịp giỗ chạp, cưới xin. Một nén nhang tiễn biệt như giúp người vừa qua đời ấm áp hơn nơi chín suối. Đặc biệt vào những ngày rằm, dịp tết, hầu như nhà nào cũng phảng phất khói nhang. Và không chỉ thắp nhang cho tổ tiên, ông bà, cho người thân đã khuất mà nhiều người còn lên chùa thắp nhang, cầu nguyện một năm đầy an bình, tấn tài, tấn lộc... Cảm giác đặc biệt khi thắp lên một nén nhang trầm sẽ khiến tâm hồn bạn thanh thản hơn.

Tuy nhiên, “cội nguồn của cảm xúc” - khói nhang nhiều khi lại chứa các thành phần hữu cơ gây hại cho hệ hô hấp cũng như phổi của bạn. Nếu thắp chút ít có thể chẳng hề chi, nhưng nếu bạn ở trong môi trường lúc nào cũng “khói tỏa” mù mịt thì hãy dè chừng. Nhất là khi công nghệ ướp tẩm, se nhang không còn “nguyên sơ” như lúc trước mà đã trở thành công nghệ với nhiều hóa chất tạo mùi có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

\"dung
Khói nhang nhiều khi lại chứa các thành phần hữu cơ gây hại cho hệ hô hấp cũng như phổi của bạn.

Hiện nay, nhang được chế tạo đủ kiểu dáng: cây, khoanh, bột, miếng... đến đa dạng màu sắc: vàng, nâu, tím, xanh... Một nén nhang cơ bản có thành phần cấu tạo chính gồm: bột quế trộn với các loại vỏ, rễ, nhựa và dầu của những cây có mùi thơm, đặc biệt là hương trầm kích thích sự hưng phấn của con người. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, những nhà kinh doanh tạo thêm mùi hấp dẫn trong thanh nhang. Thậm chí, có người còn loại bỏ những thành phần chính của nó (bởi mất nhiều thời gian để gia công như giã vỏ cây, lấy tinh chất) và thay vào đó bằng mùn cưa (bột gỗ) phế phẩm, tạp chất tạo mùi hương... Một nén nhang được bán trên thị trường hiện nay thường kết hợp nhiều thành phần hóa học gồm 21% mùn cưa và dược thảo, 35% hương liệu, 11% bột keo và 33% que tre.

Phía sau những làn khói thơm...

Trừ khâu làm nguyên liệu bột nhang, khâu gia công thành phẩm dễ dàng hơn: chẻ tre thành từng cây nhỏ, nhúng một phần đầu tre vào dung dịch keo hoặc hồ, sau đó lăn nhang qua hỗn hợp bột, hương liệu. Quá trình này lặp lại hai lần và nhang sẽ được phơi khô sau khi hoàn tất các công đoạn trên. Thông lệ, nhiều người khi thắp nhang thường sử dụng ba nén (hoặc hơn nếu có nhiều bàn thờ). Thời gian để một nén nhang tàn kéo dài từ 50-90 phút. Khi cháy, khói nhang tỏa ra kèm theo nhiều mùi thơm dễ chịu. Tuy nhiên, ít ai ngờ đến sự độc hại của khói nhang nằm ở ba thành phần chính: PM (vật chất dạng hạt), khí gas và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Mỗi “kẻ xấu” lại chứa trong mình những độc tố tác hại cho đường hô hấp của con người như: vật chất dạng hạt (có thể hiểu nôm na là bụi và các dạng vật chất khác liên quan đến bụi), khí gas thải ra từ khói nhang chứa CO, CO2, NO2, SO2 và các khí khác, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi lại cho ra đời benzene, toluene, xylene, aldehyde và PAH (hợp chất hữu cơ thơm mạch vòng).

Tương tự như việc hút thuốc lá thụ động, chất ô nhiễm thải ra từ khói nhang, tồn tại trong môi trường kín sẽ gây hại vô cùng đối với sức khỏe con người. Những “kẻ xấu” đề cập phía trên không chỉ độc cho phổi, mà còn gây dị ứng da, mắt và hệ hô hấp. Tuy chưa có nghiên cứu trực tiếp cho thấy khói nhang có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, nhưng một số nghiên cứu dịch tễ đã phát hiện ra những chất độc hại trên có liên đới đến các triệu chứng bệnh.

Particulate matter (PM): Môi trường xung quanh con người không chỉ bị ô nhiễm bởi khói nhang nên khó xác định rõ “thủ phạm” gây bệnh. Tuy nhiên, nghiên cứu dịch tễ cho thấy có sự liên kết từ bụi khói nhang với nhiều căn bệnh như rối loạn chức năng phổi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp... Nghiên cứu về Chuẩn không khí cho bụi của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, cho thấy việc hấp thụ bụi trong khoảng 2,5-10Mm (PM10-2,5) có thể gây cho chúng ta khó thở.

Carbon monoxide (CO): Là một khí độc không có mùi và không thể thấy hoặc ngửi được. Carbon monoxide được tạo ra trong quá trình đốt cháy các chất hữu cơ như hydrocarbon, gỗ, nhang, thuốc lá, khí đốt (gas), dầu nhớt, than... Khi hít phải không khí có CO, haemo-globin (huyết sắc tố) trong cơ thể con người sẽ kết hợp với CO tạo ra carboxyhemoglobin, làm hãm khả năng vận chuyển ô-xy của máu. Hấp thụ CO với hàm lượng ít sẽ gây chóng mặt, mỏi mệt, buồn nôn... ngược lại khi hấp thụ hàm lượng cao sẽ gây đột tử trong vài phút.

\"dung

Sulfur dioxide (SO2) and nitrogen dioxide(NO2): Tác động của SO2 và NO2 có thể gây giảm hiệu quả làm việc, tăng nguy cơ tim mạch, ảnh hưởng đến các chức năng của phổi, dị ứng phổi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và thay đổi hệ thống bảo vệ phổi. Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (Volatile organic compounds - VOC): Triệu chứng trước mắt khi hấp thụ phải những hợp chất này là đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, khô họng, tắt tiếng, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn... Về lâu dài, người hấp thụ khói nhang trong một thời gian dài có thể gặp những nguy cơ như: ung thư, hư gan, suy thận và hủy hoại hệ thần kinh trung ương...

Ngoài ra hợp chất dễ bay hơi cũng liên hệ đến nguy cơ về máu huyết, gây tăng các tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, chất aldehyde có trong nhóm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi còn có “công năng” gây dị ứng da, ngứa... Theo cơ quan Độc tính và Bệnh tật Hoa Kỳ, chất toluene gây ra nhiều chứng nhức đầu, lẩn thẩn và kém trí nhớ. Xylenes cũng gây nhức đầu, choáng váng, rối loạn, làm mất thăng bằng, ngứa da, ngứa mắt, ngứa mũi, cổ họng, khó thở. Ngoài ra, mùn cưa có trong nhang chưa hoặc đã thắp chứa độc tố formaldehyde sẽ “tung hoành ngang dọc” khi gặp môi trường nước trong khoang mũi.

Dù vẫn chưa có nghiên cứu chính thức về tác hại của các loại khói nhang, nhưng chắc chắn bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể mình khi bước vào một môi trường ngập tràn khói nhang. Nếu trong nhà đốt quá nhiều nhang, trẻ con dễ bị chảy nước mắt sống. Vì vậy, hãy cẩn thận bạn nhé!

Phòng tránh hít phải khói nhang

Để bảo vệ lồng ngực cũng như hệ hô hấp của mình, bạn nên hạn chế việc thường xuyên đến các môi trường có khói nhang hoặc tránh thắp quá nhiều nhang cùng một lúc. Tránh thắp nhang gần khu vực có trẻ nhỏ, người già bởi hai đối tượng này có cơ địa rất mẫn cảm, sức đề kháng yếu, dễ bị chảy nước mắt, ho và nhức đầu. Tuyệt đối không thắp nhang ở nơi kín gió, bạn nên mở rộng tất cả các cửa, tạo môi trường thông thoáng cho các độc tố bay hơi ra ngoài.

Lập bàn thờ ở những nơi thông thoáng gió, trên cao. Sử dụng quạt trần thổi khói nhang ra ngoài ngay sau khi đốt. Hạn chế mức độ lan tỏa khói độc của khói nhang bằng cách sử dụng nhang ngắn ở mức ½ cây bình thường. Không nên mua nhang có nhiều mùi thơm hấp dẫn bởi những “nàng hương” đó chỉ là hóa chất tạo mùi. Hạn chế chất độc từ khói nhang tích tụ trong cơ thể người thân gia đình bạn bằng cách giảm số lượng nhang đốt hằng ngày. Sau khi cúng ngoài trời, bạn nên để nhang tàn hẳn, sau đó hãy dọn dẹp, đưa bát nhang vào nhà nhằm hạn chế tình trạng khói nhang tụ lại trong nhà.

comment Bình luận