Doanh nghiệp 'vạch trần' dấu hiệu 'khuất tất' trong việc đấu thầu trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 tại CDC Thừa Thiên Huế

Liên quan đến việc đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 do do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC Thừa Thiên Huế) làm chủ đầu tư, Công ty CP Dược liệu và Công nghệ Y tế Đ.T cho rằng đã có những dấu hiệu khuất tất cần phải được làm rõ, tránh tổn thất ngân sách Nhà nước, tiền của nhân dân.
8:47 | 11/11/2021

Tại sao CDC tỉnh Thừa Thiên Huế bỗng thay đổi sản phẩm đấu thầu gần phút chót?

Theo phản ánh của Công ty Cổ phần Dược liệu và công nghệ y tế Đ.T, trước đây, Công ty từng trúng gói thầu số 2 mua sắm trang phục phòng chống dịch thuộc Dự án mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 theo Quyết định 548/QĐ-SYT ngày 21/6/2021 của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Gói thầu này bao gồm bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ 2, thương hiệu Danameco - Việt Nam và bộ trang phục chống dịch cấp 4 thương hiệu Lakeland- Mỹ. Công ty đã cung ứng đầy đủ hàng hóa, đảm bảo theo chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định 2252/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục, kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp đợt 3. Cụ thể, đợt này gồm 8 gói thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn. Chủ đầu tư thực hiện việc mua sắm là CDC Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư là hơn 18,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp y tế năm 2021.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (CDC tỉnh Thừa Thiên Huế)

CDC Thừa Thiên Huế được UBND tỉnh giao chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề xuất và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; thực hiện đàm phán, thương thảo với nhà cung ứng về giá vật tư, đảm bảo tiết kiệm ngân sách.

Công ty Đ.T cho hay, một số vật tư, trang phục phòng, chống dịch trong đợt mua sắm do CDC Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư đã có sự thay đổi về cấu hình, không phù hợp với gói thầu đã đấu thầu công khai trước đó. Cụ thể:

Bộ trang phục bảo hộ chống dịch cấp độ 4 đã bị thay đổi các thành phần như: Khẩu trang N95:3M- Mỹ đổi thành N95-Pháp

Bao giày Danameco- Việt Nam đổi thành Thời Thanh Bình- Việt Nam

Găng tay HTC- Việt Nam đổi thành Merufa- Việt Nam

Kính bảo vệ Polison Corporation- Đài Loan đổi thành Sugie- Đài Loan…

Tất cả sự thay đổi thành phần này, Công ty Đ.T cho rằng đều không rõ lý do và có những dấu hiệu bất thường.

Mặt khác, dù Công ty Đ.T đã từng trúng thầu mua sắm trang phục phòng chống dịch Covid-19 trước đó nhưng lại không nhận được thông báo để đàm phán, thương thảo về giá cả đợt mua sắm này. Ngoài ra, doanh nghiệp này có thể giảm 20-30% so với giá trúng thầu trước đó và có thể giảm đến mức lợi nhuận thấp, hoặc không lợi nhuận, nhưng vẫn không được chủ đầu tư lựa chọn.

"Công ty Đ.T có nhiều ưu thế trong chỉ định thầu, lại không được thông báo về đàm phán, thương thảo về giá cả. Trong khi chủ đầu tư lại chỉ định thầu cho các nhà thầu đưa ra giá cao hơn?", đại diện Công ty Đ.T cho biết.

Nếu xét về giá thấp nhất để phục vụ công tác chống dịch thì Công ty Đ.T đã có bộ sản phẩm trang phục phòng chống dịch thương hiệu Phú Quý với mức 65.000 đồng/bộ. Đây là mức giá thấp hơn tất cả mức giá các nhà thầu khác đưa ra và bộ trang phục Phú Quý hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, tiết kiệm cho dân nhưng vẫn không được chủ đầu tư lựa chọn.

Tại sao lại chọn đơn vị cung cấp có giá cao hơn?

Phản hồi về "những điều khuất tất" trên, ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế và ông Lê Hữu Sơn - Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu của cơ quan này đã có câu trả lời cụ thể trên báo Dân Việt.

Ông Sơn cho biết: "Có nghĩa là hồ sơ trước đó thế nào thì tôi hoàn toàn không biết, tôi chỉ chọn dựa trên các tiêu chuẩn đã có và tất cả các tiêu chuẩn này đã được Sở Y tế thông qua". Có nghĩa ông Sơn không nắm rõ việc thay đổi cấu hình một số vật tư, trang phục phòng, chống dịch trong đợt mua sắm do CDC tỉnh làm chủ đầu tư so với gói thầu đã được Sở Y tế đấu thầu công khai trước đó. Nguyên nhân của việc này theo ông Sơn là do tổ chuyên gia đấu thầu mới được thành lập gần đây.

Về phía ông Đức, việc thay đổi cấu hình trang phục phòng chống dịch là do người sử dụng lựa chọn. Theo ông, Sở Y tế tỉnh đã họp hội đồng, mời đại diện 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tham gia. Trên cơ sở đánh giá sản phẩm nào phù hợp nhất cho người sử dụng và giá cả thì hội đồng lựa chọn sản phẩm đó.

Về phản ánh bộ sản phẩm áo quần bảo hộ thương hiệu Phú Quý của Công Đ.T cung cấp với giá 65.000 đồng/bộ, thấp hơn giá tất cả các nhà thầu khác, nhưng chủ đầu tư lại lựa chọn bộ mang thương hiệu Đức Minh của doanh nghiệp khác có giá cao hơn, ông Lê Hữu Sơn giải thích mặc dù giá của Công ty Đ.T đưa ra là thấp nhất nhưng do bộ mang thương hiệu Đức Minh có chất lượng vải tốt hơn.

Về việc Công ty Đ.T phản ánh không được thông báo để đàm phán, thương thảo về giá cả, ông Sơn nói rằng theo quy định chỉ định thầu rút gọn chỉ cần tối thiểu 3 báo giá và ông đã gửi thông báo cho 8 đơn vị.

"Có thể mình không biết họ (Công ty Đ.T- PV), bởi vì mình là người mới, lần đầu tiên mình tham gia trong xét thầu… Chỉ định thầu rút gọn là hoàn thành nhanh, tìm cái giá tốt nhất. Chỉ định thầu rồi mà gửi cả trăm nhà thầu trên địa bàn Huế này làm sao gửi được…", ông Sơn trình bày.

Ngay sau đó, đại diện Công ty Đ.T phải hồi khẳng định nội dung giải thích của CDC tỉnh không thuyết phục. Theo đại diện Công ty Đ.T, trên thực tế bộ trang phục phòng chống dịch mang thương hiệu Đức Minh chưa từng được sử dụng ở Thừa Thiên Huế nên không có cơ sở để đánh giá rằng sản phẩm này chất lượng hơn sản phẩm mang thương hiệu Phú Quý (?). Đồng thời, việc không thông báo để đàm phán, thương thảo về giá cả với Công ty Đ.T, đại diện Công ty Đ.T cũng khẳng định lý do của DCD là những lý do chưa thuyết phục.

Năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất nhà thầu quyết định giá trị gói thầu

Liên quan tới các vụ sai phạm trong đấu thầu và mua sắm trang thiết bị y tế gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng tới người bệnh và khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành y tế vướng vòng lao lý hai năm trở lại đây, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm:

PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ sự đau lòng trên báo Sài Gòn Giải Phóng: Cần cơ chế minh bạch về mua sắm trang thiết bị, thuốc men. Một lãnh đạo bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý, khiến chúng ta hết sức đau lòng. Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững nguyên tắc quản lý, các quy định chồng chéo hiện nay. Do vậy, rất cần các cơ chế rõ ràng về mua sắm trang thiết bị, thuốc men. Tốt nhất là nên tách rời chuyên môn.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Rà soát lại quy định liên quan đến đấu thầu. Những vụ án xảy ra như ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội hay Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) không chỉ khiến giới y khoa lo lắng mà còn khiến người dân thực sự hoang mang và bất bình. Đối với ngành y, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế là do chúng ta phân cấp phân quyền cho các cơ sở y tế để họ chủ động trong việc mua sắm thiết bị cũng như thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm…; vô hình trung đã giao cho họ cái quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”, dễ xảy ra tiêu cực. Ngay cả việc đấu thầu rộng rãi còn xảy ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thao túng giá, thì đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu chính là cơ hội để một số lãnh đạo bệnh viện không giữ được mình trước quyền lợi lớn, trở nên tự tung tự tác.

Ngành y tế cần rà soát lại quy định của pháp luật liên quan đến cơ chế đấu thầu thuốc, thiết bị y tế để tránh trường hợp các cơ sở y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc vừa khám chữa bệnh vừa mua vật tư y tế, thuốc men là điều không bình thường. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra cần tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm pháp luật trong ngành y tế.

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Tứ - Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhận định trên báo Dân Việt: "Công ty Đ.T trước đó đã từng trúng gói thầu số mua sắm trang phục phòng chống dịch thuộc Dự án mua sắm vật tư, hóa chất, trang phục phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 theo quyết định của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, giá sản phẩm do Công ty Đ.T cung cấp cũng thấp hơn giá tất cả các nhà thầu khác, điều này góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm có sẵn của Công ty Đ.T, công ty này cần được chủ đầu tư ưu tiên để chỉ định thầu. Vì vậy, những phán ánh của Công ty Đ.T về việc tổ chức đấu thầu của CDC Thừa Thiên Huế là có cơ sở để xem xét".

Chỉ định thầu rút gọn có cần hồ sơ yêu cầu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ – CP quy định thì chỉ định thầu rút gọn sẽ không cần phải lập hồ sơ yêu cầu như chỉ định thầu thông thường mà theo đó phải thực hiện gửi cho bên nhà thầu dự thảo hợp đồng, trong đó hợp đồng phải xác định yêu cầu về phạm vi công việc, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian để thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo cũng như hoàn thiện hợp đồng.

Như vậy, chỉ định thầu rút gọn sẽ không cần phải lập hồ sơ yêu cầu như chỉ định thầu thông thường mà được thực hiện như sau: Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu, trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.

Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu.

Việc thực hiện gói thầu mua sắm trang phục phòng chống dịch thuộc trường hợp chỉ định thầu rút gọn. Công tác lựa chọn và chỉ định nhà thầu theo thủ tục rút gọn do chủ đầu tư quyết định căn cứ vào tiêu chí nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đang chỉ định thầu. Đây được xem là tiêu chí quan trọng đầu tiên để được chỉ định thầu.
comment Bình luận