Doanh nghiệp dính trong vụ ‘thổi giá’ Bệnh viện Bạch Mai từng bán thiết bị phẫu thuật nội soi cho BV Ung bướu TP.HCM

Trước khi ông Phạm Đức Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam vài tháng, Công ty BMS có trúng gói thầu cung cấp thiết bị phẫu thuật nội soi cho Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh trị giá gần 32 tỷ đồng.
7:00 | 03/02/2021

Trước khi ông Phạm Đức Tuấn bị khởi tố bắt tạm giam vài tháng, Công ty BMS có trúng gói thầu cung cấp thiết bị phẫu thuật nội soi cho Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh trị giá gần 32 tỷ đồng. Ảnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Zing.

 

Doanh nghiệp câu kết với lãnh đạo BV “thổi giá” thiết bị y tế

Tháng 9/2020, Báo Chính phủ có bài viết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Quốc Anh, SN 1959, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, SN 1960, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (gọi tắt là Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, tiếp tục mở rộng điều tra sai phạm của các cá nhân khác có liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật và thu hồi tài sản.

Khởi tố nhiều nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai trong vụ liên quan Công ty B.M.S

Trước đó, ngày 31/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS). Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo Bộ Công an, Phạm Đức Tuấn bị khởi tố để điều tra vụ việc liên quan đến hành vi, thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh. Theo đó, số tiền các đối tượng chiếm đoạt được xác định lên đến trên 10 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, hệ thống thiết bị robot Rosa khi được nhập khẩu chỉ có trị giá 7,4 tỷ đồng, nhưng khi triển khai liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, thiết bị này được thổi giá lên đến 39 tỷ đồng. Với việc nâng khống giá trị máy lên gấp hơn 5 lần khi nhập khẩu, cơ quan điều tra xác định, khi thực hiện đề án - Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã tính giá và thu của bệnh nhân số tiền cao gấp hơn 5 lần số tiền mà đáng ra người bệnh phải trả. Như ca bệnh này, tính riêng chi phí phẫu thuật và vật tư kỹ thuật khi mổ bằng robot đã lên đến hơn 107 triệu đồng. Kèm với các chi phí khác, chi phí ca mổ đẩy lên gần 150 triệu.

Theo thống kê, từ năm 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã phẫu thuật cho hơn 500 ca mổ bằng robot.

Ngoài robot Rosa, từ năm 2017, BMS còn thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết với BV Bạch Mai qua việc lắp đặt robot hỗ trợ Mako trong phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối tại khoa chấn thương chỉnh hình và cột sống. Theo hợp đồng, tổng giá trị đầu tư thiết bị robot Mako là 44 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn. Thời hạn liên kết là 7 năm (đến năm 2024), sau khi trừ thuế thu nhập và các chi phí chung, công ty được chia lợi nhuận 50% và BV hưởng 50%. Tuy nhiên, thiết bị này khi nhập về qua khai báo hải quan chỉ có giá hơn 23 tỉ đồng. Theo ước tính trong năm 2017 - 2018, BV Bạch Mai và BMS đã thu lãi từ thiết bị này hàng trăm triệu đồng chia nhau.

Hệ sinh thái “siêu khủng” mang tên: BMS

Hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế liên quan đến Công ty CP Công nghệ y tế BMS khá phức tạp. Tuy nhiên, có 03 doanh nghiệp trực tiếp gắn thương hiệu “BMS”, bao gồm: Công ty CP Công nghệ y tế BMS, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế BMS, và Công ty TNHH Trang thiết bị y tế B.M.S. Các doanh nghiệp này đều do người trong gia đình ông Phạm Đức Tuấn giữ vị trí chủ chốt.

Với Công ty CP Công nghệ y tế BMS do bị can Phạm Đức Tuấn là Chủ tịch HĐQT, khi bị Cơ quan Công an điều tra thì tới tháng 6/2020 đã đổi tên thành Công ty CP Năng lượng và Giá trị Cuộc sống.

Còn Công ty TNHH Trang thiết bị y tế B.M.S thành lập năm 2001, đặt trụ sở tại 433/19 Sư Vạn Hạnh (nối dài), phường 12, quận 10, TPHCM. Doanh nghiệp này do bà Phạm Thị Thanh Thủy (SN 1973) - chị ruột của bị can Phạm Đức Tuấn - làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Được biết, bà Phạm Thanh Thủy trước đó từng được bình chọn là một trong những “Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2013 - Cúp Bông hồng Vàng”.

Một doanh nghiệp nữa gắn trực tiếp thương hiệu “BMS” là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế BMS. Doanh nghiệp này thành lập năm 2006, đặt trụ sở chính tại phòng 2408, nhà 34T, phố Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hiện do bà Phạm Thị Tú Oanh (SN 1975) làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Tìm hiểu cho thấy, bà Phạm Thị Tú Oanh còn biết đến với vai trò là Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Hà Nội và đã từng được bình chọn là một trong ba "Bông sen vàng Thủ đô" trong cuộc thi Bông sen vàng Thủ đô 2017 do Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội – HNEW phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và VCCI đồng tổ chức.

Trong nhóm doanh nghiệp “BMS” này, cả Công ty CP Công nghệ y tế BMS và Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS đều thường xuyên trúng các gói thầu cung cấp vật tư y tế cho hàng loạt bệnh viện lớn khu vực phía Nam. Như trúng các gói thầu tại Bệnh viện Quân y 13, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Thống nhất Đồng Nai, Bệnh viên Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi...

Thậm chí, nhóm doanh nghiệp “BMS” này còn sở hữu Nhà máy sản xuất túi ép tiệt trùng, bao bì y tế cung cấp cho nhiều bệnh viện trên cả nước.

"Họ" doanh nghiệp thương hiệu “BMS” còn có Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh và Công ty CP Y tế Thành Ân cũng hoạt động rất mạnh trên thị trường cấp vật tư, thiết bị y tế vào các bệnh viện lớn.

Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh thành lập năm 2008, trụ sở tại đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Doanh nghiệp này cũng do bị can Phạm Đức Tuấn giữ vai trò Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Tại thời điểm tháng 7/2017, Phạm Đức Tuấn nắm giữ 66,67% cổ phần, còn lại bố ruột của Phạm Đức Tuấn là ông Phạm Hồng Nghĩa (SN 1945) sở hữu 16,67% cổ phần và mẹ của Phạm Đức Tuấn là bà Cao Thị Chuyên nắm giữ 16,67% cổ phần Công ty CP đầu tư Tuấn Ngọc Minh.

Tháng 3/2020, Liên danh Công ty CP Công nghệ y tế BMS và Công ty CP Đầu tư Tuấn Ngọc Minh đã trúng gói thầu vật tư thay thế thuộc dự án "Phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua vật tư y tế năm 2020" tại Bệnh viện thể thao Việt Nam, với giá trúng thầu lên tới 68,4 tỷ đồng (giá gói thầu 68,44 tỷ đồng).

Còn Công ty CP Y tế Thành Ân thành lập năm 2012, trụ sở chính tại 449/62 Sư Vạn Hạnh (nối dài), P.12, Q.10, TPHCM do ông Phạm Hồng Nghĩa làm Giám đốc. Công ty do 04 cổ đông góp vốn thành lập. Thời điểm tháng 5/2020, ông Phạm Hồng Nghĩa chỉ sở hữu 10% cổ phần, cá nhân Lê Nguyễn Tường Vi sở hữu 9,09% cổ phần, còn lại ông Nguyễn Mạnh Tuấn sở hữu 80,91% cổ phần.

Ngoài ra, trong Hệ sinh thái này cần phải nhắc đến cặp vợ chồng doanh nhân Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1971) và bà Phạm Thị Tú Oanh (SN 1975).

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Tuấn được nhiều người biết đến với vai trò Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà. Tuy nhiên, trong “hệ sinh thái BMS”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn là cổ đông quan trọng, khi nắm giữ số cổ phần lớn, hay trực tiếp quản lý doanh nghiệp trong nhóm BMS. Chẳng hạn như tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế BMS, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và vợ mình là bà Phạm Thị Tú Oanh là 02 cổ đông góp vốn sáng lập; tại Công ty CP Y tế Thành Ân ông Nguyễn Mạnh Tuấn nắm giữ tới 80,9% cổ phần, thậm chí vị này còn đại diện theo pháp luật của Công ty CP thiết bị y tế TDM.

Như vậy có thể thấy, thương hiệu “BMS” là doanh nghiệp lớn trong thị trường cung cấp vật tư, thiết bị y tế. Nhóm doanh nghiệp này đã đưa nhiều vật tư, thiết bị y tế vào hàng loạt bệnh viện lớn tại các miền trên cả nước nhiều năm nay chủ yếu thông qua phương thức đấu thầu.

Gói thầu 32 tỷ đồng tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh

Theo tìm hiểu của phóng, trước khi ông Phạm Đức Tuấn bị khởi tố bắt tạm giam vài tháng, Công ty BMS có trúng gói thầu cung cấp thiết bị phẫu thuật nội soi cho Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh trị giá gần 32 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 11/06/2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (TP.HCM) phê duyệt cho Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS trúng gói thầu “25b: Cung cấp và lắp đặt Thiết bị phẫu thuật nội soi”, trong Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh với giá trúng thầu là 31.970.500.000 đồng.

Chưa rõ, gói thầu này đã bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra hay chưa.

Được biết, cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu TP (phường Tân Phú, quận 9) là bệnh viện hạng I với quy mô 1.000 giường bệnh có những kỹ thuật cao ngang tầm khu vực được đầu tư với tổng kinh phí hơn 2.311 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí dự phòng khối lượng phát sinh).

Tháng 6/2016, công trình được khởi công xây dựng, Nhà thầu thi công xây lắp và cung cấp thiết bị xây dựng cam kết thực hiện đúng tiến độ đưa công trình vào hoạt động, phục vụ người bệnh vào tháng 10/2017. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, các hạng mục công trình liên tục chậm tiến độ.

Từ thực trạng trên, tháng 5/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Sở Y tế. Quá trình thanh tra không chỉ khẳng định công trình bị chậm tiến độ kéo dài mà còn phát hiện hàng loạt sự cố ở các hạng mục xây dựng.

Theo kết luận thanh tra, việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa phù hợp dẫn tới giá trị dự toán được duyệt sai tăng thêm gần 105 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu thanh toán cũng sai sót dẫn đến thanh toán sai với số tiền gần 1,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc sai sót trong xây lắp, thi công và quản lý chất lượng khiến vách hầm tầng 2 của công trình bị nứt, thấm tại nhiều vị trí chưa được xử lý, có một số vết nứt dài từ sàn đến hết chiều cao tầng hầm.

Nghiêm trọng hơn, vị trí bể lắng phóng xạ vách bị cong, phông; phòng xạ trị LINAX toàn bộ vách tường tại trục HH bị nứt, thấm và cong phồng. Phòng HDR vách bị phồng, chân vách tại vị trí sàn bị lõm, không tạo thành mặt phẳng.

Sau đó, Sở Y tế TP đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu lập lại dự toán, điều chỉnh giảm số tiền hơn 94 tỷ đồng.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (TP.HCM) hiện nay là ông Võ Đức Thanh.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

comment Bình luận