Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Với diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh COVID-19, việc xem xét các kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó khủng hoảng là điều quan trọng với mỗi doanh nghiệp.
8:53 | 20/03/2020
Trong quá trình khắc phục với khủng hoảng của dịch bệnh, doanh nghiệp cần có những chiến lược cụ thể, rõ ràng và đảm bảo đạt được hiệu quả. Cùng tìm hiểu sâu hơn về quá trình chuẩn bị và thực hiện một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh trong thời điểm bùng phát của dịch bệnh COVD-19.


1. Giao tiếp


Giao tiếp là một hoạt động giúp doanh nghiệp xây dựng và giữ được mối quan hệ thân tình với đội ngũ, với khách hàng, với đối tác, với nhà cung cấp. Nhưng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hiện nay thì tất cả mọi người đều ngại giao tiếp, nhất là đến những chỗ đông người, hoặc gặp gỡ trực tiếp.

Vậy chủ doanh nghiệp cần có các chiến lược và phương pháp cụ thể để hoạt động giao tiếp vẫn diễn ra với đội ngũ, khách hàng, mạng lưới các mối quan hệ, nhà cung cấp, các bên liên quan, cộng đồng,… để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Đối với đội ngũ tại doanh nghiệp, có thể áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, sát khuẩn nơi làm việc, sử dụng nước khử trùng. Với khách hàng, nhà cung cấp, mạng lưới mối quan hệ, cộng đồng thì có thể áp dụng các phương pháp giao tiếp qua điện thoại, tin nhắn, hay online qua mạng xã hội hay các công cụ họp trực tuyến,…


2. Giữ thái độ tích cực


Thông thường trong giai đoạn này thì mọi người nói chung và các chủ doanh nghiệp cũng vậy, họ rất hoang mang và lo lắng rằng liệu đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu? Sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước và quốc tế trong bao nhiêu lâu nữa?

Nhưng dù bạn có lo lắng và hoảng loạn thì cũng không giúp gì cho bạn và doanh nghiệp bạn trong lúc này. Và tốt nhất mỗi chủ doanh nghiệp hãy luôn giữ thái độ tích cực và đặt câu hỏi xem, doanh nghiệp cần tập trung vào điều gì thì sẽ tốt cho giai đoạn hiện nay? Chúng ta hãy chia ra thành những hành động nhỏ nhất mỗi giờ trong từng bộ phận, trong từng phòng ban và cho từng cá nhân, cụ thể như chúng ta có thể cải thiện quy trình nào, cải thiện hoạt động nào thì sẽ tốt và chúng ta cần làm điều gì để tìm kiếm lợi ích và lợi nhuận cho doanh nghiệp?
 
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Và nếu như chúng ta biết ít thông tin hơn thì có thể sẽ tốt hơn và sẽ giúp chúng ta luôn vui vẻ tích cực hơn. Vì hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có qua nhiều thông tin trái chiều khác nhau.

Là chủ doanh nghiệp chúng ta cần lạc quan và giữ thái độ tích cực để dẫn dắt những người xung quanh, đặc biệt là đội ngũ, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác của doanh nghiệp. Hãy giúp họ cùng tích cực cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng và làm sao để cùng nhau vượt qua những thách thức trong giai đoạn này. Trong cuộc khủng hoảng, hãy tích cực, lạc quan để nhận thức được sự nguy hiểm và nhận ra các cơ hội cũng đang ở xung quanh mỗi chúng ta.


3. Nắm rõ chu kỳ


Trong hoạt động kinh doanh, người chủ doanh nghiệp cũng cần phải nắm rõ chu kỳ của sản phẩm và hoạt động của doanh nghiệp mình, cũng như chu kỳ đi lên đi xuống của thị trường. Theo chu kỳ của tự nhiên chúng ta có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Nếu anh chị muốn gặt vào mùa hạ thì cần chuẩn bị từ mùa xuân, nếu muốn gặt vào mùa thu thì cần chuẩn bị từ mùa hạ, nếu muốn gặt vào mùa đông thì cần chuẩn bị từ mùa thu, và muốn gặt vào mùa xuân thì cần chuẩn bị từ mùa đông.
 
Có thể chu kỳ của hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, và diễn ra ở ngoài thị trường cũng khác nhau. Hãng Apple cần mất một năm để chuẩn bị cho ra mắt một phiên bản Iphone mới, để cuối năm 2020 có phiên bản Iphone 12 ra mắt tại thị trường thì Apple đã phải có thời gian chuẩn bị từ một năm trước đó.

Đại dịch COVID-19 cũng sẽ nằm trong quy luật của chu kỳ, hiện nay nước ta đang ở giai đoạn bùng phát thì đến một thời điểm nào đó cũng sẽ được kiểm soát và loại trừ hoàn toàn, lúc đó cũng là sự khỏi sắc của nền kinh tế đi lên. Vậy là chủ doanh nghiệp, chúng ta cần nhận biết và chuẩn bị điều gì cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đối với chu kỳ này?


4. Thay đổi


Người chủ doanh nghiệp trong giai đoạn này hãy thật tích cực và ngồi suy ngẫm lại xem doanh nghiệp chúng ta cần thay đổi điều gì để phù hợp với môi trường và tình hình kinh doanh hiện tại?
Có một câu nói rằng: “Hằng số duy nhất trong cuộc sống là sự thay đổi”. Chúng ta hãy thay đổi bằng cách luôn tiến lên phía trước cho dù có khó khăn xảy ra, hãy dẫn dắt sự thay đổi, hãy là người đi đầu trong doanh nghiệp để thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường.
 
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Vậy doanh nghiệp cần thay đổi những gì: sản phẩm/ dịch vụ, marketin, bán hàng, giá cả, giao hàng, nhân sự để thực sự phù hợp với giai đoạn hiện nay? Thậm chí người chủ doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận lại toàn bộ doanh nghiệp của mình xem cần tối ưu ở khâu nào, ở quy trình nào, ở bộ phận phòng ban nào hay chức năng nào hoặc thay đổi toàn bộ doanh nghiệp nếu có thể. Hãy tiến lên phía trước và dẫn dắt sự thay đổi để cho doanh nghiệp tốt hơn.


5. Cắt giảm


Cắt giảm chi phí phải là ưu tiên hàng đầu trong cuộc khủng hoảng. Điều quan trọng là giảm chi phí một cách thông minh và linh hoạt, do đó sẽ giảm thiểu hậu quả tiêu cực trong dài hạn. Trong giai đoạn này doanh nghiệp cần phải có tiền mặt để vận hành và duy trì sự phát triển. Các chiến lược để có tiền mặt hiện này là ngừng các hoạt động đầu tư và chi tiêu các nhu cầu chưa cần thiết trong doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Bạn hãy đặt câu hỏi là: có thể giảm chi phí ở đâu? Ở mảng nào, ở hoạt động nào ở bộ phận nào? Và cần thực hiện ngay hoạt động tái đàm phán với nhà cung cấp, với các bên liên quan để trả chậm hoặc cắt giảm được một phần chi phí.

Chúng ta hãy làm chậm hoặc hoãn lại mọi thứ ở trong doanh nghiệp như hoãn lại việc trả thưởng và hãy đàm phán với nhân viên để chuyển một phần lương và thưởng vào cuối năm hoặc vào thời điểm thị trường tốt và doanh nghiệp có lợi nhuận trở lại.

Nhưng có một hoạt động chủ doanh nghiệp không được làm chậm hoặc hoãn lại đó là hoạt động marketing và bán hàng. Hãy duy trì marketing và bán những sản phẩm/ dịch vụ mới để tăng lượng tiền mặt cho doanh nghiệp.
 

6. Mở rộng tín dụng


Có câu nói rằng: “Ngân hàng là nơi sẽ cho bạn vay tiền nếu bạn có thể chứng minh rằng bạn không cần nó”. Việc mở rộng tín dụng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo doanh nghiệp có nhiều nguồn tiền cho việc vận hành và marketing, bán hàng.

Hãy thực hiện ngay việc vay vốn tại các ngân hàng trong khi họ đang cho vay. Hãy tìm kiếm thêm nhiều nguồn tín dụng khác, thậm chí là nguồn từ bạn bè, người thân có nguồn tiền nhàn rỗi để tăng lượng tiền mặt nhằm giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho các giai đoạn hoạt động tiếp theo.

7. Cắt giảm/luân chuyển nhân sự

Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Một cách để giảm nhu cầu sa thải nhân sự hiện nay là cắt giảm giờ làm. Chia đều công việc cho nhiều nhân viên cũng làm để giảm thiểu chi phí nhân sự của doanh nghiệp.

Các chiến lược liên quan cho hoạt động nhân sự: cho nghỉ phép, hoặc làm bán thời gian, hoặc giảm lương bằng cách chia công việc nhở hơn để cho nhiều người cùng làm, vì có thể trong giai đoạn này một số cá nhân, bộ phận sẽ ít việc hoặc không có việc để làm trong khi một số bộ phận khác vẫn khá bận rộn. Vậy cần luân chuyển nhân sự và chia đều lượng việc cho tất cả mọi người để đảm bảo công việc được thực hiện nhanh hơn trong thời gian ngắn hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân sự của doanh nghiệp. Ngừng các chương trình thưởng và chuyển vào thời điểm thích hợp.


8. Lập kế hoạch làm việc tại nhà


Trong thời kỳ hiện này thì mọi người ngại tiếp xúc với nhau, sợ tiếp xúc trực tiếp nơi đông người nên làm việc tại nhà là một lựa chọn được nhiều các doanh nghiệp áp dụng.

Lựa chọn làm việc tại nhà khi cần thiết, thử một cách làm việc khác mà không phải thay đổi công việc, là một lựa chọn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên làm việc tại nhà thì doanh nghiệp cũng phải nghĩ đến các nền tảng công nghệ nào phù hợp cho các hoạt động báo cáo, hội họp từ xa. Và đặc biệt với khách hàng và dịch vụ khách hàng thì cần công nghệ gì để giao tiếp và duy trì mối quan hệ với khách hàng? Kể cả các giao dịch với ngân hàng, hoạt động thư tín của doanh nghiệp, và các hoạt động giao tiếp trong đội ngũ với nhau.
 
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19

Và doanh nghiệp cũng cần phải tích toán và lường trước rằng, kế hoạch làm việc tại nhà này có thể diễn ra vài tuần hoặc thậm chí vài tháng mà vẫn đảm bảo kết quả công việc được tốt và phục vụ khách hàng tốt nhất.


9. Bán hàng online/giao hàng tận nơi


Theo CNN thì ngay lập tức, hiện nay Hãng dược phẩm CVS tại Mỹ đã tiến hành việc giao hàng tận nhà các đơn thuốc cho từng khách hàng của họ do sự bùng phát của virus corona.
 
Nếu như khách hàng của bạn đang phải đến tận nơi để mua hàng thì bạn cần bổ sung và thay đổi ngay phương pháp bán hàng qua điện thoại, hoặc online và tiến hành giao hàng tận nhà cho khách hàng. Và nếu như khách hàng không đến với bạn do sự e ngại tiếp xúc nơi đông người thì bạn cần phải đến với họ và giúp họ mua được những sản phẩm tốt nhất.

Đặc biệt khi mang hàng hóa đến cho khách hàng thì cần được đóng gói rất chuẩn mực, sạch sẽ và riêng biệt. Nhân viên giao hàng cho khách hàng thì cần phải chuyên nghiệp giữ khoảng cách, sạch sẽ, sử dụng nước khử trùng để cho khách hàng cảm thấy sự yên tâm và an toàn tuyệt đối. Nếu doanh nghiệp bạn thực hiện được các chiến lược trên thì doanh nghiệp bạn sẽ dành được sự yêu quý của khách hàng và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ in đậm trong tâm trí khách hàng.


10. Marketing và bán hàng


Đối với một doanh nghiệp không quảng cáo cũng giống như nháy mắt với một cô gái trong bóng tối. Bạn biết những gì bạn đang làm nhưng không ai biết những điều bạn làm. Mặc dù đây là thời điểm khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn cần phải tiếp tục duy trì và thậm trí phải tăng thêm hoạt động marketing để đảm bảo cho việc bán hàng.
 
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19
 

Chúng ta hãy xem xét và điểu chỉnh lại giá bán, hãy đưa ra các mức giá mới và các chương trình ưu đãi tốt hơn cho khách hàng để giúp khách hàng dễ dàng mua hàng trong thời kỳ khó khăn hiện nay.


11. Kinh doanh liên tục


Nếu như doanh nghiệp của bạn duy trì lượng khách hàng mua đi mua lại sản phẩm/ dịch vụ của bạn thì thì đó là thành công của doanh nghiệp bạn vì đây là hoạt động kinh doanh liên tục. Mọi liên hệ chúng ta có với khách hàng đều ảnh hưởng đến việc họ có quay lại hay không. Chúng ta phải trở nên tuyệt vời mỗi khi giao tiếp và phục vụ khách hàng hoặc chúng ta sẽ mất họ.

Khách hàng hiện tại là khách hàng tốt nhất của doanh nghiệp. Vậy chủ doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược gì để đảm bảo hoạt động kinh doanh được diễn ra liên tục? Doanh nghiệp hãy tạo ra các giao dịch chỉ dành riêng cho từng khách hàng, những sản phẩm riêng, đóng gói riêng, dịch vụ riêng để khách hàng cảm thấy đấy là sự đặc biệt riêng, an toàn và dành riêng cho họ. Hãy có những ưu đãi thật sự tốt cho những khách hàng mua số lượng lớn và trả tiền trước. Hãy giữ những người khách hàng này bằng mọi giá, vì doanh nghiệp sẽ mất nhiều chi phí hơn khi phải đi tìm khách hàng mới.
 
Muốn hoạt động kinh doanh liên tục được diễn ra thì doanh nghiệp cần phải giao tiếp liên tục với khách hàng để hiểu rõ nhu cầu và thái độ của họ và phục vụ họ tốt hơn. Hãy dành 80% nỗ lực để giao tiếp, chăm sóc và xây dựng mối quan hệ với khách hàng, và dành 20% nỗ lực cho việc bán hàng.


12. Ý thức và lòng trắc ẩn


Điều quan trọng là hiểu được kỳ vọng thực sự của khách hàng, và sau đó không chỉ đáp ứng họ, mà còn phục vụ vượt qua mong đợi của họ. Tốt nhất là theo những cách bất ngờ và đem lại lợi ích cho họ.

Chúng ta làm điều này bằng cách nào? Đó chính là dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Nếu như trong thời kỳ khó khăn này mà doanh nghiệp vẫn làm được điều này thì khách hàng sẽ ấn tượng, biết ơn và gắn bó doanh nghiệp của anh chị.

Đối với các doanh nghiệp mà hoạt động bán hàng phải tiếp nhiều và thường xuyên với khách hàng thì những người nhân viên thực hiện cần phải sạch sẽ và không được chạm vào khách hàng. Luôn sử dụng chất khử trùng ở trong văn phòng, những nơi tiếp xúc với khách hàng để khách hàng sử dụng một cách thuận tiện nhất.

Thậm chí hãy thông báo với khách hàng rằng, doanh nghiệp, cửa hàng của bạn sẽ được phun chất diệt khuẩn 2 giờ/1 lần, như vậy sẽ làm cho khách hàng yên tâm hơn khi đến với doanh nghiệp. Hãy đặt yếu tố con người lên hàng đầu, và hãy cùng vì trách nhiệm chung tay bảo vệ cộng đồng tốt đẹp hơn.

Henry Hà Ngọc Hưng
 
Chủ tịch/TGĐ ActionCOACH BCVN
 
comment Bình luận