Điều dưỡng viên kể quá trình chăm sóc phi công người Anh: Tâm lý không ổn định vì bị cho là nguồn lây

Lúc còn tỉnh táo và nằm tại phòng cách ly áp lực âm, tâm lý nam phi công người Anh đã không ổn định. Một phần do thức ăn không hợp khẩu vị và bị áp lực khi cộng đồng đặt mình là nguồn lây chính tại ổ dịch bar Buddha
15:50 | 12/05/2020
Ông Stephen George Gallagher Cameron - phi công người Anh 43 tuổi - bệnh nhân số 91 hiện là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất cả nước. Một mình ông được 12 điều dưỡng, 4 bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 3 bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, điều trị. Các điều dưỡng nói chưa bao giờ cảm thấy áp lực như thời gian chăm sóc bệnh nhân 91, giờ chỉ mong muốn duy nhất là ông khỏe lại.
 

Áp lực tâm lý vì bị cho là nguồn lây


Đã chăm sóc cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nhưng điều dưỡng Lại Thị Hoài Thu, khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nói chăm sóc cho nam phi công người Anh là áp lực nhất.
Chị Thu nói, ấn tượng về ông Stephen cao lớn, điển trai, trông rất tri thức. Ngày nhập viện, ông ít nói, trầm tính, giao tiếp với nhân viên y tế chủ yếu qua Google dịch.
 
"Lúc cần hỗ trợ, ông ấy gọi. Khi muốn một mình, ông xua hết cả nhóm ra ngoài. Giờ chỉ mong ông khỏe lại để được xua ra ngoài như trước. Tôi chưa bao giờ nghĩ ông ấy lại trở bệnh nặng đến như vậy”, chị kể lại.
 
Điều dưỡng viên kể quá trình chăm sóc cho phi công người Anh: Tâm lý không ổn định vì bị cho là nguồ
Điều dưỡng Lại Thị Hoài Thu

Nữ điều dưỡng chia sẻ, khi còn tỉnh táo và điều trị tại phòng cách ly áp lực âm, tâm lý nam phi công đã không ổn định. Một phần do thức ăn không hợp khẩu vị và phần khác vì áp lực tâm lý khi bị cộng đồng coi là nguồn lây chính tại ổ dịch bar Buddha nên bệnh nhân hầu như không ăn uống.

Bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, 43 tuổi. Đây là ca bệnh đầu tiên kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tại ổ dịch bar Buddha (quận 2, TP.HCM). Sau 9 ngày nhập viện, bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp từ thở oxy. Hai ngày sau, bệnh nhân được chuyển sang thở CPAP (áp lực dương liên tục). Đến ngày 5/4, tình trạng suy hô hấp tăng dần, bệnh nhân được hỗ trợ thở máy xâm lấn.

Đặc biệt, nam phi công rất chịu khó tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của mình. "Ông lên mạng tìm kiếm tất cả thông tin liên quan đến Covid-19. Thậm chí, ông ấy đề nghị bất cứ can thiệp, chỉ định gì đều phải thông báo để ông được biết. Mỗi lần như vậy, phi công lại lên mạng tìm hiểu thật kỹ về các chỉ định này, sau đó mới “OK” cho nhân viên y tế điều trị", chị Thu nhớ lại.

Sau nhiều ngày được các nhân viên y tế phân tích về tình trạng sức khỏe, khi bác sĩ đề nghị gây mê vì diễn tiến xấu, bệnh nhân mới chịu đồng ý sau nhiều ngày suy nghĩ.

“Chăm sóc nam phi công lâu ngày nên mến tay mến chân. Tôi mong ông ấy mau chóng hồi phục, đó là động viên lớn nhất cho nhân viên y tế những ngày tháng qua”, điều dưỡng Thu nói.

12 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân 91


Anh Trương Nguyễn Quốc Đạt, 25 tuổi, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, được điều động hỗ trợ khoa Nhiễm D, chăm sóc cho bệnh nhân 91 từ hơn 2 tuần qua.
 
Đạt cho biết nhân lực chăm sóc bệnh nhân này chia thành 3 ca, 4 kíp trực. Mỗi ngày, các điều dưỡng vào phòng bệnh theo dõi thông số máy, soạn thuốc men, dụng cụ, vệ sinh cơ thể bệnh nhân.

Mỗi kíp trực có 4 người, trong đó 2 người vào phòng bệnh, 2 người ở vòng ngoài chuẩn bị dụng cụ, thiết bị cần thiết. Không quy định giờ giấc, tuỳ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mọi người thay phiên nhau. Ai cảm thấy mệt, khó thở, người khác vào thay.
 
Điều dưỡng viên kể quá trình chăm sóc cho phi công người Anh: Tâm lý không ổn định vì bị cho là nguồ
BN 91 được điều trị tại khoa nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

"Một mình ông ấy thôi nhưng có 12 điều dưỡng, 4 bác sĩ hồi sức của bệnh viện và 3 bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, điều trị. Lúc này, chỉ mong ông ấy có thể hồi phục”, điều dưỡng Đạt chia sẻ.
 
Bà Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân 91 nặng 100kg, mỗi kíp phải bố trí 2 người để xoay trở người bệnh, 2 người dự phòng ở buồng đệm, một người ở ngoài làm nhiệm vụ tiếp nhận dụng cụ.
 
Hơn 30 năm công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trải qua nhiều trận dịch lớn nhỏ, bà cho biết dịch COVID-19 mang đến nhiều cảm xúc rất đặc biệt.
 
“Chưa bao giờ nhân viên y tế trở thành người được yêu thương, chăm sóc như bây giờ. Cũng chưa bao giờ cả nước đồng lòng chống dịch và người làm trong ngành y được tiếp thêm sức mạnh như bây giờ. Chúng tôi áp lực vì gánh nhiều kỳ vọng nhưng cũng rất tự hào”, Trưởng phòng Điều dưỡng chia sẻ.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/05/09/Chuan-bi-phuong-an-ghep-phoi-cho-benh-nhan-phi-cong-nguoi-Anh_09052020110824.mp4[/presscloud]
 
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận