Diễn Viên Thanh Thúy chia sẻ kinh nghiệm xử lý khi trẻ nôn, trớ sữa

Trẻ bị trớ (nôn trớ) là tình trạng thường xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn các bé từ 1 – 2 tháng tuổi. Dưới đây là kinh nghiệm xử lý khi trẻ nôn, trớ sữa hữu ích từ diễn viên Thanh Thúy.
10:59 | 29/08/2019
Tổ ấm của Thanh Thuý - Đức Thịnh đang được xem như hình mẫu lý tưởng của một gia đình hạnh phúc trong showbiz. Sau khi sinh con được hơn 3 tháng, nữ diễn viên đã nhanh chóng quay trở lại với công việc của một nhà sản xuất phim. Thời gian tới, cô cũng sẽ trở lại với môn nghệ thuật thứ 7 trong vai trò diễn viên sau nhiều năm làm sản xuất. 
 
Sau khi sinh, những chia sẻ của Thanh Thuý nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ các mẹ bỉm sữa. Các video hướng dẫn của nữ diễn viên nhận được hàng trăm nghìn lượt xem.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/08/29/Thanh Thuý tư vấn những việc mẹ nên làm khi con bị ọc sữa_29082019102001.mp4[/presscloud]
Khi trẻ nhỏ bị trớ sữa, mẹ không được bế con thẳng lưng, sẽ khiến trẻ dễ sặc sữa, gây nguy cơ tử vong cao. Video: Youtube Thanh Thúy

Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ

 

Ngay khi trẻ nôn trớ, mẹ phải nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.

 

Tuyệt đối tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

Nếu trẻ bị trớ khi ngủ hãy đặt trẻ nằm yên, kê cao đầu, đồng thời luôn để thân mình phía trên của bé cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị trớ sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.

Trẻ bị trớ nhiều nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi.

 

Khi bé ngừng nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần cho uống luân phiên 50ml nước đường sau mỗi 30 phút. 
 
Trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn.
 
Sau khoảng 12 tiếng, khi bé không còn nôn trớ, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường. Nên bắt đầu với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Có thể cho trẻ ăn cháo loãng, uống sữa, ăn sữa chua và tuyệt đối không ăn, uống đồ lạnh.
 
Cho bé đi ngủ, tránh đùa nghịch để hạn chế thức ăn lại bị trào ngược ra ngoài.
 
 

Cách vỗ lưng cho bé khi bị ợ hơi và trớ sữa

 
 
Tư thế 1: Bế bé theo tư thế thẳng, đầu và mặt tựa vào vai mẹ. Nhẹ nhàng xoa phía sau lưng cho bé dễ chịu. Nếu bé không phản ứng gì mẹ có thể vỗ nhẹ sau lưng. Thực hiện, nhấc cao tay rồi vỗ nhẹ lại cho bé là được. Đế đề phòng bé bị ọc sữa và nôn trớ, mẹ có thể kê thêm 1 chiếc khăn chuyên dùng để chăm sóc trẻ sơ sinh trên vai trước khi thực hiện.
 
Tư thế 2: Đặt bé với tư thế nằm úp trên đùi mẹ. Tư thế này giúp bé vừa có thể ngủ ngon, vừa được mẹ xoa nhẹ lưng để giải phóng khí đang mắc kẹt trong dạ dày.
 
Tư thế 3: Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, sau khi cho bé bú được tầm 60ml sữa, mẹ có thể giữ bé bằng hai tay, một tay đặt trước ngực, một tay đặt sau lưng bé. Khi mẹ dịu dàng nhấc bé lên, khí trong người bé sẽ hoàn toàn được giải phóng, qua đó ngừa được việc bé nôn trớ, đầy hơi.
 
Tư thế 4: Nếu không dùng những cách trên, mẹ có thể thử bế bé lên vai với một tay giữ phần mông và khum tay còn lại xoa hoặc vỗ nhẹ lên lưng trong khoảng 5-15 phút. Nếu bé có dấu hiệu ợ hơi ra ngoài là thành công rồi mẹ nhé.
 
Lưu ý nhỏ: Nên có khoảng thời gian vỗ ợ hơi nhất định trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh để bé quen dần (tốt nhất là sau mỗi lần bé bú 60ml sữa hoặc khi chuyển từ bầu vú này sang bên còn lại). Mẹ có thể chuẩn bị một chiếc khăn nhỏ lót ở dưới cổ bé trước khi vỗ ợ hơi, vừa giúp bé cảm thấy mền mại mà còn vệ sinh khi chẳng may ọc sữa mẹ nhé.
 
Trẻ bị trớ (nôn trớ) là tình trạng thường xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn các bé từ 1 – 2 tháng tuổi. Bởi trong giai đoạn này, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn yếu ớt, các van trong dạ dày hoạt động cũng chưa được đồng bộ nên khi bú bé dễ nuốt hơi vào dạ dày. Lượng hơi ‘dư thừa’ này không chỉ làm bé dễ no hơn mà còn khiến trẻ hay bị nôn trớ hoặc ọc sữa. Vì vậy các mẹ hãy nắm vững những kiến thức cần thiết để mẹ có thể chăm sóc và xử trí trẻ bị trớ.
 
 
Lê Hà (t/h) 
 
comment Bình luận