ĐBQH: Đưa cuộc sống trở lại bình thường cần ghi nhận công lao của ngành y tế

Đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa bao giờ niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ lại lớn lao như bây giờ. Mặc dù trong những năm qua do đại dịch COVID-19, kinh tế-xã hội gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn sát cánh cùng nhau, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
14:56 | 02/06/2022
Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn sát cánh, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch và triển khai các nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch và triển khai các nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu: "Tôi thực sự ấn tượng với nguồn lực Nhà nước hỗ trợ cho phòng, chống dịch COVID-19. Có thể thấy Quốc hội, Chính phủ cũng đã linh hoạt áp dụng bài học từ truyền thống của ông cha ta, 'thắt lưng buộc bụng', mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài trong chống dịch".

Nhờ vậy, sau một năm vào cuộc quyết liệt, đến nay chúng ta đã từng bước mở cửa đón những du khách quốc tế, đưa nền kinh tế trong nước từng bước phục hồi. Mặc dù, trong quá trình ứng phó trong dịch, lực lượng y tế đã có những tổn thất nặng nề, cùng với đó những tiêu cực không khỏi làm cho cả xã hội bức xúc và xót xa, nhưng những thành công trong công việc đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường cần được ghi nhận công lao hàng đầu của ngành y tế. Đất nước chúng ta đạt tốc độ tiêm chủng thần tốc, vượt chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội đề ra, được cả thế giới ghi nhận.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) chia sẻ rằng, sáng nay tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàng Mai chỉ còn 10 bệnh nhân. Đây là cơ sở có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, có những lúc lên đến hơn 300 bệnh nhân. Các cơ sở khác của Hà Nội, của các tỉnh khác hiện nay số lượng bệnh nhân cũng rất ít. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 gây ra nhiều ngày nay gần như không có.

"Tôi nghĩ, các vị đại biểu cùng suy nghĩ với tôi hiện nay COVID đã đi sang giai đoạn thoái trào", ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không tuyên bố chính thức kết thúc bệnh truyền nhiễm nhóm A. Ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết, bệnh truyền nhiễm nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển COVID-19 sang trạng thái truyền nhiễm nhóm B, việc thanh toán, chi trả tiền khám và chữa bệnh sẽ như các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả, hoặc người dân chi trả theo khám dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, khi coi COVID là một bệnh chuyên khoa không có nghĩa là hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này, mà chúng ta đang theo dõi thật sát, phản ứng linh hoạt.

Cũng theo vị đại biểu này, đã đến lúc phải trở lại trạng thái bình thường cũ để hướng tới 2 mục tiêu: Phục vụ cho lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID; tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý COVID.

"Đại dịch COVID vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam. Tự hào khi tôi được trực tiếp chứng kiến vị Chủ tịch trường Đại học Y khoa Stanford chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua về sự khâm phục hình mẫu chống dịch của Việt Nam. Với nguồn lực hạn chế, nhưng tỉ lệ tử vong chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia giàu có, công đầu chắc chắn là những cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam", đại diện của ngành y tại Quốc hội bày tỏ niềm tự hào.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các ủy ban của Quốc hội về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022.

"Có thể nói, chưa bao giờ niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ lại lớn lao như bây giờ. Mặc dù trong những năm qua do đại dịch COVID-19, kinh tế-xã hội gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn sát cánh cùng nhau, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung khẳng định.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022 và đại biểu đánh giá những kết quả nổi bật, chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng và đi vào thực tiễn có hiệu quả. Các chỉ số vĩ mô được giữ vững, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn trước tác động của đại dịch và chiến sự, song đã lấy lại đà theo hướng tích cực một cách nhanh chóng, nhất là vào tháng 3, tháng 4 và đang có chiều hướng tốt hơn trong tháng 5.

Đại biểu cho rằng, trong cơn đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người lao động bị ảnh hưởng rất khó khăn nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. "Tôi kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu, thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động khu vực này. Và cần nhận thức rằng đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng làm động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội ở nước ta".

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng khẳng định, nước ta đã chiến đấu và chiến thắng trước đại dịch COVID-19 dù có nhiều mất mát, tổn thất nhưng chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

comment Bình luận