Cty mẹ nợ phải trả gấp 52 lần ‘vốn góp’ nhưng Vimedimex Bình Dương vẫn đấu thầu thuốc trúng trăm tỷ

Vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng, dư nợ tại Ngân hàng ANZ hơn 308 tỷ đồng và công ty mẹ đang “nợ phải trả” hơn 8.000 tỷ đồng (gấp 52 lần vốn góp chủ sở hữu)… liệu Vimedimex Bình Dương có đủ năng lực để cung cấp thuốc generic và biệt dược cho các cơ sở y tế công lập tại Bình Dương trong giai đoạn 2019 – 2021?
6:30 | 03/08/2020

Chủ tịch Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex bà Nguyễn Thị Loan.

Từ mẹ đến con, nợ như “Chúa chổm”

Vimedimex là công ty con do Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (VMD) sở hữu 100% vốn. Vốn điều lệ của Vimedimex Bình Dương mới được tăng lên 50 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Cty mẹ của Vimedimex Bình Dương) cho thấy, doanh nghiệp này đang có tổng cộng tài sản là 8,4 ngàn tỷ, giảm 600 tỷ đồng trong vòng nửa năm.

Tổng cộng tài sản của Vimedimex chỉ có 8,4 ngàn tỷ đồng nhưng nợ phải trả chiếm con số hơn 8.000 tỷ đồng.

Tổng cộng nguồn vốn của Vimedimex ở con số “khủng khiếp” 8,4 ngàn tỷ nhưng thực chất đa phần khoản tiền này có con số “nợ phải trả”. Đến ngày, 30/6/2020, nợ phải trả của Vimedimex ở con số 8.070 tỷ đồng, trong đó, 8.044 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.

Phân tích chi tiết khoản nợ phải trả ngắn hạn của Vimedimex cho thấy khoản tiền 7.500 tỷ đồng là phải trả cho người bán; 308 tỷ đồng là vay và nợ cho thuê tài chính ngắn hạn.

Trong khi đó, vốn góp của chủ sở hữu tại Vimedimex chỉ có 154 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cho kỳ kế toán 6 tháng đầu nă

m 2020 của Vimedimex là 17,8 tỷ đồng.

Nợ xấu tính đến ngày 30/6/2020 là gần 133 tỷ đồng.

Như vậy, nợ phải trả đang ở mức 52 lần con số “vốn góp của chủ sở hữu”.

Đến ngày 30/6/2020, Vimedimex đang ghi nhận khoản “nợ xấu” lên tới gần 133 tỷ đồng.

Riêng về Vimedimex Bình Dương (do Vimedimex sở hữu 100% vốn), báo cáo tài chính hợp nhất đang ghi nhận khoản nợ ngân hàng ANZ 308 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Vimedimex Bình Dương đang ghi nhận khoản nợ từ Ngân hàng ANZ là 308 tỷ đồng trong tổng hạn mức khoản vay 659,4 tỷ đồng.

Đây là khoản nợ trong hợp đồng cho vay hạn mức giữa Vimedimex Bình Dương và Ngân hàng TNHH MTV ANZ có tổng số tiền 659,4 tỷ đồng được ký từ nằm 2016 và sửa đổi lần 6 ngày 08/03/2019. Khoản vay được đảm bảo bằng hàng tồn kho của Vimedimex Bình Dương.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Vimedimex  vẫn được đảm bảo nhưng với nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn (7.500 tỷ đồng) trong cơ cấu tài sản và hệ số khả năng thanh toán tức thời thấp cho thấy Vimedimex sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đến hạn trong trường hợp các khách hàng (chủ yếu từ các bệnh viện) chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi.

Con số “phải trả người bán” hơn 7.500 tỷ đồng của Vimedimex thực ra là “chiêu bài” chiếm dụng vốn của nhà cung cấp. Đây cũng là một hình thức được nhiều doanh nghiệp sử dụng thông qua nợ tiền hàng của nhà cung cấp. Việc chiếm dụng vốn này được nhiều nhà cung cấp chấp thuận, tuy nhiên với số tiền hơn 7.500 tỷ đồng khiến cho khách hàng không khỏi lo lắng về bài toán tài chính, việc quay vòng vốn của Vimedimex.

Trúng gói thầu trăm tỷ cung cấp thuốc

Nợ phải trả gấp 52 lần vốn góp của chủ sở hữu nhưng công ty con của Vimedimex (Vimedimex Bình Dương) vẫn trúng các gói thầu cung cấp thuốc giai đoạn 2019 – 2021 cho tỉnh Bình Dương lên tới hàng trăm tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, hoài nghi.

Cụ thể, đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh Bình Dương vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói th

ầu Mua thuốc theo tên generic (đợt 1) thuộc Dự án Mua thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập tỉnh Bình Dương năm 2019 - 2021. Giá gói thầu là 937,366 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Theo kết quả được phê duyệt, có 110 nhà thầu trúng thầu, với tổng số 724 mặt hàng trúng thầu và tổng giá trị trúng thầu là 714,729 tỷ đồng. Trong đó, một số nhà thầu có giá trị trúng thầu lớn, như Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương có giá trị trúng thầu 152,288 tỷ đồng; Công ty CP Dược phẩm 2/9 với giá trị trúng thầu 127,575 tỷ đồng; Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 có giá trị trúng thầu là 106,285 tỷ đồng;…

Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước xác định: Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trị hơn 2,2 tỷ đồng trái quy định.

Trước đó, Gói thầu Mua thuốc theo tên biệt dược cũng thuộc Dự án Mua thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập tỉnh Bình Dương năm 2019 - 2021 đã có kết quả lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu này là 45,193 tỷ đồng. 3 nhà thầu trúng thầu cho 60 mặt hàng, trong đó Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 và Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương trúng phần lớn với giá trị trúng thầu lần lượt là 25,72 tỷ đồng và 15,371 tỷ đồng.

Với việc, vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng, dư nợ tại Ngân hàng ANZ hơn 308 tỷ đồng và công ty mẹ đang “nợ phải trả” hơn 8.000 tỷ đồng (gấp 52 lần vốn góp chủ sở hữu)… liệu Vimedimex Bình Dương có đủ năng lực để cung cấp thuốc generic và biệt dược cho các cơ sở y tế công lập tại Bình Dương trong giai đoạn 2019 – 2021?

Nhiều sai phạm trong đấu thầu thuốc, xây dựng bệnh viện tại Bình Dương

Vào tháng 11/2018, Kiểm toán Nhà nước công bố thông tin Kiểm toán Nhà nước đã ký văn bản chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương.

Đề nghị này được đưa ra sau khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, qua đó đã phát hiện những sai phạm trong việc mua sắm thuốc tại Bình Dương không đúng quy định pháp luật.

Trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế Lục Duy Lạc khi để xảy ra hàng loạt sai phạm trong đấu thầu thuốc năm 2018 và xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương vẫn chưa được xác định rõ.

Kiểm toán Nhà nước cho biết Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã mua sắm trực tiếp, không qua đấu thầu rộng rãi các gói thầu trị giá tới hàng trăm tỉ đồng, gồm: gói thầu mua thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế; gói thầu mua thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và thuốc y học cổ truyền (tổng giá trị gần 680 tỉ đồng).

Ngoài ra, đối với gói thầu cung cấp vật tư y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt lựa chọn nhà thầu trực tiếp mà không đấu thầu. Khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu thì Sở Y tế cũng không mời Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương là vi phạm quy định.

Đối với 224 mặt hàng thuốc có giá cao hơn rất nhiều so với giá quy định tại hồ sơ thầu, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Sở Y tế Bình Dương đã chấm thầu, lựa chọn nhà cung cấp trái quy định, dẫn tới thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế hơn 4,8 tỉ đồng (theo số liệu tính toán của BHXH tỉnh).

Không những vậy, Sở Y tế tỉnh Bình Dương còn tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, thành phần… không phổ biến trên thị trường, có giá cao, nếu so sánh với giá thuốc có tác dụng tương tự trên thị trường thì chênh lệch tới gần 9,4 tỉ đồng.

Một số loại thuốc được Sở Y tế tỉnh Bình Dương lựa chọn đấu thầu và phê duyệt lựa chọn nhà thầu, với giá trị gần 2,7 tỉ đồng trong khi các loại thuốc này trái với cảnh báo của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm, xử lý những sai phạm trên của Sở Y tế tỉnh Bình Dương theo quy định pháp luật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ thời điểm trên, ông Đặng Minh Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương-cho biết tỉnh chưa nhận được kết luận của Kiểm toán Nhà nước nên chưa biết Kiểm toán yêu cầu tỉnh phải xử lý những gì. Về thông tin Kiểm toán Nhà nước chuyển văn bản cho cơ quan cảnh sát điều tra, UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ được biết thông tin qua báo chí.

Tuổi Trẻ khi đó cũng liên lạc với ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương nhưng chưa nhận được phản hồi.

Vụ việc điều tra, xử lý các sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Bình Dương mà kiểm toán Nhà nước chỉ ra hiện nay vẫn chưa có kết quả công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mới đây, vào tháng 4/2020, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho PV Tiền Phong biết vừa ký quyết định xử lý sai phạm đối với hai doanh nghiệp trên địa bàn liên quan đến dự án xây dựng Khu điều trị của bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng tổng hợp Bình Dương bị cấm tham gia hoạt động tư vấn lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời hạn 3 năm, do đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, làm sai lệch KQLCNT Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Khu điều trị 300 giường thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Ông Trần Thanh Liêm cho biết thêm, đã cấm doanh nghiệp trên tham gia hoạt động tư vấn lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh này trong thời hạn 3 năm đối với các thành viên của tổ tư vấn đấu thầu thuộc Công ty CP Tư vấn và Xây dựng tổng hợp Bình Dương với cùng lý do trên.

Ngoài ra, Công ty TNHH Xây dựng Dũng Tâm, không trung thực trong hồ sơ dự thầu gói thầu nêu trên cũng bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu thi công xây lắp trên địa bàn Tỉnh trong 3 năm.

Hành vi sai phạm của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến dự án đấu thầu và uy tín địa phương nên phải xử lý nghiêm để răn đe đối với các doanh nghiệp khác. Bình Dương thu hút đầu tư lành mạnh và sẽ xử lý nghiêm những đơn vị sai phạm”, ông Trần Thanh Liêm trả lời trên Báo Tiền Phong.

Trước đó, vào năm 2017, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng tổng hợp Bình Dương có hành vi vi phạm trong việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu đối với Gói thầu Tư vấn thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán thuộc Dự án Xây dựng bệnh viện đa khoa 1.500 giường tỉnh Bình Dương (bệnh viện mới), làm sai lệch kết quả đấu thầu, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1551/QĐ-UBND về việc cấm tham gia hoạt động tổ chức tư vấn lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời hạn 6 tháng.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

comment Bình luận