Cố vấn y tế Nhà Trắng: Vắc xin COVID-19 có hiệu quả đối với biến thể delta

Tại họp báo ở Nhà Trắng, cố vấn y tế Anthony Fauci cho biết nước Mỹ đã có "công cụ" vắc xin chống lại biến thể delta. Sau khi tiêm đủ liều 2 vắc xin, nó có hiệu quả 88% chống lại biến thể delta và 93% hiệu nghiệm đối với biến thể alpha (biến thể lần đầu phát hiện ở Anh).
16:49 | 24/06/2021

Biến thể Delta (biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) là mối nguy lớn nhất trước nỗ lực ngăn chặn COVID-19 ở biên giới nước Mỹ, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết.

Biến thể Delta chiếm khoảng 20% trong tổng số các ca nhiễm mới tại Mỹ, tăng lên 10% so với 2 tuần trước, ông Fauci nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

co van y te Nha Trang- vac xin phong COVID-19 hieu qua doi voi bien the delta

TS. Anthony Fauci, Cố vấn y tế Nhà Trắng cho biết vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với biến thể delta 2 tuần sau khi tiêm đầy đủ 2 liều.

Ông cho biết mô hình lây lan của biến thể delta có vẻ như tương tự biến thể alpha, với tình trạng lây nhiễm cũng tăng lên gấp đôi sau 2 tuần ở Mỹ.

"Tương tự như tình hình ở Anh, biến thể delta hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ trong nỗ lực loại trừ COVID-19", ông Fauci tuyên bố.

Nghiên cứu cho thấy biến thể delta có khả năng lây nhiễm cao hơn biển thể alpha tới 60%, và gây ra lây nhiễm mạnh hơn so với chủng virus gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tại Anh, biến thể delta hiện chiếm tới 60% số ca nhiễm mới ở nước này.

Ông Fauci cũng cho hay nước Mỹ đã có "công cụ" vắc xin để đánh bại biến thể virus, thúc giục người dân Mỹ tiêm phòng đầy đủ ngừa COVID-19 nhằm chấm dứt đại dịch.

Trích dẫn một nghiên cứu, TS. Anthoy Fauci cho biết: "2 tuần sau khi tiêm đầy đủ liều 2 vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, hiệu quả chống lại biến thể delta đạt đến 88%, và 93% hiệu nghiệm đối với biến thể alpha."

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), delta đang trở thành biến thể có tốc độ lây lan nhanh nhất trên toàn thế giới, đặc biệt dễ lây nhiễm ở những đối tượng dễ bị tổn thương tại những nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Biến thể delta hiện đã lây lan ra 92 quốc gia/vùng lãnh thổ, nhà khoa học WHO Maria Van Kerkhove cho biết: "Không may, chúng ta vẫn chưa có vắc xin ở nơi cần thiết để bảo vệ người dân".

WHO đã thúc giục các quốc gia giàu có, trong đó có Mỹ quyên tặng vắc xin phòng COVID-19. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố sẽ gửi tặng 55 triệu liều vắc xin, phần lớn thông qua cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX do WHO hỗ trợ.

"Những vắc xin này có hiệu quả cao chống lại COVID-19 và ngăn ngừa tử vong." bà Van Kerkhove nói. "Đó là lý do vì sao COVAX, WHO cùng tất cả các đối tác đồng hành đưa vắc xin đến với những người có nguy cơ cao nhất, để bảo vệ cộng đồng."

Nguyễn Vân/SKĐS/(theo CNBC)

comment Bình luận