Cổ phiếu công ty nhập vắc xin liên tục 'đo sàn', nhà đầu tư mắc kẹt

Chuỗi tăng như vũ bão suốt 18 phiên liên tục nhờ tin tức nhập khẩu vắc xin của cổ phiếu Vimedimex đã bị gián đoạn vào đầu tháng 9. Cổ phiếu này giảm sàn liên tục 5 phiên, nhà đầu tư mắc kẹt.
18:27 | 11/09/2021

Cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex đóng cửa phiên cuối tuần (10/9) giảm sàn xuống 57.600 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên "lau sàn" thứ 5 liên tiếp của mã này và cũng tròn một tuần giao dịch trở lại của VMD kể từ sau kỳ nghỉ lễ 2/9.

Diễn biến này không quá gây bất ngờ bởi trước đó VMD từng có chuỗi tăng quá "sốc" suốt 18 phiên liên tục, hầu hết là tăng trần hoặc suýt soát tăng kịch biên độ trên sàn. Thị giá VMD tính từ ngày 9/8 đến ngày 1/9 đã nhanh chóng tăng từ 24.700 đồng lên 82.400 đồng, tương ứng tăng gấp 3,34 lần.

Đồ thị diễn biến giá của VMD theo đó gấp khúc tại ngày 6/9 và bắt đầu chuỗi ngày lao dốc. "Lên như thế nào, xuống như thế ấy" - lên sốc, xuống sốc, vốn là quy luật thường thấy với các cổ phiếu "nóng" trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu công ty nhập vắc xin liên tục đo sàn, nhà đầu tư mắc kẹt - 1

Vimedimex là một trong những đơn vị được nhập khẩu vắc xin Covid-19.

Mức thị giá của VMD tuy giảm mạnh 30,1% so với mức đỉnh giá hồi đầu tháng 9 nhưng vẫn cao hơn 133,2% (tương ứng cao hơn 32.900 đồng mỗi cổ phiếu) so với thời điểm ngày 9/8. Như vậy, những nhà đầu tư mua cổ phiếu này ngày 9/8 và vẫn giữ đến thời điểm này đang tạm có lãi 1,3 lần.

Tuy vậy, việc bán ra cổ phiếu VMD ở thời điểm này không phải dễ dàng. Thanh khoản phiên 10/9 của mã này đạt 54.100 cổ phiếu nhưng dư bán sàn cuối phiên còn tới 332.000 đơn vị, trắng bên mua. Theo đó, rất nhiều nhà đầu tư cho đến thời điểm này vẫn "mắc kẹt".

Trong số những nhà đầu tư "lướt sóng" đang nắm giữ VMD, không ít người mua ở vùng giá cao. Với những người mua đúng đỉnh trong phiên 1/9 (đây cũng là phiên có khối lượng khớp lệnh cao hơn so với thông thường, đạt 113.000 đơn vị) thì sau khi cổ phiếu về đến tài khoản đã lập tức thiệt hại nặng nề. Nếu nhà đầu tư không quyết đoán cắt lỗ và vẫn "gồng lỗ" thì suốt 5 phiên vừa qua đã "bốc hơi" xấp xỉ 30% tài khoản.

Đà tăng của cổ phiếu VMD vừa qua được hỗ trợ bởi thông tin Vimedimex ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin Covid-19 Sputnik V.

Tuy nhiên, trong khi cổ phiếu tăng nóng thì bà Đào Thị Bình - vợ ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch Vimedimex - lại đăng ký bán ra 200.000 cổ phiếu VMD nhằm "đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân".

Giao dịch của bà Bình dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 1/9 đến 30/9. Trước giao dịch, bà Bình đang nắm giữ hơn 540.000 cổ phiếu VMD, tương ứng tỷ lệ 3,5% vốn điều lệ.

Cũng liên quan đến ông Nguyễn Tiến Hùng, em gái ông này là bà Nguyễn Thị Việt đã đăng ký bán toàn bộ 20.140 cổ phiếu VMD tương đương 0,13% vốn điều lệ, dự kiến thực hiện từ ngày 9/9 đến 7/10.

Như vậy, các giao dịch của người nhà Phó Chủ tịch Vimedimex đều thực hiện sau khi cổ phiếu VMD đã bên kia "sườn dốc".

Cổ phiếu công ty nhập vắc xin liên tục đo sàn, nhà đầu tư mắc kẹt - 2

Đồ thị gấp khúc của giá cổ phiếu VMD (Ảnh chụp màn hình).

Vimedimex mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2021. Số liệu báo cáo cho thấy, trong nửa đầu năm nay, Vimedimex đạt 7.593 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 828 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm nên công ty vẫn có lãi gộp 699 tỷ đồng, bằng 92% cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thì chi phí bán hàng lại giảm đáng kể. Theo đó, lợi nhuận thuần đạt xấp xỉ 25 tỷ đồng, tăng so với mức 23 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Phần lợi nhuận khác trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 1 tỷ đồng so với mức 2,6 tỷ đồng của cùng kỳ nên kết quả tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Vimedimex trong nửa đầu năm nay đạt gần 26 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hợp nhất đạt hơn 19 tỷ đồng.

Mai Chi/Dân Trí

comment Bình luận