Chuyện những người phụ nữ làng biển mang gạo cứu đói dân nghèo

Suốt 4 năm qua, những người phụ nữ làng biển mang gạo cứu đói dân nghèo. Họ là thành viên CLB Hạt gạo nghĩa tình, đem đến niềm vui đến cho mảnh đời bất hạnh.
8:02 | 10/07/2019
Theo Báo Thanh niên, Câu lạc bộ Hạt gạo nghĩa tình do Chi hội phụ nữ ấp Mường Quao, xã Tây Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) đề xuất thành lập năm 2015.

Chị Nguyễn Kim Trúc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp cho biết trước đây đời sống của nhiều gia đình trong ấp còn rất khó khăn với 21 hộ nghèo. Hằng ngày chị em phải bươn chải làm thuê để mua gạo.

chuyện những người phụ nữ làng biển mang gạo đi cứu đói dân nghèo
 CLB Hạt gạo nghĩa tình đi vào hoạt động từ năm 2015 (Thanh niên)
 
Từ thực tế đó, chi hội đề xuất với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tây Yên vận động chị em thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hạt gạo nghĩa tình nhằm quyên góp gạo giúp hộ nghèo. Với 15 thành viên lúc ban đầu, đến nay, CLB đã có 32 thành viên. CLB hoạt động theo hình thức vận động hội viên trong chi hội đóng góp gạo. Tùy theo số lượng gạo quyên góp được, chi hội sẽ tổ chức xét trao cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn.
 
Theo chị Nguyễn Thị Cát, Chủ nhiệm CLB Hạt gạo nghĩa tình, với tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ trong lúc khó khăn, ai có gạo thì ủng hộ gạo, ai có tiền ủng hộ tiền. Đều đặn hằng tháng, cứ đến ngày sinh hoạt CLB, các chị mang gạo theo và gom lại.

Sau khi sinh hoạt xong, chủ nhiệm CLB tiến hành cân số gạo vận động được, thông báo cho các thành viên biết rồi chia đều cho các gia đình cần giúp đỡ. Có 2 hội viên được CLB cử mang gạo đến trao tận tay những gia đình cần giúp đỡ.

chuyện những người phụ nữ vùng biển mang gạo đi cứu đói dân nghèo
 Từng bao gạo được hội phụ nữ trao tận tay dân nghèo (Thanh niên)

Từ năm 2016 đến nay, mô hình Hạt gạo nghĩa tình đã quyên góp gần 2,5 tấn gạo trao cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong ấp. Trong đó, định kỳ hằng tháng, CLB trao từ 15 - 30 kg gạo cho mỗi gia đình. Đến nay đã có 144 lượt hội viên, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ. Qua đó, nhiều chị em vươn lên trong cuộc sống, tạo niềm tin vững chắc để chị em gắn bó với hội.
 
Là một thành viên trong CLB, Bà Nguyễn Thị Thê (ngụ ấp Mương Quao) cho biết CLB Hạt gạo nghĩa tình từ khi ra đời đã trở thành một mô hình thân thuộc đối với phụ nữ ở ấp. Đó như là một sợi dây thắt chặt tình người, tình chị em, làng xóm lại gần nhau hơn. Thông qua sinh hoạt CLB, các chị không chỉ tặng gạo mà còn giúp đỡ về nhiều mặt trong cuộc sống, những lúc ốm đau, hay góp vốn xoay vòng giúp nhau thoát nghèo.
 
Bà Nguyễn Thị Rành (ngụ tổ 6, ấp Mương Quao) là người già neo đơn lại tật nguyền, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Biết hoàn cảnh của bà, mỗi tháng chị em trong CLB đều đến giúp gạo và cho tiền mua thuốc điều trị mỗi khi ốm đau.

Bà Rành chia sẻ: “Những hạt gạo nghĩa tình của phụ nữ trong ấp đã giúp tôi bớt đi gánh nặng phải lo chạy gạo hằng ngày để ăn. Lúc bị ốm, tôi được chị em cho tiền, chở đi khám bệnh…”. Bà Lê Thị Nhung (ngụ tổ 7, ấp Mương Quao) còn khó khăn hơn do hoàn cảnh neo đơn, lớn tuổi lại ở một mình tận ngoài đê bao quốc phòng gần bờ biển. Chị em phụ nữ ấp Mương Quao đã kịp thời chia sẻ, giúp đỡ tiền, gạo và cử người đến nấu cơm, tắm giặt, chuyện trò để bà vui sống tuổi già.

Theo chị Nguyễn Kim Trúc, không chỉ tiết kiệm giúp đỡ người nghèo trên địa bàn, CLB Hạt gạo nghĩa tình còn góp vốn xoay vòng giúp chị em nghèo. Mỗi chị em góp 100.000 đồng/tháng được tổng cộng hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này cho một hội viên mượn để chăn nuôi gà, vịt, heo hay mua bán nhỏ… Nhờ vậy, nhiều chị em trong ấp thoát nghèo và tích cực tham gia vào CLB để có điều kiện giúp đỡ lại người nghèo khác.

Cũng tương tự, việc làm thiết thực của hội phụ nữ xã Nghi Thạch ở Nghệ An nhận được rất nhiều lời  khen ngợi.  Cụ thể, chị em phụ nữ nơi đây đã tổ chức kêu gọi quyên gom rác thải, phế liệu,… sang đó đem bán. Tiền thu được, mọi người đồng lòng trích ra để mua cho bà Vân một chiếc thẻ bảo hiểm y tế. 

chuyện những người phụ nữ vùng biển mang gạo đi cứu đói dân nghèo
Mô hình đổi rác thải lấy bảo hiểm y tế được triển khai tại huyện Nghi Lộc- Nghệ An (Người đưa tin)

Theo  chị Hoàng Thị Tình ,Chủ tịch hội phụ nữ xã Nghi Thạch, hàng quý các chi hội đã kêu gọi các hội viên tập kết phế liệu vào nhà văn hóa, phân loại rồi bán lấy tiền. Sau bình xét hội viên, mọi người sẽ mua thẻ bảo hiểm rồi chia nhau đến gia đình có hoàn cảnh khó khăn để trao.

chuyện hững người phụ nữ vùng biển mang gạo cứu đói dân nghèo
Hội phụ nữ xã Nghi Thạch rất hăng hái tham gia phong trào (Người đưa tin)

Việc gom phế liệu như thế này không những giúp xóm làng sạch hơn, mà còn có thể giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy lúc đầu có người chưa đồng tình, nhưng sau đó thấy được ý nghĩa của việc làm nên đã nhiệt liệt tham gia. Năm 2019, chúng tôi đang cố gắng phát huy chương trình này lớn mạnh hơn nữa”, chị Tình phấn khởi nói.

Được biết, mô hình này đã đi vào hoạt động từ năm 2018 và cho đến nay vãn không ngừng được nhân rộng, lan tỏa sang các xã lân cận.


Minh Tú (t/h)
comment Bình luận