Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Ðông - Xuân

Ngày 18/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội mùa xuân, do điều kiện môi trường rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, nhất là các bệnh thường gặp như: Cúm, ho gà, viêm não vi-rút, viêm màng não do mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn... 
9:42 | 19/01/2019
\"\"

Ðáng lo ngại, từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi có xu hướng tăng rải rác, cục bộ chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía bắc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương... Ðối tượng mắc sởi chủ yếu là trẻ chưa được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi và cũng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có cả phụ nữ mang thai.

Ðể chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa Ðông - Xuân, người dân chủ động đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng, kể cả người lớn chưa tiêm chủng vắc-xin sởi.

Mặt khác, người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn, gia cầm chưa được nấu chín; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; khi có dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử lý kịp thời…

Theo số liệu thống kê, năm 2018, cả nước có hơn 9.700 người sốt phát ban nghi sởi (tăng hơn 20 lần so năm 2017), trong đó có 1.963 người dương tính bệnh sởi (tăng 13 lần so năm 2017). Ðáng lo ngại, hơn 50% số ca mắc sởi là do chưa tiêm vắc-xin sởi, số còn lại do không tiêm đủ mũi, tiêm không đúng lịch.

comment Bình luận