Chia sẻ sức khỏe sinh sản vị thành niên: Cần nhất không khí vui vẻ, thoải mái

Theo nhiều fiảng viên, cộng tác viên Trung tâm Đào tao, bồi dưỡng - Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) để mang lại thành công khi chia sẻ sức khỏe sinh sản vị thành niên tại các trường THPT cần chuẩn bị tốt việc lựa chọn nội dung/chủ đề trọng tâm, chuẩn bị và làm tốt việc tạo không khí vui vẻ, thoải mái, hăng hái tham gia hỏi, đáp, chia sẻ các băn khoăn, thắc mắc...
9:42 | 21/02/2019
\"\"

Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh tại các trường THPT, Chi cục Dân số - KHHGĐ các tỉnh/thành phố đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT tổ chức các hoạt động truyền thông về SKSS vị thành niên (VTN) trong các trường THPT.

Các buổi truyền thông này được tổ chức rất đa dạng, bằng nhiều hình thức, như: các buổi sinh hoạt ngoại khóa kỹ năng sống ở từng lớp, nhóm lớp, tổ chức các buổi sinh hoạt tìm hiểu về SKSS VTN cho toàn trường dưới cờ, đến việc tổ chức riêng các cuộc thi tìm hiểu với nhiều cấp độ khác nhau…

Chia sẻ những kinh nghiệm về cách thức xử lý khó khăn/thách thức trong việc lựa chọn nội dung/chủ đề trọng tâm, lựa chọn phương pháp nhằm thu hút được sự quan tâm, trả lời và đặt câu hỏi của các em học sinh tham, nhóm tác giả (là các giảng viên được Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cử tham gia hỗ trợ, tư vấn, cũng như trực tiếp tham gia báo cáo tại nhiều buổi sinh hoạt dưới cờ tìm hiểm về SKSS VTN) có bài viết gửi đến Báo Sức Khỏe Cộng Đồng.

Bài viết là những kinh nghiệm này được đúc rút qua chuỗi hoạt động phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thành công các buổi sinh hoạt dưới cờ tìm hiểu về SKSS VTN cho trên 30.000 học sinh tại 36 trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Ban Biên tập Báo Sức Khỏe Cộng Đồng xin gửi đến độc giả bài viết.

Kinh nghiệm thứ nhất: lựa chọn nội dung, vấn đề cần trao đổi

Các buổi sinh hoạt dưới cờ thường chỉ bố trí được tối đa 45 phút (một tiết học), trong khi đó, nội dung về SKSS VTN rất lớn, rất nhiều chủ đề, mỗi chủ đề nêu ra đều cần phải giải thích, đưa ra lời khuyên cụ thể. Vì vậy việc lựa chọn nội dung nào, chủ đề nào để nhấn mạnh, hỏi và trao đổi 2 chiều cho phù hợp là rất quan trọng. Báo cáo viên cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin từ nhà trường như: Đã từng tổ chức các hoạt động tìm hiểu về SKSS VTN lần nào chưa? Lần tổ chức gần đây nhất là khi nào? Trong thời gian gần đây nhà trường có gặp phải vấn đề về SKSS của các em học sinh hay không? Ví dụ: có học sinh phải bỏ học vì mang thai, lấy chồng…; hay có nhóm học sinh bị kỷ luật do bỏ học tổ chức đi chơi, quan hệ tình dục…; rồi có việc đánh lộn, cãi nhau, sỉ nhục nhau trên mạng xã hội vì bình phẩm, tranh giành người yêu…

Từ việc tìm hiểu kỹ các thông tin từ chính nhà trường và các em học sinh, báo cáo viên cần đối chiếu, rà soát với các vấn đề về SKSS VTN theo lý thuyết gồm 15 nội dung/chủ đề: Vị thành niên là ai? Khái niệm sức khỏe sinh sản? Thay đổi thể chất và sinh lý tuổi VTN? Thay đổi tâm lý tuổi VTN? Tình bạn, tình yêu và tình dục tuổi VTN? Cơ quan sinh sản và chức năng? Một số hiện tượng bình thường ở cơ quan sinh sản? Một số bất thường ở cơ quan sinh sản? Nhiễm khuẩn sinh sản ở tuổi VTN? Dinh dưỡng tuổi VTN? Vệ sinh cá nhân tuổi VTN? Nguy cơ và dủi ro tuổi VTN? Kỹ năng sống cần thiết ở tuổi VTN? VTN nên chia sẻ với ai về SKSS và tình dục?

\"\"

Nhằm xác định được những vấn đề mà học sinh trong trường quan tâm nhất, đánh trúng vào sự băn khoăn và để phân tích, giải thích, hướng tới gợi mở hành vi tích cực…

Theo kinh nghiệm rút ra từ thực tế của nhóm giảng viên, để một buổi sinh hoạt dưới cờ 45 phút đạt hiệu quả, chỉ nên đi sâu phân tích, trao đổi, huy động các em tham gia đối thoại, đặt câu hỏi và báo cáo viên giải đáp nhiều nhất là 3 - 5 nội dung/chủ đề trong số 15 nội dung/chủ đề đã nêu ở trên, các nội dung/chủ đề khác chỉ nên liệt kê, giới thiệu, không nên đi sâu phân tích để tránh sự dàn trải, một chiều. Thực tế, 3 nội dung/chủ đề đã được lựa chọn nhiều nhất đó là: (1)Thay đổi tâm sinh lý tuổi VTN; (2) tình bạn, tình yêu tuổi học trò; (3) tình dục an toàn, có trách nhiệm.

Song song với việc lựa chọn nội dung/chủ đề phù hợp, báo cáo viên cũng cần có sự trao đổi trực tiếp với thầy cô hiệu trưởng ngay trước buổi sinh hoạt dưới cờ về thời gian có thể kéo dài. Vì thực tế, dù đã thống nhất là một tiết học (45 phút), nhưng nếu buổi sinh hoạt có hiệu quả, học sinh hăng hái trao đổi, đặt nhiều câu hỏi thì thầy cô hiệu trưởng sẽ đề nghị báo cáo viên kéo dài thêm thời gian. Cụ thể trong số 36 trường thì có tói 16 trường đã đề nghị báo cáo viên kéo dài thêm từ 15-30 phút để tiếp tục trả lời các câu hỏi của học sinh.

Kinh nghiệm thứ hai: tạo được sự tham gia, trả lời câu hỏi và đặt câu hỏi của học sinh.

Do sân trường rộng, số học sinh đông, nội dung truyền thông có nhiều điều tế nhị, báo cáo viên sẽ gặp khó khăn trong việc huy động sự tham gia trả lời các câu hỏi

của học sinh, đặc biệt là khuyến khích, gợi mở để các em nêu ra những khó khăn, vướng mắc nhờ báo cáo viên giải đáp. Trong khi đó, bản tính của học trò là năng động, rất dễ mất trật tự, nói chuyện riêng, trêu đùa nhau… nếu báo cáo viên không thu hút được các em, nhất là khi các vấn đề báo cáo viên nêu ra không thực tế, không phải là các vấn đề các em quan tâm.

Để khắc phục khó khăn/thách thức này nhằm huy động sự tham gia 2 chiều với học sinh, nhóm báo cáo viên đã phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc làm việc với các trường để chuẩn bị kỹ cho sự tham gia của học sinh bằng 5 công việc:

Một là, thiết kế một tấm pano kích thức lớn có nội dung mô tả toàn bộ tiến trình chăm sóc SKSS VTN.

Tấm pano được treo nên phông chính hoặc bên cạnh sân khấu đảm bảo các học sinh nhìn rõ. Các nội dung/chủ đề về SKSS VTN đã được sơ đồ hóa một cách lôgic, rõ ràng để học sinh có thể theo dõi quá trình trao đổi của báo cáo viên; giúp cho việc đi sâu phân tích vào một số nội dung/chủ đề chính sẽ không khiên cưỡng, không làm mất đi tính toàn diện. Đặc biệt, qua tấm pano, học sinh sẽ dễ dàng đặt câu hỏi về các nội dung/chủ đề khác nhau, đồng thời, giúp mỗi câu hỏi của học sinh sẽ được báo cáo viên quy nạp, chỉ rõ ở nội dung nào, chủ đề nào trong tiến trình SKSS VTN.

\"\"

Hai là, báo cáo viên chuẩn bị một số câu hỏi để hỏi học sinh trả lời.

Nhóm báo cáo viên đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có tính thực tế, đơn giản, vui nhộn nhưng không ảnh hưởng đến sự riêng tư của học sinh. Các câu hỏi được chia làm 3 loại: loại thứ nhất, hỏi chung với cả trường, không cần học sinh trả lời riêng, báo cáo viên sẽ trả lời ngay sau hỏi để tạo không khí vui vẻ; loại thứ 2, báo cáo viên hỏi, nếu có học viên trả lời thì càng tốt, nếu không thì giáo viên trả lời thay, không để thời gian chết; loại thứ 3 quan trọng nhất, đó là cần có học sinh trả lời để tạo bầu không khi vui vẻ. Muốn vậy, báo cáo viên cần phải có kỹ năng để chắc chắn sẽ có học sinh trả lời, cần thiết có thể gặp gỡ, động viên, khuyến khích trước với các học sinh…

Dưới đây là một số câu hỏi các báo cáo viên đã chuẩn bị:Các em có phải trong độ tuổi VTN không? Vậy tuổi VTN là từ bao nhiêu đến bao nhiêu tuổi? Trong giai đoạn VTN có điều kỳ diệu gì đã diễn ra? Tại sao biết mình đã dậy thì? Dấu hiệu nào chứng tỏ đã dậy thì? Tại sao bạn trai có giấc mơ ướt? Tại sao bạn gái có kinh nguyệt? Tại sao ở tuổi dậy thì lại quan tâm tới bạn khác giới? Ở tuổi dậy thì có những thay đổi tâm lý nào? Tình bạn khác giới khác tình yêu thế nào? Thế nào là tình yêu học trò? Làm thế nào để giữ tình yêu không có tình dục? Thế nào là tình dục an toàn? Tình dục có trách nhiệm? Làm thế nào để kìm chế được ham muốn tình dục? Thế nào là tình dục không xâm nhập? Quan thệ tình dục lần đầu tiên có phải là sẽ không thể có thai? Nếu đã có quan hệ tình dục thì phải làm thế nào để không mang thai? Bao cao su có phải là biện pháp tránh thai tốt nhất hay không? Học sinh có được áp dụng biện pháp uống thuốc tránh thai hàng ngày? Nếu dùng bao cao su tránh thai mà bị tuột bao vào âm đạo thì phải làm sao? Thuốc tránh thai khẩn cấp có hại nhiều không?...

Ba là, khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh viết ra giấy các câu hỏi kín và chuyển cho báo cáo viên trả lời.

Qua tìm hiểu và thực tế trong các buổi sinh hoạt, nhóm tác giả nhận thấy rất nhiều học sinh muốn hỏi báo cáo viên nhưng còn e ngại, nhiều em ngập ngừng, nhiều trường hợp học sinh hỏi xong đã nhận được các tràng pháo tay hưởng ứng, nhưng cũng có trường hợp khi hỏi xong lại đối mặt với những lời bàn tán, không khí ngờ vực… Để khắc phục những cản trở này, báo cáo viên đã chủ động trao đổi với nhà trường thông báo cho các em chuẩn trước tất cả những câu hỏi liên quan đến SKSS VTN, những băn khoăn, lo lắng, thắc mắc về lứa tuổi mình, các em có thể hỏi trực tiếp tại buổi sinh hoạt hoặc viết câu hỏi ra giấy (không cần ghi tên) để chuyển cho báo cáo viên trả lời trực tiếp tại buổi sinh hoạt. Khi nhận được những câu hỏi kín này, báo cáo viên sẽ có một trợ giảng sắp xếp lại theo trình tự các nội dung/chủ đề và trả lời câu hỏi trước toàn trường cho các em.

Thực tế, khi áp dụng biện pháp này, các buổi sinh hoạt dưới cờ đều nhận được rất nhiều câu hỏi của học sinh dưới dạng viết sẵn ra giấy, nhiều câu hỏi rất hay, thiết thực, tế nhị và thu hút được sự quan tâm, theo dõi của học sinh và các thầy cô. Có những câu hỏi đã thầy cô ngỡ ngàng, sửng sốt như: Trong một lần say rượu em và người yêu chót quan hệ với nhau liệu người yêu em có thai không? Bạn em yêu một em lớp 6 đã làm tình với nhau nhưng em lớp 6 không uống thuốc tránh thai thì có thai không? Mới yêu nhau được một tuần mà bạn gái gợi đến nhà chơi? Em không biết cách quan hệ như thế nào? cách tránh thai như thế nào? Tại sao có những trường hợp đột quỵ khi quan hệ tình dục?....

Bốn là, bố trí ít nhất 2 micro cầm tay và một số thầy cô trợ giúp để kịp thời phát hiện học sinh muốn hỏi và đưa micro đến học sinh nhanh nhất.

Do sân trường rộng, số học sinh đông, các em phần đông vẫn còn e ngại khi nói về vấn đề này, vì vậy trong thực tế các buổi sinh hoạt, khi bố trí các thầy cô giáo, các trợ giảng tiếp cận các khu vực học sinh kịp thời phát hiện, khuyến khích, động viên các em đặt câu hỏi rất quan trọng. Khi một số em hăng hái đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời, giải đáp dí dỏm, vui vẻ và rất thực tế sẽ tạo không khi sôi động tới toàn thể học sinh…

Năm là, báo cáo viên cần có tính hài hước tạo không khí vui vẻ và quán triệt tinh thần “học sinh là trung tâm”.

Các báo cáo viên cần chủ động lôi kéo sự tham gia của học sinh. Với phong thái vui vẻ, những câu nói, câu hỏi dí dỏm, những gợi ý nhanh, lựa chọn các học sinh năng động, chú ý theo dõi để khuyến khích trả lời và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các em. Vì nội dung rất rộng, các học sinh tiếp nhận thông tin về SKSS VTN từ nhiều nguồn khác nhau, chương trình mở nên thường có nhiều câu hỏi khó, tế nhị đòi hỏi báo cáo viên phải hiểu biết rộng, không những am hiểu kiến thức chuyên môn mà còn cần có kiến thức rộng về xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống…

Từ kết quả thực tế, nhờ áp dụng tốt hai kinh nghiệm đã chia sẻ trên đây, các buổi sinh hoạt dưới cờ đã thực sự mang lại hiệu quả cao, đúng như nhận xét của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc: Các buổi sinh hoạt rất sôi nổi, vui vẻ, bổ ích, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của thầy và trò các trường. Đây là sự khác biệt rất lớn so với các buổi truyền thông trước đây. Chúng tôi đáng giá cao việc các giảng viên, báo cáo viên đã lôi kéo được các em tham gia vào việc hỏi và đáp, chia sẻ các băn khoăn, thắc mắc bởi tôi biết rằng đó là thước đo sự thành công.

Hy vọng rằng, các kinh nghiệm của nhóm tác giả trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ sẽ nhận được sự quan tâm và giúp ích được cho các quý đồng nghiệp, các thầy cô giáo trong quá trình tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ về SKSS VTN thời gian tới.

comment Bình luận