Chi tiết 3 vụ án lớn liên quan đến dịch COVID-19

Trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 đã có 3 vụ án lớn liên quan khiến loạt quan chức “ngã ngựa” gồm: “Thổi giá máy xét nghiệm ở CDC Hà Nội, Kist test Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
9:19 | 14/02/2022

3 vụ án lớn xảy ra liên quan đến đại dịch COVID-19 khiến nhiều quan chức xộ khám.

Dịch COVID-19 xảy đến khiến Chính phủ, Bộ Y tế và tất cả các cơ quan, ban, ngành, các địa phương và toàn dân dốc sức, nỗ lực, cố gắng để phòng, chống. Tuy nhiên, trong cơn đại dịch ấy vẫn có những đối tượng lợi dụng kẽ hở để tư lợi bất chính.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đến nay đã có 3 vụ án lớn khiến một loạt đối tượng, quan chức CDC, Y tế, Ngoại giao ngã ngựa, dưới đây chúng tôi điểm lại 3 vụ án này:

CDC Hà Nội với vụ án “thổi giá” máy xét nghiệm COVID-19

Đây là vụ án đầu tiên cũng là vụ án khiến đông đảo người dân, dư luận bàng hoàng bởi lẽ không ai nghĩ rằng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” cả xã hội lo lắng chống dịch thì ngay tại Thủ đô Hà Nội lại xảy ra vụ việc cán bộ CDC cấu kết, nâng thổi giá máy xét nghiệm phục vụ chống dịch.

Tháng 4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn lĩnh án.

C03 đã khởi tố 10 bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đến tháng 12/2020, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo từ 3 năm đến 10 năm tù, trong đó bị cáo Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội lĩnh án 10 năm tù.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, 6 bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Ngọc Quỳnh, đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng không được TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận.

Kit test Việt Á

Tưởng chừng vụ án CDC Hà Nội sẽ là bài học cảnh báo cho các đối tượng có ý định lợi dụng dịch bệnh để phạm pháp thì cuối năm 2021, vụ án thổi giá Kit test Việt Á lại gây chấn động với số tiền và số quan chức “dính chàm”.

Các bị can lần lượt: Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Nam Liên; Trịnh Thanh Hùng.

Cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kit xét nghiệm Covid) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can và Công an TP HCM đã khởi tố 2 bị can, về các tội: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong số bị can này có 3 quan chức cấp Vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và 4 Giám đốc CDC các tỉnh.

Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.

Loạt Giám đốc CDC các tỉnh: Hải Dương; Nghệ An; Bình Dương; Bắc Giang bị bắt liên quan vụ án Việt Á.

Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định: Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm Covid do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Bị can Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á.

Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt: Việt đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền "hoa hồng" cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Danh sách các quan chức “xộ khám” vụ Việt Á gồm: Nguyễn Minh Tuấn (nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế);  Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế);

Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ).

Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á;

Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương;

Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An - Nguyễn Thị Hồng Thắm - Kế Toán trưởng CDC Nghệ An;

Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong (Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên - nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường - Kế toán trưởng, phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương.

Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC Bắc Giang;

Phan Huy Văn - Giám đốc Công ty Phan Anh (có trụ sở tại Bắc Giang) và Phan Thị Khánh Vân (chị ruột Văn);

Bắt 4 cán bộ Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao

Cũng liên quan đến đại dịch COVID-19, ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" trong việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Các quan chức tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao xộ khám.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và lệnh khám xét đối với 4 bị can, gồm: Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lưu Tuấn Dũng - Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.

Toàn cảnh vụ án Kit test Việt Á. (Nguồn: VTV).

comment Bình luận