Bệnh nhân tăng huyết áp cần ăn uống và kiêng khem như thế nào?

Nếu kiểm soát tốt huyết áp bằng phương pháp thay đổi lối sống, người bệnh có thể tránh, trì hoãn hoặc giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp - loại thuốc nếu phụ thuộc sẽ không có lợi cho sức khỏe.
16:31 | 29/11/2019

Tăng huyết áp là bệnh gì?

 

Cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp, xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Bạn có thể mắc cao huyết áp trong nhiều năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, không có triệu chứng nhưng về lâu dài bạn có thể mắc các biến chứng tăng huyết áp trầm trọng bao gồm đau tim và đột quỵ.
 
Khi đo huyết áp người ta dùng hai số đó là huyết áp tâm thu (số đứng trước) và huyết áp tâm trương (số đứng sau). Ví dụ như 120 trên 80 (viết làm 120/80 mmHg). Bạn bị cao huyết áp khi một hoặc cả hai chỉ số quá cao so với bình thường. Huyết áp bình thường hầu như thấp hơn 120/80 mmHg. Cao huyết áp (tăng huyết áp) khi huyết áp của người bệnh đạt mức 140/90mmHg hoặc có thể là cao trong một khoảng thời gian dài. Nếu chỉ số huyết áp thu được là cao hơn 120/80mmHg nhưng dưới 140.90mmHg thì đó là tiền cao huyết áp. Lưu ý, những chỉ số trên đây áp dụng đối với những người không dùng thuốc huyết áp và chưa có tiền sử bệnh.
 
Thừa cân có thể khiến huyết áp tăng cao
Thừa cân có thể khiến huyết áp tăng cao
 
Cao huyết áp vô căn thường không có nguyên nhân cụ thể, thường xuất hiện là do di truyền (xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ giới) và cao huyết áp thứ cấp là hệ quả của một số bệnh như bệnh thận; bệnh tuyến giáp; u tuyến thượng thận; sử dụng thuốc (tránh thai, thuốc cảm, cocaine..) hoặc tiêu thụ rượu quá mức quy định.
 
Khi được xác định mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh sẽ nghĩ ngay đến phương pháp dùng thuốc để khống chế tức thời. Tuy nhiên, sự thật việc lạm dụng thuốc sẽ không có lợi cho sức khỏe người dùng. Và thói quen sống lành mạnh đóng vai trò chủ chốt trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp.
 

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

 

Thực tế cho thấy, huyết áp và cân nặng thường theo tỷ lệ thuận. Một trong nhiều lý do dẫn đến mối quan hệ này là thừa cân có nguy cơ gây ra rối loạn hô hấp khi ngủ - nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát phổ biến. Đương nhiên, giảm cân là một trong số cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Theo thống kê của các chuyên gia, chỉ số huyết áp sẽ giảm khoảng 1mmHg mỗi kilogam người bệnh giảm.
 
Bên cạnh đó, hoạt động thể chất thường xuyên (chẳng hạn như 150 phút mỗi tuần, 30 phút mỗi ngày) có thể giúp giảm khoảng 5-8mmHg chỉ số huyết áp. Điều quan trọng, người bệnh cần phải kiên trì với thói quen tập thể dục thường xuyên. Bởi nếu ngưng tập sẽ lại có nguy cơ tăng huyết áp. Một số bài tập người bệnh tăng huyết áp có thể áp dụng thường xuyên là đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ… Những bài tập có cường độ tập luyện cao xen kẽ với các giai đoạn phục hồi nhẹ cũng được áp dụng tích cực nếu thể trạng người bệnh đáp ứng tốt.
 
Chế độ ăn quan trọng đối với người bệnh cao huyết áp
Chế độ ăn quan trọng đối với người bệnh cao huyết áp
 
Một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc lập kế hoạch chăm sóc người bệnh huyết áp cao đó chính là xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh. Áp dụng một chế độ ăn giàu ngũ cốc, trái cây, rau và sản phẩm từ sữa ít béo; đồng thời bỏ qua chất béo bão hòa, cholesterol… có thể làm giảm chỉ số huyết áp tới 11mmHg. Một lưu ý nhỏ là bạn cần cân nhắc vấn đề tăng kali, kali có thể làm giảm tác dụng của natri đối với huyết áp. Người bệnh nên sử dụng nguồn kali từ thực phẩm thay vì thuốc bổ sung hoặc thực phẩm chức năng. Mỗi người sẽ có hàm lượng kali tối ưu riêng cho bản thân. Bởi vậy bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
 
Ngay cả việc giảm một chút natri trong chế độ ăn uống cũng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm chỉ số huyết áp khoảng 5-6mmHg. Và hạn chế tiêu thụ muối là bước điển hình trong việc chăm sóc người bệnh cao huyết áp. (1500mg natri là lý tưởng cho hầu hết người trưởng thành). Để an toàn cho sức khỏe người bệnh, bạn nên hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn; có thể dùng thảo mộc hoặc gia vị khác để thay thế muối; giảm lượng natri tiêu thụ từ từ để cơ thể kịp thích nghi…
 
Người cao huyết áp nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà
Người cao huyết áp nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà
 
Rượu và thuốc lá là những chất kích thích, mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người bệnh cao huyết áp. Bỏ rượu và thuốc lá giúp huyết áp trở lại phạm vi lý tưởng, bên cạnh đó còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể cho người bệnh. Ngoài ra, người ta vẫn đang tranh luận sự tác động của caffein đối với chỉ số huyết áp. Để kiểm chứng, người bệnh có thể kiểm tra huyết áp sau 30 phút uống đồ có chứa caffein. Nếu chỉ số tăng lên 5-10mmHg, kết luận người dùng nhạy cảm với tác dụng tăng huyết áp của caffein.
 
Điều đặc biệt, tình trạng căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới hiện tượng tăng huyết áp. Bởi vậy, điều quan trọng với người bệnh cao huyết áp là nên giữ tinh thần thoải mái, tránh rơi vào trạng thái căng thẳng… để hiệu quả kiểm soát huyết áp được ổn định. Người bệnh nên có dụng cụ theo dõi huyết áp tại nhà để điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống… phù hợp và tái khám bác sĩ nếu tình trạng huyết áp cao kéo dài, tránh nguy hiểm cho người bệnh.
 
 
Như Quỳnh (t/h)
 
comment Bình luận