Chân dung người phụ nữ cứu vớt cuộc đời đệ tử của Khánh “trắng”

Có lẽ cuộc đời chị cũng sẽ êm đềm như bao người phụ nữ khác, nếu không có một ngày nên duyên với đại ca giang hồ nổi tiếng Triệu “con”, “phó tướng” của ông trùm khét tiếng Hà thành -Khánh “trắng”...
9:53 | 16/10/2019

“Gái ngoan” phải lòng trai giang hồ


Trước khi dệt nên duyên với người vợ hiện tại, Triệu từng trải qua một cuộc hôn nhân. Vì nghèo, Triệu ăn ở cùng người phụ nữ, có với chị hai mặt con nhưng không hề ràng buộc hôn thú. Một lần, vì tranh giành đất, Triệu đánh người gây thương tích và bị tòa xử tù 3 năm. Triệu vào trại, gia cảnh càng thêm khốn khó. Người vợ chán nản bỏ đi biệt tích nên hai đứa con nhỏ phải dựa vào sự cưu mang của ông bà nội. Ở trong trại biết tin ấy, Triệu đã thề sẽ chém chết bất kỳ đứa nào dám giành miếng ăn của mẹ mình và 2 đứa con. Sau mấy năm cải tạo, Triệu ra trại với hai bàn tay trắng. Dẫu vậy, tiếng tăm của thời chưa “xộ khám” vẫn khiến nhiều người kiêng nể.

Lúc bấy giờ, dù là một tay anh chị nhưng gia cảnh của Triệu cũng còn rất khó khăn. Để nuôi mẹ già và hai con nhỏ, Triệu phải làm việc quần quật. Trong một lần đi làm, Triệu đã may mắn gặp được người phụ nữ tuyệt vời của cuộc đời mình là chị Nguyễn Thị Bình. Thuở ấy, chị Bình vừa bước sang tuổi 18, nết na xinh đẹp, từng được nhiều người gắn cho danh hiệu hoa khôi của đất Hà thành. Năm đầu tiên sau tốt nghiệp, Bình đã thi đỗ vào hai trường đại học danh tiếng, đang chờ giấy báo nhập học. Với vẻ đẹp và tài năng ấy, có rất nhiều người theo đuổi, thế nhưng chẳng hiểu duyên nợ gì, hôm ra chợ tình cờ gặp Triệu, chị đã bị mê hoặc bởi người đàn ông bụi trần sương gió.
 
Chân dung người phụ nữ cứu vớt cuộc đời đệ tử của Khánh “trắng”
Ngày "Triệu con" cùng Khánh "trắng" ra tòa (Ảnh Internet)

Ban đầu, Triệu cứ nghĩ chị đùa bởi một cô gái xinh đẹp, học hành tử tế, con nhà đàng hoàng, ai lại đi yêu một gã dân xã hội như anh. Thế nhưng, nghe chính miệng Bình thổ lộ lời yêu, sẵn sàng bỏ tất cả theo anh đến cùng trời cuối đất, Triệu mới dám tin diễm phúc đến với mình là sự thật. Ông trùm bốc xếp đón nhận nó trong niềm hạnh phúc vô tận. Thế nhưng, vừa hay tin con gái yêu gã “giang hồ chợ Long Biên”, cha mẹ Bình đã kịch liệt phản đối. Cứ nhắc đến mối tình của chị thì bạn bè, người thân ai nấy đều ngán ngẩm lắc đầu. Chẳng ai lý giải được vì sao, một người con gái tuổi trăng tròn vừa xinh đẹp, tài giỏi lại chấp nhận gắn cuộc đời mình với một kẻ vào tù ra tội, từng có vợ và phải nuôi hai con nhỏ. Trước mối tình “ngang trái” này, nhiều người đã đàm tiếu, có người nói rằng, vì quá trẻ con nên Bình bộp chộp, không biết phân biệt đúng sai, chỉ làm theo cảm xúc. Nhưng miệng đời cay nghiệt hơn, người ta bảo rằng chị muốn vươn tới một vị trí ngoài xã hội bằng việc nhờ “mác” của Triệu để thống lĩnh thế giới giang hồ chợ Long Biên và làm “bà hoàng”. Bỏ tất cả ngoài tai, chị bảo vệ chính kiến và sự lựa chọn của mình. Bình yêu người đàn ông chị trao trái tim bằng một tình yêu đúng nghĩa, không chút toan tính.

Theo Triệu về làm vợ, Bình chấp nhận gác bút nghiên trong sự giông bão của búa rìu dư luận. Về ở với nhau được một thời gian, Bình có bầu và sinh con. Những ngày đó, cuộc sống của chị thật êm đềm, bởi Triệu vừa yêu thương, vừa chiều chuộng vợ con hết mực. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Năm 1996, Triệu “con” bị bắt cùng đàn anh Khánh “trắng” và “tập đoàn bốc xếp” chợ Long Biên. Nghe tin ấy, chị Bình đau đớn đến quặn lòng. Giấc mơ về hạnh phúc của chị thế là không còn trọn vẹn. Lúc này, dù vẫn còn rất trẻ, Bình một nách nuôi hai con riêng của chồng cùng một người con chung, nuôi mẹ chồng, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn xuống đôi vai gầy người phụ nữ trẻ.

Đức hi sinh hiếm có của người vợ quyết giúp chồng hoàn lương


Năm ấy, tòa xử Triệu “con” 8 năm tù giam, nhiều nhân vật cốt cán trong “tập đoàn bốc xếp” kiểu giang hồ của Khắng “trắng” cũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tin Triệu đi tù khiến cõi lòng Bình tan nát. Ngày lấy anh, chị đã phải chịu quá nhiều tai tiếng. Giờ thì mỗi lúc ra đường, chị lại bị người ta dị nghị: “Sướng không biết hưởng lại ôm của nợ vào thân”. Các con chị đến trường cũng bị bạn bè phân biệt: “Không chơi với con nhà giang hồ”. Biết được những chuyện ấy, lòng chị lại quặn thắt. Nhưng rồi vì cuộc sống, niềm tin vào sự hoàn lương của chồng, chị cắn răng nén tất cả nỗi đau đớn, tủi nhục vào lòng, quết tâm vượt qua.

Để có cái ăn, chị Bình ra chợ đầu mối Long Biên bán hoa quả. Với một cô gái ngoài 20 tuổi chưa một lần va vấp thì việc phải đứng ra gánh vác kinh tế cho một gia đình thực sự không phải là chuyện đơn giản. Hàng ngày tất bật hàng hoa quả ngoài chợ, tối về lại lo cho ba đứa con, nhưng ngày qua tháng đến, chị vẫn không quên sắp xếp thời gian dẫn con lên trại thăm chồng như một cách động viên để anh cải tạo tốt sớm trở về với gia đình.

Khó có thể nói hết những khó khăn vất vả mà Bình đã trải qua suốt thời gian chồng đi tù. Đó là lí do vì sao sau này mãn hạn, Triệu đã vững tâm hoàn lương và luôn thương yêu chị bằng sự trân trọng tuyệt đối. Nhắc đến vợ, có lần Triệu chia sẻ chân thành rằng: “Cô ấy không chỉ là người khiến tôi mê mẩn vì yêu mà còn mang ân tình sâu nặng”. Chính chị là người giúp người đàn ông lầm lỡ hiểu hơn về giá trị của gia đình và hạnh phúc thực sự khi trở thành người có ích cho xã hội. Chị đã cho anh niềm tin đi qua những năm tháng tối tăm nhất của cuộc đời. Để đến hôm nay, khi cuộc sống viên mãn, anh vẫn tin cuộc gặp gỡ ấy là định mệnh.
 
Chân dung người phụ nữ cứu vớt cuộc đời đệ tử của Khánh “trắng”
Ngôi nhà khang trang của vợ chồng anh Triệu ( Ảnh Báo ĐS&HN)

Nhờ cần mẫn làm ăn, cần kiệm tích góp, vợ chồng Triệu đã có số vốn xây được ngôi nhà khang trang trên mảnh đất cha mẹ để lại. Gã giang hồ từng khiến bao người phải khiếp sợ và thiếu nữ “Hoa khôi Hà thành” ngày nào giờ đã lên chức ông bà nội và vui vẻ sống nhờ nguồn thu nhập từ vựa trái cây lớn ở chợ Long Biên. Mọi hỉ nộ ái ố trong đời đã dần lùi vào dĩ vãng. Nhìn gia cảnh đầm ấm của anh chị, nhiều người đã ví von so sánh: “Triệu “con” giờ ngoan như cún con”. Để có sự hoàn lương của Triệu “con”, ngoài quyết tâm bản thân không thể thiếu vai trò của người vợ giàu đức hi sinh. Anh Triệu tâm sự: “Người ta nói “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” nhưng vợ tôi thì khác. Những năm tháng tôi đi tù, nếu không có Bình thì hai đứa con riêng của tôi chẳng biết sẽ ra sao. Vợ tôi thương mẹ chồng có khi hơn cả mẹ đẻ ấy chứ. Với tôi, cuộc đời này phải mang ơn vợ”.

Nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc, hai người con riêng của ông Triệu đã trưởng thành và có gia đình riêng, công việc ổn định. Người con gái chung của hai vợ chồng, ngày Triệu đi tù vừa chập chững biết đi, nay đã bước vào tuổi 18 xinh xắn, giỏi giang. Mấy năm trước, vợ chồng Triệu lại sinh thêm một bé trai, ngôi nhà hạnh phúc ngập tràn tiếng cười khi thêm thành viên mới. Và tình yêu của hai người đã trở thành chuyện tình cổ tích không giới hạn được nhiều người ái mộ.
 
 
 
 
Theo Tú Linh/ĐS&HN
 


comment Bình luận