Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt trong trị liệu bệnh xương khớp

Bên cạnh việc dùng thuốc thì châm cứu, xoa bóp bấm huyệt cũng là phương pháp điều trị hiện nay được mọi người quan tâm và sử dụng.
7:07 | 25/02/2019
\"\"

Chúng ta đều biết các bệnh xương khớp thường gặp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống lưng, cổ, gối, đau dây thần kinh tọa đều là bệnh mạn tính, người bệnh rất khó chữa khỏi hoàn toàn mà thường phải chung sống với bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu với mục đích giảm đau, ngăn chặn bệnh tiến triển.

Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị của y học cổ truyền

Châm là phương pháp dùng kim châm cứu xuyên qua da kích thích vào huyệt vị để chữa bệnh. Còn cứu dùng ngải nhung cuốn thành điếu ngải, đốt lửa rồi hơ lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, thông qua sự kích thích ấm nóng này làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật.

Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu. Tóm lại, châm cứu là một phương pháp chữa bệnh sử dụng những công cụ khác nhau như: kim châm, ngải... nhằm kích thích vào các huyệt đạo trên cơ thể chữa bệnh.

Việc châm cứu có tác dụng hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, phù chính khử tà (nâng cao sức đề kháng của cơ thể, trừ khử nguyên nhân gây bệnh) và giảm đau.

Châm cứu được chỉ định để điều trị nhiều bệnh khác nhau như đau đầu, tai biến mạch máu não, đau lưng, đau dây thần kinh tọa, liệt dây VII ngoại biên… Trong đó với bệnh đau nhức xương khớp thì châm cứu có hiệu quả rất tốt. Mỗi vùng đau trên cơ thể như: hông, gối, cột sống lưng, cổ đều có những huyệt đạo hiệu quả riêng.

Xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh

Xoa bóp bấm huyệt là biện pháp phòng và chữa bệnh đơn giản. Với đặc điểm dùng bàn tay, ngón tay là chính để tác động lên huyệt, da thịt, gân khớp của người bệnh.

Xoa bóp bấm huyệt có rất nhiều lợi ích nếu được thực hiện đúng kỹ thuật, đúng chỉ định, xoa bóp bấm huyệt có thể mang lại những hiệu quả rất tốt.

Lợi ích của xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt là kích thích vật lý, tác động trực tiếp vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết qua đó nâng cao khả năng hoạt động của hệ thần kinh, nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể.

Xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ góp phần chống viêm, giảm phù nề, và tăng cường oxy cho việc trao đổi chất.

Xoa bóp còn kích thích hệ thống lympho, làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể.

Xoa bóp giúp điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương. Từ đó làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, và điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột và cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da.

\"\"

Đối với bệnh cơ xương khớp, xoa bóp làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Trong các bệnh khớp, gân, dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, từ đó gây đau, hạn chế vận động. Xoa bóp có thể cải thiện các tình trạng trên. Xoa bóp thường xuyên làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.

Xoa bóp còn có nhiều tác dụng khác góp phần phục hồi sức khỏe.

Xoa bóp ứng dụng với các bệnh xương khớp dưới đây:

Chấn thương phần mềm: Các chứng sái, bầm dập, trật khớp ở các khớp xương dây chằng, cơ gân.

Các thương tổn do mệt mỏi ở cơ và dây chằng: Mỏi cơ cổ, mỏi cơ lưng, mỏi cơ thắt lưng, viêm gân gót chân, viêm khớp đầu gối, hai xương gót chân.

Đối với tất cả các bệnh trên, liệu pháp xoa bóp đều mang lại hiệu quả tốt đẹp.

Lưu ý tránh các trường hợp không được xoa bóp

Tổn thương hở ở phần mềm: Vết dao chém, súng bắn, gãy xương.

Viêm tủy xương, lao xương, ung thư xương,...

Bệnh có tính xuất huyết nghiêm trọng như máu trắng, bệnh xuất huyết da giản tiểu cầu.

Một số bệnh truyễn nhiễm cấp tính: lao phổi, viêm gan virus,...

Đau bụng, đau lưng ở phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt.

Người đang mệt mỏi quá độ, đang đói hoặc vừa uống rượu xong.

comment Bình luận