CEO Lê Quốc Bình của CII phải lo 2,5 tỷ đồng trả lãi/ngày nhưng vẫn muốn vay cả ngàn tỷ tiếp

Nợ phải trả của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) lên tới con số 22.267 tỷ đồng, tăng 1.724 tỷ đồng so với báo cáo đầu năm 2020. Chỉ trong vòng 3 tháng của quý I/2020, CII phải trả tới 228 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng…
14:26 | 01/06/2020

Trước con số nợ nần ngày càng tăng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội chưa biết khi nào mới được phép thu phí, khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng, phát hành trái phiếu… liệu CEO Lê Quốc Bình có vượt qua được “sóng gió”?

Lộ danh sách “chủ nợ” của CII

Trước nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật ngày càng gia tăng của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nguồn vốn ngân sách của nhà nước còn hạn chế, cuối năm 2001 Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) đã được thành lập với ba cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TPHCM (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương và Dịch vụ XNK Thanh Niên Xung Phong TPHCM (VYC) và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ TPHCM (INVESCO).

Chủ tịch HĐQT của CII hiện nay là ông Lê Vũ Hoàng, sinh năm 1946, tại Bến Tre. Trước khi về CII làm Chủ tịch (vào ngày 06/9/2013), ông Hoàng từng làm Chủ tịch HĐQT của Công ty CP BOO nước Thủ Đức, Công ty CP Nhà máy nước Đồng Tâm.

Tổng giám đốc của CII hiện nay là ông Lê Quốc Bình, sinh ngày 25/02/1972 tại Đà Nẵng. Trước khi về làm Thành viên HĐQT CII (06/9/2013), ông Bình từng đảm nhiệm các chức vụ như: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận, thành viên HĐQT Công ty CP Cấp nước Kênh Đông.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, quý I/2020 của CII, doanh nghiệp này đang có tổng nguồn vốn là hơn 31 ngàn tỷ đồng, trong đó đa phần là “nợ phải trả”. Phần vốn chủ sở hữu của CII hiện có 8.911 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu chiếm 2.831 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường (tổng giá trị của số cổ phần của một công ty niêm yết) của CII hiện chỉ ở mức 4.609 tỷ đồng.

Điều đáng lưu tâm, khoản nợ phải trả của CII đang tăng lên từng ngày, tính đến 31/3/2020, nợ phải trả của CII lên đến 22.267 tỷ đồng, tăng 1.724 tỷ đồng so với báo cáo đầu năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn là 10.776 tỷ đồng, nợ dài hạn là 11.491 tỷ đồng. Đa phần khoản “nợ phải trả” của CII đến từ ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, CII đang là “con nợ” lớn nhất của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với 3.639 tỷ đồng dài hạn và 24 tỷ đồng ngắn hạn;

Nợ dài hạn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 2.183 tỷ đồng và 127 tỷ đồng ngắn hạn;

Nợ của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là 429 tỷ đồng dài hạn;

Nợ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 675 tỷ đồng ngắn hạn và gần 60 tỷ đồng dài hạn; Ngân hàng ACB, ADB cũng cho CII vay dài hạn khoảng 47 tỷ đồng;

Ngoài ngân hàng, CII cũng đang nợ ngắn hạn của các công ty chứng khoán số tiền 353 tỷ đồng, trái phiếu đến hạn là 1.759 tỷ đồng…

CII cũng đang nợ của Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV SUMI TRUST Chi nhánh Đà Nẵng số tiền 1.169 tỷ đồng.

Trong các dự án mà CII thực hiện như (B.T, BOT) đa phần vốn thực hiện dự án đều đi vay. Cụ thể, tại Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội có tổng mức đầu tư là 4.905 tỷ đồng, trong đó CII chỉ bỏ 20% số tiền, 80% còn lại là đi vay. CII cũng đã thế chấp toàn bộ quyền quản lý, thu phí giao thông, quyền thụ hưởng bảo hiểm… dự án mở rộng xa lộ Hà Nội cho phía “chủ nợ”. Dự án này hiện nay CII chưa thể thu phí vì còn vướng vấn đề pháp lý mặc dù lãnh đạo CII đã nhiều lần ra thông báo sẽ tiến hành thu phí.

Tại dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu và cầu Cổ Chiên (Bến Tre) có tổng mức đầu tư là 1.752 tỷ đồng thì CII chỉ có 30% vốn thực hiện, 70% còn lại là đi vay.

Gánh nặng nợ nần khiến chi phí lãi vay của CII tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 31/3/2020, CII phải trả tới 228 tỷ đồng tiền lãnh vay (trong khi đó cùng kỳ năm 2019 chỉ có 156 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày, lãnh đạo CII phải “kiếm ra” khoảng 2,5 tỷ đồng để trả lãi ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Chuyên gia tài chính cho rằng, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là CII đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho CII vay nữa hay không.

Vẫn muốn huy động thêm hàng ngàn tỷ đồng

Mặc dù nợ phải trả lên đến hơn 22 ngàn tỷ đồng, mỗi ngày CII phải trả tới 2,5 tỷ đồng lãi vay nhưng báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đấy, lãnh đạo CII vẫn muốn huy động thêm gần 3.000 tỷ đồng bằng hình thức “phát hành trái phiếu kèm chứng quyền”.

Báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thừa nhận: “Dịch Covid-19 đã trực tiếp tác động tiêu cực đến khả năng huy động vốn của tất cả các doanh nghiệp, trong đó có CII. Nguồn tín dụng trong nước cũng được siết chặt nhằm giảm thiểu khả năng nợ xấu phát sinh do dịch bệnh cũng như ưu tiên hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, cầu đường bị hạn chế đến mức tối đa. Do những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn ngân hàng và trái phiếu, CII cần đưa ra một phương án huy động vốn hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và phù hợp với lợi ích cổ đông hiện hữu để huy động đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu hoàn thành các dự án đang đầu tư dở dang”.

Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội của CII vẫn chưa được phép thu trở lại.

CII cho biết, thời gian vừa qua đã đàm phán với nhà đầu tư về việc phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Theo đó, nhà đầu tư sẽ đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền do CII phát hành và được cấp quyền mua tối đa 62.000.000 cổ phiếu CII”. CII dự kiến phát hành trái phiếu đợt 1 để huy động số tiền 1.239 tỷ đồng và đợt 2 là 1.600 tỷ đồng.

Đối với thị trường chứng khoán, cổ phiếu CII đang mất giá thê thảm khi dừng ở mức 19,4 ngàn đồng/cổ phiếu (tính đến ngày 1/6).

Thừa nhận vấn đề mất giá, văn bản của ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII nêu: “Cổ phiếu CII đã giảm sâu từ mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2020 xuống còn 18.000 đồng/cổ phiếu vào 31/3/2020 và chỉ mới phục hội quanh mức 19.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị cổ phiếu của CII hiện tại đang bị định giá thấp mà không dựa trên hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này đã gây thiệt hại đến lợi ích của cổ đông hiện hữu, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ”.

Trước con số nợ nần ngày càng tăng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội chưa biết khi nào mới được phép thu phí, khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng, phát hành trái phiếu… liệu CEO Lê Quốc Bình có vượt qua được “sóng gió”? Trước những “mảng tối” không mấy đẹp đẽ về bức tranh kinh tế của CII, liệu những nhà đầu tư có còn tiếp tục “gửi gắm niềm tin” để mua trái phiếu tại doanh nghiệp này?

comment Bình luận