Cắt giảm hơn 95% thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành

Từ khi triển khai phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo Nghị định 15 và Nghị định 155, Việt Nam đã cắt giảm hơn 95% số thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm hơn 80% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm.
7:36 | 25/01/2019
\"\"
 

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã ban hành quy định thay đổi phương thức quản lý trong lĩnh vực thực phẩm. Từ khi triển khai tiền kiểm sang hậu kiểm, có hơn 90% sản phẩm thực phẩm doanh nghiệp tự công bố, thực hiện các thủ tục hành chính trên mội trường mạng cấp độ 4, bảo đảm tính minh bạch, công khai trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, với việc ban hành Nghị định 15 đã tiết kiệm cho xã hội được khoảng 7,75 triệu ngày công và 3.100 tỷ đồng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm qua, tình hình ngộ độc thực phẩm đã được kiểm soát, các chỉ tiêu đều giảm so với năm 2017. Giảm 31,5% vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 15,1% số mắc và giảm 33,3% số người chết vì ngộ độc.

Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. “Tình trạng sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên đầu tư trang thiết bị, máy móc, kiến thức an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa cao. Vì lợi nhuận, không ít cơ sở sản xuất vẫn cố tình đưa ra thị trường một số loại thực phẩm không bảo đảm an toàn”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay một số cơ quan, đơn vị địa phương được giao quản lý an toàn thực phẩm chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vì nhiều lý do, trong đó có một phần buông lỏng quản lý. Điều kiện đầu tư nhân lực, vật lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở các tuyến (nhất là tuyến quận/huyện, xã/phường) còn quá khiêm tốn.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, tới đây ngành y tế sẽ rà soát, ban hành và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm (điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm tại các tuyến); Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, ngành y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Bộ Y tế cũng nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm ở các tuyến. Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu xây dựng các mô hình quản lý có hiệu quả đối với các loại hình bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.

comment Bình luận