'Cạo trọc' rừng tự nhiên để... lấy gỗ

Hàng chục héc ta rừng tự nhiên ở huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam bị 'lâm tặc' đốt cháy trụi, 'cạo trọc' trong thời gian dài. Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ không thương tiếc.
9:13 | 09/08/2021
Một khoảnh rừng lớn bị đốt cháy /// ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Một khoảnh rừng lớn bị đốt cháy. ẢNH: MẠNH CƯỜNG


Điểm nóng phá rừng

Nhận được phản ánh của người dân địa phương về tình trạng phá rừng tự nhiên quy mô lớn tại thôn 5 (xã Phước Hiệp, H.Phước Sơn, Quảng Nam), đầu tháng 8, PV Thanh Niên đã tìm cách thâm nhập hiện trường.

Từ QL14E, mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ men theo con đường vận chuyển keo của người dân, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng. Đứng tại Km số 3 đường cao su, phóng tầm mắt xung quanh có thể thấy nhiều khoảnh rừng lớn bị “cạo trọc”, đốt cháy, chỉ toàn màu đen và tàn tro.

Đặc biệt, nhiều cây gỗ lớn có đường kính 40 - 80 cm bị chặt hạ với vết cắt còn rất mới, gỗ đã được vận chuyển đi nơi khác. Nhiều cây khác bị đốn hạ, đốt cháy nằm trơ gốc ngổn ngang khắp sườn núi.

Anh N.V.K (ở xã Phước Hiệp) cho hay tham gia phá rừng chủ yếu là một số người từ H.Hiệp Đức (Quảng Nam) lên. Tình trạng phá rừng diễn ra mấy năm nay. “Các đối tượng thường lợi dụng ban đêm để khai thác gỗ.

Khi khai thác xong sẽ cho xe cơ giới men theo con đường cao su cắt rừng vào vận chuyển ra ngay trong đêm, đưa về điểm tập kết tại khu vực Khe Dứa của H.Hiệp Đức. Cây gỗ sau khi đốn hạ sẽ được cẩu đi, chứ không xẻ ra từng phách tại chỗ như trước đây nữa nên giảm thiểu được rất nhiều thời gian”, anh K. nói.

Theo anh K., chưa thể xác định cụ thể diện tích rừng tự nhiên đốt trụi, tàn phá là bao nhiêu nhưng theo quan sát bằng mắt thường là cả vùng rộng lớn hàng chục héc ta. Những cây gỗ lớn bị chặt hạ chủ yếu là gỗ chuồn, chò xanh, sơn huyết… “Thỉnh thoảng cũng thấy kiểm lâm đi tuần tra nhưng không hiểu sao lại không phát hiện hoặc khởi tố được một vụ phá rừng nào”, anh K. thắc mắc.

Ông Alăng Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ H.Phước Sơn, thừa nhận khu vực thôn 5 (xã Phước Hiệp) giáp ranh với H.Hiệp Đức tình trạng phá rừng xảy ra dai dẳng và trở thành “điểm nóng” phá rừng của huyện. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuần tra nhưng khi lực lượng rút thì các đối tượng lại vào khai thác. “Khu vực rừng bị tàn phá do xã Phước Hiệp quản lý.

Tuy nhiên, trách nhiệm của BQL đóng trên địa bàn khi thấy xảy ra phá rừng thì chúng tôi đã cử anh em tham gia hỗ trợ cùng các ngành chức năng tiến hành đo đạc hiện trường để điều tra”, ông Ngọc chia sẻ.

'Cạo trọc' rừng tự nhiên để... lấy gỗ1
'Cạo trọc' rừng tự nhiên để... lấy gỗ2

Những cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc. ẢNH: MẠNH CƯỜNG


Làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân

Ông Ung Duy Ba, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Phước Sơn, cho hay khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá đã nhiều lần lực lượng lên kế hoạch để phục kích, truy bắt nhưng các đối tượng khai thác quá tinh vi, khu vực này lại giáp ranh với H.Hiệp Đức nên rất là khó.

“Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Khu vực này khi tuần tra lực lượng chức năng thu giữ nhiều tang vật nhưng về con người thì chưa bắt được và chưa khởi tố vụ án nào. Điều đáng nói, địa hình rộng trong khi đó về lực lượng con người thì quá mỏng nên rất khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn”, ông Ba nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết hiện đã nắm được thông tin từ báo cáo của UBND xã Phước Hiệp về vụ khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật tại khoảnh 6, tiểu khu 646 xã Phước Hiệp.

“Huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm H.Phước Sơn chủ trì phối hợp với Công an huyện và UBND xã Phước Hiệp vào cuộc xác minh, điều tra. Chúng tôi cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân để xảy ra phá rừng. Đồng thời, yêu cầu phải sớm hoàn thành hồ sơ để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Trung khẳng định.

Theo ông Trung, hiện các ngành chức năng vẫn đang xác định diện tích bị tàn phá; số lượng gỗ bị mất và còn lại ở hiện trường là bao nhiêu. “Theo báo cáo từ UBND xã Phước Hiệp thì đây là một vụ phá rừng nghiêm trọng.

Vì vậy, huyện sẽ có trách nhiệm đốc thúc các ngành chức năng sớm điều tra để có kết luận cuối cùng. Huyện yêu cầu lực lượng chức năng phối hợp với xã Phước Hiệp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, lâm phận quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm”, ông Trung thông tin thêm.

 

Khởi tố vụ đốt thực bì gây cháy cây rừng

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho biết liên quan đến vụ đốt thực bì gây cháy lan rừng ở xã Phước Kim (H.Phước Sơn), sau khi khám nghiệm hiện trường, các cơ quan chức năng đã thống nhất xử lý hình sự, chuyển toàn bộ hồ sơ để Công an H.Phước Sơn tiếp tục điều tra, xử lý.

Trước đó, BQL rừng phòng hộ Phước Sơn đã hợp đồng với đơn vị thi công là Công ty TNHH Tuấn Zin xử lý thực bì toàn bộ diện tích 20 ha của dự án trồng rừng thay thế tại khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 689 (xã Phước Kim), trong đó có 0,72 ha mật độ cây gỗ dày (đường kính trung bình từ 6 - 40 cm).

Lúc thực hiện, Hạt Kiểm lâm H.Phước Sơn có gửi công văn yêu cầu ban không xử lý thực bì ở khu vực 0,72 ha cây gỗ trên. Ngày 8 - 9.5.2021, đơn vị thi công đốt thực bì gây cháy toàn bộ diện tích cây gỗ này và lan sang rừng phòng hộ bên cạnh. Hiện UBND H.Phước Sơn cho dừng dự án trồng rừng.

 

Nhiều vụ cháy rừng liên tiếp ở Quảng Ngãi

Ngày 8.8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết những ngày qua đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Gần nhất là ngày 6.8 xảy ra hai vụ cháy rừng tại điểm giáp ranh hai xã Phổ Cường và Phổ Hòa, TX.Đức Phổ.

Vụ cháy này do người dân đốt thực bì làm cháy lan; các lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, chính quyền và người dân địa phương được huy động dập lửa, đến sáng 7.8 thì đám cháy được khống chế; khoảng 1,5 ha rừng trồng sản xuất bị thiệt hại.

Đến trưa 7.8, một đám cháy rừng lại xảy ra tại xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) và lan rộng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã huy động lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy, hạn chế tối đa việc cháy lan.

Trước đó, ngày 5.8, tại xã Sơn Linh, H.Sơn Hà cũng đã xảy ra vụ cháy rừng, làm ảnh hưởng đến đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.

Lực lượng kiểm lâm và lực lượng truyền tải điện Quảng Ngãi, người dân địa phương đã khẩn trương dập tắt đám cháy này.

Theo thống kê, trong mùa khô năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 24 vụ cháy rừng, làm thiệt hại khoảng 18 ha, chủ yếu là rừng trồng.

Phạm Anh
comment Bình luận