Cảnh giác chiêu trò của ứng dụng cho vay tiền quảng cáo trên mạng xã hội

Các ứng dụng cho vay tiền online ngày càng nở rộ và lừa được rất nhiều khách hàng. Người vay tiền online như bị đưa mê hồn trận, một khi đã rơi vào tròng là không còn lựa chọn!
9:20 | 01/10/2019

Quá nhanh nhưng cũng quá nguy hiểm


Ngày 26/8 vừa qua - chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ Gò Công, Tiền Giang) đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Do không có tiền trả nợ các ứng dụng (app) cho vay trên mạng, chị Mai đã bị các đối tượng cho vay "khủng bố”, đăng hình ảnh lên mạng xã hội bêu rếu, gọi điện dọa dẫm người thân… khiến chị rơi vào cảnh tuyệt vọng, bế tắc, không chịu đựng nổi và phải tìm đến thuốc sâu để tự tử.

Nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ một ngày đầu tháng 7, chị Mai đang lướt Facebook thì thấy hiện lên một ứng dụng cho vay tiền online tên là "Vayvay". Đang lúc cần 8 triệu đồng để cho người thân vay, chị Mai liều nhấp thử vào ứng dụng trên để vay tiền.

Để vay tiền, chị Mai phải tải ứng dụng về điện thoại di động. Ứng dụng này thông báo yêu cầu cho phép truy cập vào danh bạ, hình ảnh và vị trí trên điện thoại để "tăng tỉ lệ duyệt hồ sơ đến 99%". Không nghĩ ngợi gì, chị Mai nhanh chóng nhấp vào "đồng ý". Để vay được tiền, ứng dụng cũng yêu cầu chị Mai phải chụp ảnh giấy tờ tùy thân và khuôn mặt của mình để đối chiếu. Sau vài thao tác, chỉ mất khoảng 2 phút chị Mai đã nhận được tiền về tài khoản.
 
Tuy nhiên, do ứng dụng "Vayvay" này giới hạn số tiền vay nên chị Mai đã thực hiện vay tiền ở 3 ứng dụng khác nữa là "Samsetvay", "I Dong" và "V Dong". Các ứng dụng này đều giới hạn người dùng chỉ được vay từ 1-4 triệu đồng.

"Thấy việc vay tiền dễ dàng và đặc biệt là lãi suất thấp nên tôi không nghĩ ngợi gì mà liên tục thao tác để vay tiền. Ai ngờ đó là cái bẫy được giăng sẵn", chị Mai kể lại sau khi qua cơn "thập tử nhất sinh".
 
Cảnh giác chiêu trò của ứng dụng cho vay tiền quảng cáo trên mạng xã hội

Được biết, để đánh vào tâm lý người dùng, các ứng dụng cho vay quảng cáo là cho vay lãi suất thấp, thậm chí 0%. Tuy nhiên, không tính lãi nhưng các ứng dụng lại "đẻ" ra đủ loại phí để trừ tiền khách hàng như "phí hồ sơ", "phí dịch vụ", "phí quản lý"... tính ra các app này đang cho vay với mức giá cắt cổ. Như trường hợp của chị Mai, chỉ sau chưa đầy 2 tháng, từ số tiền 8 triệu ban đầu, nay tổng số nợ của chị lên tới 200 triệu đồng và… vẫn chưa hết!

Chị Mai cho biết, dù các ứng dụng cho vay không tính lãi suất nhưng lại tính "chi phí làm hồ sơ". Riêng khoản tiền này đã chiếm tới 30-50% khoản vay và bị trừ luôn vào số tiền người vay nhận được.

"Khi đăng ký vay 1,5 triệu đồng, tôi chỉ thực nhận 1 triệu, còn 500.000 đồng họ giữ lại với lý do trừ 'phí hồ sơ'. Hơn nữa, tôi chọn thời gian trả là 30 ngày nhưng khi mọi việc xong xuôi thì hạn trả chỉ còn có 7 ngày. Đến ngày thứ 7 tôi phải trả đủ 1,5 triệu dù chỉ vay được 1 triệu đồng", chị Mai bức xúc.

Không những vậy, cứ quá hạn 1 ngày người vay sẽ bị thêm "phí quản lý", thực chất là lãi suất 2%.
 
Chị Mai kể, 6 ngày sau khi vay được tiền, một người tự xưng là nhân viên bên các ứng dụng cho vay tiền gọi điện nhắc chị trả nợ. Sang đến thứ 7, người gọi điện bắt đầu dọa nạt, khủng bố tinh thần bằng nhiều cách khác nhau để hối thúc trả nợ chẳng kém gì xã hội đen.
Sau khi khiến chị Mai hoảng sợ, các đối tượng cho vay tung chiêu trò dụ dỗ, gợi ý chị Mai vay thêm tiền từ các ứng dụng khác để… trả nợ cho ứng dụng cũ.

"Đang lúc bấn loạn thì nhân viên của ứng dụng đó gọi hướng dẫn tôi vay tiền từ ứng dụng khác để trả cho ứng dụng cũ. Cũng như những lần trước, tôi chỉ cần nhấp vào một đường link liên kết là đến một ứng dụng khác để vay tiền và trả cho ứng dụng cũ", chị Mai kể.
 

Một ngày nhận trăm cuộc điện thoại đòi nợ


Chị Mai tiếp tục đăng ký vay 2 triệu đồng thì chỉ thực nhận chỉ được khoảng 1,4 triệu. Và cứ đến gần ngày trả nợ, nhân viên của các ứng dụng cho vay lại liên tục gọi cả trăm cuộc điện thoại để "khủng bố". Không chỉ chị Mai, mà những người có tên trong danh bạ của chị cũng bị các đối tượng này gọi điện tới mắng nhiếc, chửi bới, yêu cầu thúc ép chị Mai trả nợ. Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh của chị Mai và người thân cũng bị các đối tượng cắt ghép rồi đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ.
 
Cảnh giác chiêu trò của ứng dụng cho vay tiền quảng cáo trên mạng xã hội
Các đối tượng cho vay nhắn tin dọa dẫm, thậm chí cắt ghép hình ảnh, đăng tin "bôi nhọ" người vay tiền. Ảnh: CAND

Cứ mỗi lần đến hạn trả tiền, không còn cách nào khác chị Mai lại phải vay tiền từ ứng dụng mới để trả cho ứng dụng cũ. Sau 2 tháng chị đã vay tiền từ 64 ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên, theo chị Mai, một số ứng dụng cũ vẫn không xóa nợ cho chị mà tiếp tục gọi điện khủng bố, để ép đưa thêm tiền. Không thể chịu đựng nổi, chị Mai đã phải uống thuốc trừ sâu tự tử. May thay, người nhà chị phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu.

Anh Lê Hải Đăng - chồng chị Mai cho biết, anh không hay biết gì chuyện chị Mai vay tiền cho đến một ngày, có số điện thoại lạ gọi điện đe dạo anh, nói không trả tiền thì sẽ có chuyện xấu xảy ra.

"Thương vợ thương con, tôi ráng chạy vạy tiền để trả nhưng cứ trả được khoản này lại lòi ra khoản khác. Mỗi ngày có cả trăm cuộc điện thoại gọi để đòi nợ. Những khoản nợ đều từ việc vay cũng như tiền lãi phát sinh trên các ứng dụng cho vay online. Chỉ từ 8 triệu đồng ban đầu, nay tôi đã trả gần 200 triệu nhưng vẫn chưa dứt. Hết cách rồi!".

Anh Đăng, đến nay anh đã phải trả cho các ứng dụng với số tiền khoảng 200 triệu đồng thế nhưng vẫn còn nợ gần 100 triệu đồng nữa. Không còn khả năng trả nợ, anh Đăng quyết định trình báo cơ quan công an về sự việc trên.
 
Ngày 10/9, theo thông tin từ lãnh đạo Công an thị xã Gò Công, đơn vị đã nhận được đơn thư tố cáo của anh Lê Hải Đăng về vụ việc nói trên và đang điều tra làm rõ sự việc.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/09/30/Vay 8 triệu qua app, sau 3 tháng trả 170 triệu vẫn chưa sạch nợ- VTV24_30092019224843.mp4[/presscloud]
Video: VTV24

Qua tìm hiểu của PV, loại hình tín dụng online kiểu này này đang hoạt động rất rầm rộ. Hàng loạt ứng dụng, trang web cho vay tiền được quảng cáo trên Facebook, YouTube. Chỉ cần gõ tìm app vay là có thể tìm thấy gần cả trăm ứng dụng với nhiều mời gọi rất hấp dẫn như vay tiền siêu tốc, vay tiền lấy liền, lãi suất thấp nhất, vay tiền nhanh - cho vay nhanh…

Không chỉ riêng chị Mai, đã có rất nhiều người đã trở thành "nạn nhân" của các ứng dụng vay tiền trên. Tất cả các ứng dụng đều có điểm chung là thủ tục vay online đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng khi chậm trả là bị đòi nợ theo kiểu "giang hồ".
 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, hình thức cho vay tiền qua ứng dụng là một dạng tín dụng đen bằng công nghệ và đang lách luật để hoạt động. Phương thức của các đối tượng cho vay rất tinh vi, sử dụng công nghệ cao để lấy được hình ảnh, thông tin cá nhân của người đăng ký vay qua app. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện nay, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, để được hoạt động cho vay tín dụng thì cần phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Không những vậy, việc đưa hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội với nội dung bôi nhọ là vi phạm luật dân sự quy. Cá nhân người vay có thể kiện đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm của mình.

 
Kiều Đỗ (t/h)
comment Bình luận