Cảnh báo nguy cơ bệnh đau mắt đỏ lây lan thành dịch trong dịp lễ

Từ đầu mùa hè, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 200 trường hợp bệnh nhân đau mắt đỏ. Các bác sĩ cảnh báo bệnh có nguy cơ lan thành dịch trong dịp lễ.
13:51 | 27/04/2019

Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ trong mùa hè

Mùa hè năm 2019 đến sớm với thời tiết nóng bức ngay từ đầu mùa mang đến rất nhiều phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt của người dân và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thương gặp. Trong đó, các bệnh về mắt thường gặp nhiều nhất trong mùa hè. Nguyên nhân đến từ thời tiết nóng bức cùng với việc ô nhiễm môi trường, khói bụi, chọn thuốc không an toàn hay sử dụng thuốc không đúng cách.

Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện mắt Trung ương. (Ảnh: Vietnam+)

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, số lượng bệnh nhân đến khám mắt tăng lên từng ngày khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, có những ngày bệnh viện mắt tiếp nhận đến 3000 bệnh nhân tới khám, trong khi những ngày thường chỉ khoảng 1000 bệnh nhân. Đặc biệt, từ đầu tháng Tư tới nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 200 trường hợp bệnh nhân đau mắt đỏ do virus. Đáng lưu ý, có nhiều ca khi thấy mắt sưng đỏ lại sử dụng thuốc sai cách gây hậu quả nặng nề.

Theo bác sĩ Cương, do tính chất lây lan mạnh, bệnh đau mắt đỏ dễ xảy ra ở cả gia đình. “Một cái dụi mắt của người bệnh rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang vi rút ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với vi rút từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh", BS Hoàng Cương cảnh báo.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ xảy ra ở cả gia đình.

Sai lầm khi tự chữa đau mắt đỏ

Bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo người dân khi mắc bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomyxin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethazon.

Theo bác sĩ Cương, khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng. Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.

Với đau mắt đỏ, nếu kết luận bệnh nhân không có tổn thương ở đáy mắt, không có biến chứng giác mạc, bác sĩ có thể kê corticoid liều thấp, ngắn ngày để bệnh nhân nhanh khỏi hơn, đỡ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt.

Nhưng nếu bệnh nhân đã có biến chứng tổn thương giác mạc, tuyệt đối không nhỏ mắt corticoid, vì sẽ khiến tình trạng đau mắt đỏ trầm trọng hơn.

Bác sĩ cảnh báo bệnh nhân đau mắt đỏ cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa.

Chưa kể, lạm dụng corticoid kéo dài còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm không chỉ cho mắt (như gây tăng nhãn áp, tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực… mà còn có thể gây những triệu chứng toàn thân. Vì thế, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chứa corticoid trong điều trị.

Do đo, bác sĩ Cương chỉ rõ, người dân khi mắc bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh trên thị trường, cần phải sử dụng thuốc có chất lượng theo chỉ định của bác sĩ. Khi mắc bệnh về mắt, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa, không tự kê đơn, tự mua thuốc điều trị.

Chủ động phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, thời điểm hiện tại bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan nhanh chóng, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ, khi các khu vui chơi và những nơi công cộng khác sẽ tập trung nhiều người. Nguyên nhân là do virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay.

Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, mỗi người nên có thói quen, đó là vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch.

Bác sĩ Cương cũng khuyến cáo, cách cơ bản nhất là cần tách nguồn gây bệnh, tách xa khỏi nguồn gây bệnh. Cách phòng bệnh thụ động thứ 2 là đeo khẩu trang, đeo kính, không nói chuyện với bệnh nhân ở khoảng cách gần để giảm bớt nguy cơ. Tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, cốc uống nước, nên thay giặt ga trải giường...

Bác sĩ cũng khuyên mọi người nên nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên để phòng bệnh đau mắt đỏ.

Bác sĩ cũng khuyên mọi người nên nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên, bởi nếu có virus tình cờ bám vào mắt thì khi nhỏ nước muối sinh lý sẽ rửa trôi đi. Đây là cách làm an toàn nhất, rẻ tiền nhất.

Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, hãy cách ly để phòng lây lan cho người thân trong gia đình. Dùng nước muối sinh lý rửa mắt mỗi ngày 4 - 5 lần để rửa trôi vi rút. Cần lưu ý không dùng chung lọ nước muối, không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.

Người bị đau mắt đỏ cũng cần cho mắt nghỉ ngơi, ngừng lướt máy tính, điện thoại, tivi, nhắm mắt, nhìn xa... để tránh hiện tượng chói, chảy nước mắt.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Trang Vũ (t/h)

comment Bình luận