Cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm CotriPro như ‘thần dược’

Mặc dù không phải là thuốc, chỉ là thực phẩm hỗ trợ nhưng trên internet hiện nay đang có thông tin quảng cáo thực phẩm CotriPro của Dược phẩm Thái Minh (dạng viên uống và gel bôi) như là thần dược, có thể chữa dứt điểm bệnh trĩ.
8:22 | 24/09/2021

Đăng tải nội dung "thổi phồng' công dụng về thực phẩm chức năng

Trên trang web có tên miền Cotripro.vn hiện đăng tải hàng trăm bài viết quảng cáo cho 2 sản phẩm là Viên uống Cotripro và Cotripro Gel (dạng bôi) có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng, thông tin “thổi phồng” công dụng nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng.

Chỉ có tác dụng bồi bổ, hỗ trợ nhưng lại quảng cáo như thuốc điều trị.

Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng bổ dưỡng, hỗ trợ trong điều trị nhưng trên website Cotripro.vn lại khẳng định: “Cotripro thấm trực tiếp vào búi trĩ làm giảm nhanh các triệu chứng đau rát, chảy máu, sưng viêm sau 3-5 ngày sử dụng. Kiên trì dùng Cotripro Gel giúp săn se và co búi trĩ hiệu quả”. Nhiều bài viết “nổ” công dụng như: “Viên uống Cotripro được bổ sung thêm thành phần Slippery Elm được nhập khẩu từ Hoa Kỳ và TumeroPine, tác động sâu vào bên trong, làm tăng sức bền thành mạch, co búi trĩ và ngăn ngừa các nguy cơ tái phát”. Những thông tin quảng cáo như trên dễ gây “ngộ nhận” cho người tiêu dùng về khả năng điều trị “dứt điểm” bệnh trĩ bằng sản phẩm Cotripro? Cotripro là thực phẩm chức năng nhưng lại quảng cáo công dụng “thần dược” chẳng khác gì thuốc chữa bệnh?

Trang web Cotripro.vn còn đăng tải nhiều bài viết kiểu “phóng sự” như: Bí quyết thoát trĩ của anh lái xe đất Mỏ; Sa búi Trĩ chớ bỏ quên lá cúc tần; Bà bầu mắc bệnh Trĩ nên chữa thế nào?; 10 Cách giảm sưng đau trĩ nhanh chóng tức thời; Cắt mổ trĩ hết bao nhiêu tiền? Nên cắt mổ trĩ ở đâu tốt?... Rồi ngang nhiên lồng ghép thông tin, hình ảnh sản phẩm Cotripro vào như là phương pháp chữa bệnh trĩ hiệu quả nhất.

Ngang nhiên đăng tải nhiều bài viết dạng "thư cảm ơn" nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Website Cotripro.vn còn đăng tải trái phép những bài viết gây hoang mang cho người bệnh như: Hiểm họa khi cắt mổ trĩ tại phòng khám không uy tín; Phòng khám không có giấy phép nhưng vẫn nhận cắt mổ trĩ “bất chấp” cho người bệnh; Cẩn thận với những phòng khám trĩ kê khống, “quảng cáo nổ”, chữa bệnh ẩu… Cuối cùng, mục đích của các loại bài viết này là dẫn dắt người đọc nên mua và sử dụng sản phẩm Cotripro.

Mặc dù quy định pháp luật nghiêm cấm việc quảng cáo thực phẩm chức năng dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm…

Tuy nhiên, website cotripro.vn đang đăng tải hàng loạt bài viết dưới dạng “chia sẻ của khách hàng” và có nội dung khẳng định như: Đã dùng rất nhiều loại thuốc nhưng cứ được 1 thời gian thì đâu lại đấy, khi sử dụng cotripro thì điều trị dứt bệnh, không tái phát…

Ngang nhiên đăng tải những bài viết trái phép nhằm gây hoang mang, lo sợ cho người tiêu dùng.

Trên website của Shopee đăng bán sản phẩm Cotripro cũng khẳng định: làm co búi trĩ tối đa, đồng thời tăng sức bền thành mạch, giúp ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

Trên website của Cục An toàn thực phẩm nhiều lần cảnh báo: Quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi lừa dối.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng cho biết: Tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên facebook diễn ra rất tràn lan. Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”, “Đông y trị nhức xương khớp”... Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh.

Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao” - PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng.

Theo tìm hiểu, thực phẩm Cotripro là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh (Địa chỉ: Số 3, ngõ 2, phố Thọ Tháp, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Hiện ông Nguyễn Quang Thái đang là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Ngoài ra, ông Thái cũng đang đứng tên tại các doanh nghiệp khác như: Công ty CP Y khoa Đức Thành, Công ty CP Mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ Mềm…

 

Vào tháng 6/2020, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông L.N.A (29 tuổi, thường trú xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu, tạm trú huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) số tiền 20 triệu đồng vì hành vi quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Theo đó, ông L.N.A đã đăng tải nội dung quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khương Thảo Đan (của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh) trên website soytebackan.vn. có thể gây hiểu nhầm thực phẩm này có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Tháng 4/2020, Cục An toàn thực phẩm phát hiện sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tràng phục linh Plus quảng cáo vi phạm qui định pháp luật, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, nội dung quảng cáo sản phẩm tại đường dẫn này còn nhiều sai phạm khác như quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, sử dụng danh tính bác sỹ, bệnh nhân để quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng. Được biết, Tràng phục linh Plus tiếp thị bởi Công ty TNHH và Thực phẩm Chức năng Lohha, phân phối bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh.

Vào tháng 6/2019, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Phát hiện 40 nhãn hàng tiếp tục quảng cáo trong các clip phản động trên Youtube. Trước đó, Cục đã nhận được giải trình của 15 công ty, trong đó có Công ty CP Dược phẩm Thái Minh.

 

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động quảng cáo có dấu hiệu sai phạm, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng về các sản phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

comment Bình luận