Cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng Hatachi trên nhiều website

Ngày 25/8/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người dân không nên mua thực phẩm chức năng Hatachi đang quảng cáo lừa dối trên nhiều website.
9:14 | 25/08/2020

Cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hatachi trên các website

Các website có nội dung quảng cáo sản phẩm Hatachi sai phạm là: https://www.thuocdantoc.org/hatachi-tri-bac-toc.html, https://hoanluu.com/hatachi.html, https://ihs.org.vn/vien-uong-hatachi-24136.html.

Cụ thể, trên website có tên miền https://www.thuocdantoc.org/hatachi-tri-bac-toc.html đang quảng cáo Hatachi như sau: "Hatachi trị bạc tóc là viên uống chức năng tham gia vào quá trình điều hòa khí huyết, bồi bổ thể trạng, từ đó khắc phục tình trạng rụng tóc. Những công dụng của viên uống Hatachi được nhà sản xuất công nhận bao gồm bồi bổ máu, tăng cường điều thông khí huyết, giúp hỗ trợ sức khỏe và tăng cường sức đề kháng. Làm chậm quá trình lão hóa, ngăn rụng tóc, hỗ trợ phụ hồi mái tóc hư tổn. Phòng tránh tình trạng tóc bạc sớm do di truyền hay tình trạng hói đầu. Kích thích nang tóc phát triển, bổ sung dưỡng chất cho mầm tóc mới mọc trở lại. Hỗ trợ đem đến mái tóc khỏe khoắn, dày dặn, tăng độ đàn hồi của sợi tóc. Hỗ trợ tái thiết cấu trúc tóc hư tổn và làm đen mái tóc. Điều hòa hormone, giảm lo âu, giúp người dùng giữ được tinh thần thoải mái."

Tuy nhiên trên thực tế, thực phẩm chức năng vốn chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật… Vì thế, người tiêu dùng không tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không nên tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhiều lần phản ánh về việc thực phẩm chức năng quảng cáo làm loạn thị trường như hiện nay: Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”.

Nhiều website lợi dụng các đài truyền hình lớn như VTV2, VTV1, VTC, H1 để lồng ghép, cắt ghép thành một video quảng cáo hoàn chỉnh để tăng tương tác, thu hút khách và bán Hatachi

Các chuyên gia cũng cho rằng, các công ty kinh doanh sử dụng rất nhiều chiêu trò, mánh khóe khiến người tiêu dùng hoàn toàn tin vào công dụng này như lợi dụng các đài truyền hình lớn như VTV2, VTV1, VTC,...để lồng ghép, cắt ghép thành một video hoàn chỉnh. Thoáng qua, người đọc sẽ lầm tưởng sản phẩm được VTV công nhận và quảng cáo, nhưng hoàn toàn là chiêu trò để tăng tương tác, thu hút khách và bán hàng của doanh nghiệp.

Được biết, sản phẩm này được Công ty Cổ phần Đầu tư Akina Đông Á có địa chỉ tại Km 30 Đại lộ Thăng Long, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Công ty này được thành lập vào tháng 4/2009 hiện tại do ông Nguyễn Công Khanh làm đại diện pháp luật.

Website này còn tự hào là website chính thức của nhà phân phối cung cấp sản phẩm Hatachi chính hãng, làm việc uy tín chất lượng và mức giá hết sức hợp lý. Chỉ với 850.000 đồng/lọ Hatachi.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, phần lớn quảng cáo thực phẩm chức năng/TPBVSK qua mạng xã hội không đúng sự thật. Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo.

Họ lấy danh nghĩa bài thuốc Đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật. Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...

Thực phẩm chức năng/TPBVSK trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định.

Nhiều đơn vị luôn quảng cáo nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, TPBVSK trong khi đây là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng, TPBVSK nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.

Vì vậy, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

comment Bình luận