Cẩn trọng với thông tin quảng cáo làm đẹp bằng công nghệ PRP tại Thẩm mỹ viện La Ratio

Trả lời trên báo chí, Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định, hiện kỹ thuật PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép thực hiện tại các cơ sở làm đẹp, nếu các cơ sở vẫn thực hiện là phạm luật. Tuy nhiên, Thẩm mỹ viện La Ratio vẫn công khai quảng cáo dịch vụ này...
11:00 | 27/01/2021

La Ratio đang công khai quảng cáo dịch vụ PRP.

Tuy nhiên, suốt trong thời gian dài, Thẩm mỹ viện La Ratio thuộc Công ty TNHH Y tế Seoul (182 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, TP.HCM) quảng cáo dịch vụ làm đẹp bằng công nghệ PRP. Tại địa chỉ có tên miền https://laratio.vn/dieu-tri-mun-seo/cay-prp-tri-seo-ro-1926 đăng quảng cáo: “PRP được ứng dụng trong làm đẹp để trẻ hóa da, điều trị sẹo rỗ, trị nám, tàn nhang. Không chỉ dừng ở đó, PRP còn được sử dụng để điều trị hói rụng tóc, thoái hóa khớp, loét khó lành, tắc nghẽn mạch máu,... Vì thế,  nó được xem là phương pháp điều trị các khuyết điểm về da cũng như các bệnh lý trong y học vô cùng hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay…

Mặc dù La ratio chỉ là Phòng khám thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, nhưng trên website, cơ sở này lại “nổ”: "Cấy PRP điều trị sẹo rỗ tại Viện thẩm mỹ La Ratio được thực hiện theo một quy trình chuẩn, được Bộ Y tế cấp phép nên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi khách hàng…”.

Bài viết quảng cáo trên trang web của La Ratio.

Quy trình cấy PRP tại La Ratio được giới thiệu gồm “7 bước”, trong đó, bước thứ 7 là: “Thực hiện kĩ thuật bóc tách đáy sẹo đối với các sẹo: ice pick scar, boxcar,...; Tiêm vi điểm trực tiếp vào vùng sẹo và các vùng da xung quanh; Lăn kim, phi kim kết hợp; Điện di lạnh; Đắp mặt nạ dịu da + chiếu đèn; Hoàn thành và dặn dò ra về”.

Bài viết của La Ratio cho rằng: “Viện thẩm mỹ La Ratio với đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia thẩm mỹ có hơn 12 năm kinh nghiệm chính là địa chỉ uy tín hàng đầu trong việc điều trị các vấn đề về da. La Ratio cùng công nghệ PRP trẻ hóa da chắc chắn sẽ mang đến cho bạn liệu trình thẩm mỹ an toàn, hiệu quả cao”.

Tuy nhiên, khẳng định nhiều lần trên báo chí, Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng: Hiện nay, Bộ Y tế chưa cho phép sử dụng kỹ thuật trẻ hóa và phục hồi làn da bằng công nghệ tế bào gốc tự thân (PRP). Bộ Y tế chỉ cho phép sử dụng công nghệ tế bào gốc tự thân trong điều trị các bệnh lý liên quan tới khớp, chống lão hóa…

La Ratio quảng cáo việc tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu từ máu lấy ra của bệnh nhân/khách hàng. Ảnh laratio.vn

Phản ánh trên Báo Phụ nữ TP.HCM, một cán bộ thuộc Phòng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo rầm rộ kỹ thuật PRP trên trang web, Facebook nhưng khi đoàn thanh tra đến làm việc thì các cơ sở này thường chối, cho rằng chỉ quảng cáo chứ không thực hiện.

Thậm chí có cơ sở còn đăng quảng cáo kỹ thuật PRP trẻ hóa da trên tạp chí, nhưng giải thích với đoàn thanh tra rằng chỉ quảng cáo vậy chứ không thực hiện hoặc chỉ sử dụng tế bào gốc thực vật (được Bộ Y tế cho phép) để chăm sóc da chứ không sử dụng tế bào gốc tự thân. Theo quy định, hiện Sở Y tế chỉ quản lý phòng khám và các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, còn các spa, thẩm mỹ viện thông thường thì do quận, huyện cấp phép, quản lý và tuyệt đối không được triển khai các kỹ thuật xâm lấn, sử dụng dao kéo gây chảy máu như xăm môi, xăm mắt, tẩy nốt ruồi, tiêm thuốc, phẫu thuật, lăn kim… Việc các thẩm mỹ viện và spa quảng cáo sai sự thật, thực hiện các kỹ thuật vượt quá phạm vi cho phép vẫn diễn ra phổ biến. Vị cán bộ này cũng khẳng định, hiện Bộ Y tế chưa cho phép ứng dụng tế bào gốc trong điều trị thẩm mỹ ở các cơ sở tư.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Võ Thanh C. (ngụ tại Q.8, TP.HCM) trong tình trạng mặt sưng tấy, da chảy đầy dịch và mủ, mắt, môi sưng húp. Theo lời kể của người nhà, C. vừa đến một cơ sở thẩm mỹ để xóa sẹo rỗ trên mặt bằng kỹ thuật PRP. Theo tư vấn của nhân viên, C. phải làm năm liệu trình, giá 28 triệu đồng nhưng vừa làm được một liệu trình thì bị tai biến. Là người trực tiếp điều trị cho C., bác sĩ Nguyễn Hữu Hà - Phó khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM - nhận định, cũng may C. đến bệnh viện sớm, nếu để tình trạng nhiễm trùng kéo dài, có thể dẫn đến viêm màng não, nguy hiểm đến tính mạng do vị trí tổn thương rất gần với não.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hà, khoa vẫn thường tiếp nhận nhiều trường hợp bị mụn rộp do nhiễm Herpes, dị ứng, da thâm đen, thậm chí bị nhiễm trùng nặng do làm đẹp bằng lăn kim. Lăn kim tạo vi tổn thương để kích thích tế bào tăng sinh, tái tạo, là phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trước hết, nếu kim lăn không rõ nguồn gốc, bảo quản kim không đạt chuẩn thì việc tái sử dụng có thể gây viêm nhiễm vi-rút HIV, vi-rút viêm gan A, B, C. Nếu kỹ thuật viên không có kinh nghiệm, lăn kim không đúng cách sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch, mao mạch máu dẫn đến tụ huyết dưới da, làm da đen sạm và phải tốn rất nhiều chi phí để điều trị cho da bình thường trở lại.

Ngoài ra, dưỡng chất bôi lên da sau khi lăn kim, nếu không bảo đảm vệ sinh (quy trình quay ly tâm không đảm bảo) cũng có thể gây dị ứng da. Làn da chỉ tăng sinh tế bào khi lăn kim lần đầu, số lần lăn kim càng tăng thì quá trình tăng sinh càng giảm, thậm chí mất luôn tiến trình tăng sinh đã tạo ra trước đó.

Trên Báo Nhân dân vừa có bài viết: “Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn khi làm đẹp bằng máu tự thân”. Theo bài báo, sử dụng máu tự thân để làm đẹp tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cấp và mạn tính trên da. Đặc biệt, phương pháp sử dụng máu nên nếu không thực hiện theo quy trình bảo đảm vô khuẩn chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và lây truyền các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B.

Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận không ít bệnh nhân phải đến điều trị sau khi làm đẹp bằng phương pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hay còn gọi là làm đẹp bằng máu tự thân.

ThS. BSCK2 Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đặc điểm chung của các bệnh nhân này là tình trạng nhiễm khuẩn cấp và mạn tính trên da. Một số trường hợp đến muộn dẫn tới hình thành các "nốt sẩn, nang" trên da mặt, dẫn đến phải điều trị kéo dài, khó khăn. Với những tổn thương này, để hồi phục phải mất ít nhất từ sáu tháng đến một năm. Các bệnh nhân cho biết, họ hầu hết đều làm tại các thẩm mỹ viện không được phép thực hiện các thủ thuật y khoa cũng như liệu pháp PRP.

Đề nghị Sở Y tế TP.HCM sớm có kiểm tra và xử lý về thực trạng quảng cáo trái phép dịch vụ tại Thẩm mỹ viện La Ratio.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Cổng thông tin Quốc gia, Công ty TNHH Y tế Seoul thành lập từ tháng 8/2016, người đại diện pháp luật là ông Võ Thành Trung.

Còn trên website của Sở Y tế TP.HCM, địa chỉ 182 Điện Biên Phủ là địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Y tế Seoul - Viện thẩm mỹ Laratio được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động số 06686/HCM-GPHĐ, ngày 10/10/2018 dưới hình thức “Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ”. Chưa rõ, Sở Y tế (hoặc Bộ Y tế) đã cấp phép cho La Ratio được sử dụng phương pháp tiêm tinh chất giảm béo hay chưa (?!).

Trước đó, vào tháng 7/2020, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa tiến hành xử phạt Công ty TNHH Y tế Seoul số tiền 38 triệu đồng do có vi phạm tại địa điểm kinh doanh Viện thẩm mỹ Laratio (182 Điện Biên Phủ, phường 06, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) vì: Không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; Kinh doanh trang thiết bị y tế không có giấy chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài việc ra quyết định xử phạt, Thanh tra Sở Y tế còn tiến hành “tịch thu” trang thiết bị y tế bị phát hiện là không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài quảng cáo làm đẹp bằng công nghệ PRP, trên website của La Ratio còn đang quảng cáo dịch vụ "Tiêm tinh chất giảm béo Dr. Slim". Tuy nhiên, những hệ lụy mà dịch vụ này mang lại không ít. Rất nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nhiều người vì sử dụng dịch vụ tiêm tinh chất giảm béo.
Trên báo Pháp luật TP.HCM phản ánh: PGS-TS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, cho biết tiêm thuốc giảm béo có nguy cơ hủy hoại tế bào mỡ, phá vỡ tế bào mạch máu, thần kinh hoặc những tế bào chung quanh. Điều này dẫn đến nguy cơ gây viêm, thậm chí gây hoại tử da tại chỗ. “Chưa hết, tiêm thuốc giảm béo còn có nguy cơ gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong” - ông Hùng lưu ý.
Theo ông Hùng, nhiều biến chứng nguy hại do tiêm thuốc giảm béo gây ra nên Brazil và một số nước châu Âu cấm hoặc không khuyến cáo sử dụng.
“Thuốc giảm béo thực sự được sử dụng nhằm mục đích điều trị tắc phổi do tắc mỡ. Thế nhưng sau đó thuốc này bị lạm dụng sử dụng trong làm đẹp, giảm béo và được lan truyền từ châu Âu qua châu Á. Thuốc được tiêm dưới da và ít nhiều có tác dụng giảm béo 2-3 năm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu chính thức.
Ở Việt Nam, mặc dù Bộ Y tế chưa cho phép sử dụng kỹ thuật tiêm thuốc giảm béo nhưng một số thẩm mỹ viện, spa lén lút quảng cáo và thực hiện, bất chấp hậu quả cho khách hàng” - ông Hùng nói.
comment Bình luận