Cẩn trọng trước gói 'sở hữu kỳ nghỉ' của Alma Resort, mất tiền để được... phiền toái

Mô hình “sở hữu kì nghỉ” đã có mặt từ vài năm nay và đã được nhiều người biết đến. Vì tồn tại nhiều bất cập trong vấn đề pháp lý do chưa có một văn bản cụ thể nào về quy định hợp đồng, điều này đã dẫn đến hàng trăm vụ khiếu nại, khởi kiện của khách hàng tới chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng dưới hình thức này.
8:25 | 02/07/2020

Điển hình là Khu nghỉ dưỡng ALMA Resort Cam Ranh do Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường đầu tư xây dựng.

Tọa lạc tại Bãi Dài, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà, được quảng bá là khu nghỉ dưỡng ALMA gồm 400 căn hộ và 200 Villa hướng biển, đầy đủ tiện nghi và đã chính thức đi vào hoạt động từ 29/12/2019. Khối công trình ALMA Resort Cam Ranh được đầu tư dưới hình thức “sở hữu kỳ nghỉ”.

Trả hàng trăm triệu đồng chỉ…. để thuê phòng

Theo như hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thì khi khách hàng ký vào hợp đồng với giá trị khoảng từ 300 – 800 triệu đồng, khách hàng sẽ được lưu trú tại những khu nghỉ dưỡng sang trọng trong vòng 1 tuần mỗi năm, việc này sẽ kéo dài trong vòng 40 năm và nếu khách không còn thích ở nơi đó thì chuyển sang các khu khác ngay cả ở nước ngoài. Nhưng đây chỉ là tiền thanh toán nơi lưu trú còn các dịch vụ khác thì vẫn phải tự chi trả.

Hợp đồng Sở Hữu kỳ nghỉ của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường với khách hàng

Theo một số khách hàng sử dụng khu nghỉ dưỡng Alma resort, thì một căn hộ loại A với giá trị 334 triệu đồng cho 52 tuần có mức phí duy trì hay phí quản lý là 7,5 triệu đồng (mức tối đa) cho 1 năm , còn đối với căn hộ loại H thì mức phí lên tới 15 triệu đồng (mức tối đa) cho 1 năm, và dù có sử dụng hay không thì khách hàng vẫn phải trả phí này và thậm chí khách phải trả thêm 15% của tất cả các chi phí (còn được gọi là “chi phí hoạt động”).

Ngoài việc đóng các khoản phí trong hợp đồng, trong năm tiếp theo công ty sẽ lập bảng chi phí hoạt động và gửi hóa đơn cho khách. Điều này đồng nghĩa khả năng khách sẽ phải trả bất kỳ khoản chi phí nào công ty đề ra. Cũng theo hợp đồng mẫu của ALMA, nếu pháp luật Việt Nam yêu cầu công ty phải đóng thêm khoản phí nào, công ty sẽ đóng và khách hàng phải hoàn trả.

Khách hàng phải trả phí dù có sử dụng hay không và nếu có chi phí phát sinh thì khách hàng cũng phải trả

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng còn tố các dịch vụ của resort thiếu thốn như: không có xà bông, không có dép đi trong phòng, không vật dụng cá nhân…

Chèo kéo cụ ông 86 tuổi ngay tại sự kiện

Cụ thể, theo đơn khiếu nại của gia đình khách hàng Bùi Minh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) – các nhân viên tư vấn của ALMA đã tư vấn để ông Tâm hiểu sai vấn đề từ "được hưởng mỗi năm 1 kỳ nghỉ 7 ngày" thành "được hưởng 1 căn nghỉ dưỡng ở tại ALMA Resort".

Tại hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” số PBRC-H-036928 được ông Bùi Minh Tâm ký tại sự kiện ngày 18/3/2020 có giá trị 20.000 USD (khoảng 467 triệu VND).

Sau khi trừ các “khuyến mãi” được hưởng ông Tâm phải thanh toán tổng số tiền 357.561.000 VND, trong đó phải thanh toán 30% giá trị hợp đồng là 107.268.300 VND ngay trong ngày ký hợp đồng.

Còn số tiền 70% giá trị hợp đồng còn lại là 250.292.700 VND sẽ thanh toán dần trong 7 tháng tiếp theo.

Hợp đồng của ông Bùi Minh Tâm với công ty

Được biết, ông Bùi Minh Tâm là thương binh 86 tuổi, sức khoẻ đã suy giảm và không còn đủ minh mẫn đến tham dự sự kiện do ALMA tổ chức tại Hà Nội, các nhân viên đã ALMA đã "khéo léo" tư vấn để ông Tâm hiểu sai về quyền lợi hợp đồng ký kết, sau đó đưa ông Tâm đi thẳng đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm nộp cho ALMA ngay trong ngày.

Hiện tại ông Tâm đã đóng cọc 108 triệu đồng và khi gia đình phát hiện nên đã dừng lại. Gia đình mong muốn trả lại cọc và hủy hợp đồng nhưng đại diện phía ALMA Resort trả lời sẽ không trả lại số tiền đó và cố tình trốn tránh trách nhiệm trong các buổi làm việc.

Người nhà của ông Tâm bức xúc chia sẻ: “Sau khi ngon ngọt dụ dỗ được ông cụ, 3 nhân viên của ALMA đã trực tiếp đưa đón ông cụ bằng ô tô đến thẳng ngân hàng để rút tiền (sau đó 3 nhân viên này trực tiếp nhận tiền của ông cụ ngay trên xe ô tô). Khi ông đưa gần 108 triệu đồng cho nhân viên Alma xong thì tôi phát hiện và ngăn lại, chứ nếu không ông còn phải nộp tiếp mấy trăm triệu nữa.”

Người dân bị "lừa" mua kỳ nghỉ dưỡng Alma resort của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường

Theo tìm hiểu, sau khi trường hợp của ông Tâm phát giác, ngày 15/5, nhiều khách hàng khác cũng đã lên trụ sở công ty phản ánh, đồng thời gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng.

Khách hàng là người thua thiệt, bài học nhãn tiền

Tháng 11/2018, TAND TP Nha Trang tuyên án sơ thẩm, không chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn khởi kiện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường về hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án “Alma Nha Trang” ở Bãi Dài, bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Vụ án dân sự sơ thẩm vừa tuyên là vụ đầu tiên trong số 39 vụ khách hàng kiện chủ dự án "Alma Nha Trang" về hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án này.

Theo TAND TP Nha Trang, ngay hôm nay và liên tiếp những ngày sắp tới, tòa sẽ tiếp tục xét xử sơ thẩm các vụ kiện còn lại trong hàng loạt vụ khách hàng kiện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Vịnh Thiên Đường), cũng tranh chấp về hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang".

Trong vụ án vừa được xét xử, nguyên đơn là hai ông bà khách hàng đã khởi kiện, yêu cầu TAND TP Nha Trang xét xử, tuyên hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" tại dự án "Alma Nha Trang" là vô hiệu và buộc doanh nghiệp bán kỳ nghỉ là Công ty Vịnh Thiên Đường phải trả lại cho nguyên đơn toàn bộ số tiền đã thu.

Theo nguyên đơn, sau khi đã nộp các khoản tiền tổng cộng hơn 348 triệu đồng cho Công ty Vịnh Thiên Đường và ký kết "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ "tại dự án "Alma Nha Trang", nguyên đơn mới biết dự án chưa được xây dựng và nằm tận trong khu Bãi Dài, bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa.

Dự án hoàn toàn không phải "đang được xây dựng tại TP Nha Trang" hay "nằm bên bờ vịnh Nha Trang" và không thể "nằm trong phòng nghỉ ở Alma thấy vịnh NhaTrang" như công ty đã giới thiệu, quảng cáo.

Ngoài ra, theo nguyên đơn, nhà đầu tư dự án "Alma Nha Trang" không phải là một tỉ phú người Israel như Công ty Vịnh Thiên Đường đã giới thiệu để bán kỳ nghỉ cho khách hàng.

Theo nguyên đơn, với những thông tin không đúng sự thật, Công ty Vịnh Thiên Đường đã lừa dối khách hàng để ký kết hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang" ở tận bán đảo Cam Ranh. Đồng thời, phía công ty cũng đã vi phạm các điều cấm theo quy định luật pháp trong việc thu tiền, sử dụng tiền đặt cọc và "tham gia trong chuỗi" tổ chức đưa khách hàng người Việt Nam đi nước ngoài.

Đại diện bị đơn cũng cho rằng Công ty Vịnh Thiên Đường không lừa dối khách hàng, vì trong hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" có nêu rõ địa chỉ dự án "Alma Nha Trang" tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Còn trong quá trình giao dịch đều có giải thích cho khách hàng và có mời khách hàng đến tham quan khu vực dự án.

Việc Công ty Vịnh Thiên Đường có sắp xếp cho khách hàng mua kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang" đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, theo đại diện của bị đơn, đó chỉ là "hỗ trợ" cho khách hàng chứ công ty không tổ chức.

Cuối năm 2019 dự án "Alma Nha Trang" mới hoàn thành nhưng Công ty đã bán kỳ nghỉ tại "Alma Nha Trang" cho khoảng 11.000-12.000 khách hàng. Còn trong 39 vụ kiện về hợp đồng bán kỳ nghỉ tại dự án "Alma Nha Trang", có 12 vụ công ty đã thỏa thuận giải quyết được với khách hàng.

Trước việc pháp lý không rõ ràng, dịch vụ thấp kém, quyền lợi không xứng đáng với số tiền bỏ ra, có dấu hiệu lừa dối khi tư vấn, liên tục bị khách hàng khởi kiện ra Tòa... ALMA Resort có còn là nơi "nghỉ dưỡng" an lành cho khách hàng?

comment Bình luận