Cách phân biệt bệnh whitmore và quai bị

Bệnh whitmore ở trẻ em cũng có đặc điểm sưng đau tuyến nước bọt mang tai tương tự như quai bị nên rất dễ bị chẩn đoán sai. Chuyên gia chỉ cách phân biệt bệnh whitmore và quai bị.
15:33 | 16/09/2019

Con mắc bệnh whitmore, cha mẹ nhầm là quai bị

 
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đã tiếp nhận 3 cháu bé mắc bệnh whitmore. Đầu tiên, bé Nghiêm Thanh T., 14 tuổi (trú tại Đức Thọ, Hà Tĩnh) qua điều trị tích cực trong thời gian 50 ngày đã xuất viện. Hai trường hợp khác là cháu Hoàng Văn C., 10 tuổi (trú tại Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công H., 11 tuổi (trú tại Công Thành, Yên Thành) đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng.
 
Cách phân biệt bệnh whitmore và quai bị
Ba bệnh nhi ở Nghệ An trước đó đều bị nhầm lẫn với bệnh quai bị

Cả ba trường hợp này đều nhập viện trong tình trạng sưng viêm tuyến nước bọt mang tai đã có ổ áp xe, người nhà lầm tưởng do mắc quai bị. Chỉ tới khi bác sĩ cấy mủ và xét nghiệm máu cho kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore.

Một trường hợp khác, năm 2016 bé Bùi Đức Sáng (6 tuổi ở Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị nổi vài nốt mụn nhỏ bên mang tai mãi không khỏi. Sau đó, bé chuyển sốt cao, tuyến mang tai sưng to, nóng, đỏ, đau có mủ bác sĩ mới phát hiện do vi khuẩn gram âm burkholderia pseudomallei.

Theo ghi nhận thực tế tại các bệnh viện, hầu hết các trường hợp mắc bệnh whitmore ở trẻ em đều có triệu chứng sưng viêm tuyến nước bọt mang tai, rất dễ nhầm lẫn với bệnh quai bị. Đây là dấu hiệu bệnh whitmore chỉ có ở trẻ em, trong khi người lớn mắc bệnh thường không có đặc điểm này.
 

Cách phân biệt bệnh whitmore với quai bị


Quai bị là một bệnh nhiễm trùng do virus gây viêm nhiễm tại tuyến nước bọt mang tai. Bệnh dễ lây lan và thường gặp ở trẻ em nam, ít gặp hơn ở nữ giới và người lớn. Các triệu chứng bệnh quai bị như: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn kèm khô miệng, khó nhai khó nuốt. Vùng má và mang tai sẽ sưng lên nhanh chóng do tuyến nước bọt bị viêm.

Một đặc điểm phổ biến ở nam giới mắc quai bị là sưng tinh hoàn do viêm tuy nhiên chỉ gặp khi bệnh nặng, dẫn tới biến chứng. Phụ nữ mắc quai bị có thể bị sưng viêm buồng trứng nhưng hiếm gặp.
 
Cách phân biệt bệnh whitmore và quai bị
Các triệu chứng bệnh quai bị

Trong khi đó, bệnh whitmore hay còn gọi là melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng nhưng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn.
 
Trẻ nhỏ mắc bệnh whitmore có triệu chứng sưng đau tuyến nước bọt vùng mang tai tương tự như quai bị, còn người lớn có biểu hiện sốt cao, chán ăn, đau tức ngực và khó thở có thể đi kèm đau cơ, đau dạ dày dẫn tới nôn, đau đầu, thậm chí là co giật. Tuy nhiên các biểu hiện này đều không rõ ràng khiến người bệnh chủ quan chỉ là ốm sốt thông thường. Đặc điểm điển hình của bệnh whitmore là hình thành ổ áp xe (có mủ), lở loét ngoài da hoặc niêm mạc lâu lành.

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh quai bị và whitmore đều có biểu hiện khá giống nhau là sốt, nóng đỏ, sưng viêm tuyến nước bọt mang tai gây đau. Tuy nhiên, trẻ mắc quai bị thường bị sưng một bên góc hàm rồi lan sang bên còn lại và không tạo mủ, trong khi triệu chứng bệnh whitmore chỉ sưng một bên đi kèm tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc rõ ràng hơn.
 
Cách phân biệt bệnh whitmore và quai bị
Trẻ mắc quai bị thường sưng hai bên góc hàm nhưng không tạo mủ. Còn trẻ mắc bệnh whitmore thường bị sưng một bên mang tai kèm tạo mủ và lở loét

Theo báo cáo từ các vùng có bệnh trên thế giới (chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia), tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chiếm 5-15% tổng số ca bệnh whitmore. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai chiếm 35% số ca mắc. 65% trẻ còn lại có biểu hiện khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận hoặc biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt vùng đầu, mặt và cổ.

Với người lớn mắc bệnh whitmore, tùy theo thể bệnh và vị trí xâm nhiễm có biểu hiện khác nhau. Nếu bị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn nhập hình thành các ổ áp xe trong phổi, bệnh nhân thường có triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau tức ngực và đau nhức cơ sau đó gây viêm phế quản nhẹ rồi viêm phổi nặng.

Nếu bị nhiễm trùng cục bộ ở ngoài da do viêm mô tế bào, bệnh nhân thường có biểu hiện đau, sưng, lở loét tại vết thương hở, chảy mủ kèm theo sốt và đau cơ.

Trường hợp vi khuẩn đã gây nhiễm trùng máu sẽ triệu chứng như: sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng. Nếu nhiễm trùng lan tỏa, vi khuẩn lây lan từ da qua máu thành mạn tính, dễ tái phát gây ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt.

Nhìn chung, các biểu hiện lâm sàng của bệnh whitmore (melioidosis) rất mơ hồ, thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Để chẩn đoán chính xác bệnh whitmore chỉ có cách xét nghiệm phân lập và xác định vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.

Trước tình hình ngày càng nhiều ca bệnh được phát hiện, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bệnh Whitmore không phải là hiếm, năm nào cũng ghi nhận trường hợp mắc bệnh nhưng gây ra dịch. Bác sĩ khẳng định, bệnh whitmore không có khả năng lây truyền từ người sang người, vi khuẩn chỉ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước nhiễm vi khuẩn trong môi trường.

Do đó, biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh là hạn chế tiếp xúc trực tiếp da thịt với bùn, đất, nước... tại các vùng trang trại, ruộng vừa... là những nơi có nguy cơ cao bị lây nhiễm vi khuẩn. Khi cơ thể có vết thương hở cần sát trùng cẩn thận, khi có mụn, phồng rộp bất thương gây lở loét cần đi khám ngay. Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất, nước như làm ruộng, nhân viên vệ sinh môi trường, thông cống... luôn phải có trang phụ bảo hộ.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/09/16/phan-biet-benh-whitmore-quai-bi_16092019143433.mp4[/presscloud]
Phân biệt bệnh whitmore và quai bị. Video: VTV1
 
 
Hà Ly (t/h)
 
 
comment Bình luận