Mách mẹ mẹo hay chữa căng tắc tia sữa tại nhà

Căng tắc tia sữa là hiện tượng thường gặp đối với các bà mẹ sau sinh gây ra các cơn đau ngực, thậm chí biến chứng áp xe vú. Một số mẹo đơn giản sẽ giúp chị em cải thiện tình trạng căng tắc tia sữa, tránh mất sữa.
9:26 | 28/02/2020
Cơ thể phụ nữ sau sinh sẽ tiết ra hormone prolactin thúc đẩy các nang sữa sản xuất ra sữa. Sữa mẹ được sản xuất sau đó sẽ theo các ống dẫn sữa về các xoang chứa sữa nằm phía sau quầng vú. Khi bé bú mút sẽ kích thích làm sữa chảy ra ngoài.
 
Trong quá trình vận chuyển trong tia sữa, vì một lí do nào đó mà lòng ống dẫn sữa bị hẹp bít lại khiến sữa không thể chảy ra ngoài được. Sữa không chảy được ra ngoài sẽ bít tắc tại chỗ tạo thành hòn cục. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, khiến cho các ống dẫn trước chỗ tắc bị căng giãn. Hiện tượng này nếu để lâu sẽ gây ra sự chèn ép lên các ống sữa khác, làm tình trạng tắc tia sữa ngày càng nặng thêm, thậm chí tạo thành ổ áp xe.
 
Mách mẹ mẹo hay chữa căng tắc tia sữa tại nhà

Ngoài ra, một số thói quen cho con bú sai cách cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng căng tắc tia sữa như: Không vệ sinh đầu vú sau khi cho trẻ bú, không vắt bỏ sữa thừa gây ứ đọng sữa, không cho trẻ bú thường xuyên...

Mẹo hay cải thiện tình trạng căng tắc tia sữa sau sinh

 

Day ép và chườm nóng

 
Day ép bằng tay: Mẹ có thể dùng bàn tay để ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng cả hai bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ tác động vào các vị trí sữa đã bị đông kết. Lưu ý, các mẹ phải “day ép” chứ không phải “xoa” để lực tác động vào vị trí nằm sâu bên trong bầu vú và làm tan sữa đã đông kết. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu được, day theo vòng tròn khoảng 20-30 vòng rồi làm ngược lại.
 
Mách mẹ mẹo hay chữa căng tắc tia sữa tại nhà

Chườm nóng: Nếu ngực vẫn bị căng tức sau khi day ép, các mẹ có thể áp dụng chườm nóng. Sử dụng nước không quá nóng để chườm sẽ giúp cho sữa đông kết tan dần ra, khai thông dòng chảy, tạo điều kiện cho sữa mới chảy ra.
 

Các bài thuốc dân gian

 
Lá bồ công anh: Đây là loại cây mọc hoang dã, phổ biến ở vùng Bắc và Trung Bộ. Lấy lá bồ công anh xay nát rồi đun sôi với nước. Sau đó dùng nước cốt để uống còn bã đem đắp lên vị trí ngực bị căng tức sẽ giúp thanh nhiệt, giảm đau, lưu thông sữa.

Lá mít: Được coi là thần dược chữa tắc sữa hiệu quả. Mẹ có thể dùng lá mít hơ nóng, mỗi bên bầu ngực đặt 9 lá vào vùng cứng nhất của ngực. Tiếp đó dùng tay xoa bóp, ấn mạnh từ trên xuống dưới. Khi thấy sữa chảy ra mẹ hãy cho bé bú luôn và làm liên tục ở những ngày sau sẽ cải thiện tình trạng tắc sữa.

Lá đinh lăng: Để sử dụng lá đinh lăng có hiệu quả và phát huy được dược lý cao, nên chọn cây có tuổi đời trên 3 năm. Các mẹ có thể nấu canh, ăn lá, đắp lá hoặc dùng rễ cây để chữa căng tắc sữa sau sinh.

Ngoài ra, các bà mẹ cũng có thể dùng lá bắp cải, xôi nếp, hạt gấc... để chữa tắc sữa. Tuy nhiên, các phương pháp dân gian này chưa được khoa học chứng minh mà chỉ là kinh nghiệm truyền miệng, hiệu quả phụ thuộc vào cơ địa của từng mẹ.
 

Dụng cụ hút sữa


Dùng dụng cụ hút sữa chỉ nên áp dụng trong giai đoạn đầu tắc sữa và vị trí tắc sữa nằm gần với núm vú. Đối với các vị trí tắc ở nang sữa hoặc tắc sâu thì rất khó khăn vì dụng cụ hút không tạo ra áp lực đủ lớn để khai thông dòng sữa, không làm tan được sữa đông kết.
 
Mách mẹ mẹo hay chữa căng tắc tia sữa tại nhà
 
 
Ngược lại, nếu áp lực lớn sẽ làm tổn thương nặng thêm so mạch máu, ống dẫn bị căng giãn. Dụng cụ hút sữa gần như không có tác dụng nếu sự vón kết đã hình thành những cục, mảng lớn. Chính vì vậy, chỉ nên dùng dụng cụ hút sữa khi mới bắt đầu xuất hiện tình trạng tắc sữa.

Những điều cần lưu ý để tránh tắc tia sữa

 
Phải luôn giữ bầu ngực sạch sẽ. Các chuyên gia khuyên nên dùng khăn mềm để vệ sinh đầu vú trước và sau khi cho trẻ bú, tránh nhiễm khuẩn

Trong thời gian căng tắc tia sữa vẫn cần tích cực cho con bú. Lực hút của bé sẽ kích thích sữa chảy ra. Trong trường hợp trẻ không bú hết sữa, mẹ nên vắt bỏ sữa đi để không bị vón cục sữa

Cho trẻ bú đúng cách, đảm bảo con ngậm đúng khớp ngậm.

Khoa học đã chứng minh sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ nhỏ. Bé cần bú đủ 6 tháng đầu đời để có thể hoàn thiện sức để kháng, hệ tiêu hóa và trí thông minh.
 
Chính vì vậy, các mẹ nếu gặp phải tình trạng tắc tia sữa cần phải thực hiện những biện pháp phù hợp để khắc phục sớm nhất cho con trẻ có sữa bú trở lại. Nếu để lâu không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé mà mẹ cũng có thể gặp phải một số bệnh nguy hiểm như viêm tuyến vú, áp-xe vú, u xơ tuyến vú...
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2020/02/16/ba-bau-tang-can-nhu-the-nao-la-hop-ly_16022020005739.mp4[/presscloud]
Bà bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý?
 
 
Hà Ly (t/h)
 
comment Bình luận